Cuộc đua siêu ứng dụng tại Đông Nam Á

Lan Phương - 11:50, 27/03/2019

TheLEADERCác ứng dụng tại Đông Nam Á đang chuyển mình thành các siêu ứng dụng trong bối cảnh thương mại điện tử trên thiết bị di động đổ bộ vào thị trường này.

Cuộc đua siêu ứng dụng tại Đông Nam Á
Grab đang đi đầu trong cuộc chuyển đổi thành siêu ứng dụng tại Đông Nam Á với số vốn đầu tư lớn. Ảnh: vulcanpost

Với sự phủ bóng ngày càng rộng của Internet và điện thoại di động, việc chỉ cần chạm nhẹ trên màn hình để đáp ứng nhiều nhu cầu hàng ngày đang trở nên quen thuộc với không ít người.

Thị trường Đông Nam Á vài năm trước chứng kiến sự bùng nổ của ứng dụng cung cấp dịch vụ chia sẻ, kết nối trên nền tảng công nghệ như Uber, Grab, Food delivery; các ứng dụng chia sẻ phòng, đặt phòng như Booking, Agoda hay các ví điện tử cung cấp các dịch vụ thu hộ, chi hộ, chuyển tiền như Momo, Moca.

Tuy nhiên đến nay, cuộc chơi đã thay đổi khi các ứng dụng này không còn cung cấp dịch vụ đơn lẻ và thay vào đó là sự tích hợp nhiều dịch vụ, nhiều đối tượng sử dụng khác nhau, hình thành lên các siêu ứng dụng.

Ông Varun Mittal, nhà lãnh đạo mảng công nghệ tài chính (fintech) tại các thị trường mới nổi của công ty tư vấn EY, nhận định rằng, một cuộc đua về siêu ứng dụng đang diễn ra tại Đông Nam Á.

Tuy vậy, “để thành công, các nhà cung cấp cần tập trung vào việc xây dựng niềm tin và cho thấy những gì họ đang cung cấp sẽ cải hiện sinh kế thông qua việc kết nối với phần rộng lớn của nền kinh tế”, CNBC dẫn lời nhà lãnh đạo.

Theo nghiên cứu được công bố tháng 11 năm ngoái bởi Google và Temasek Holdings của Singapore, nền kinh tế Internet của Đông Nam Á chạm mức 72 tỷ USD vào cuối 2018, tăng 37% so với năm trước đó dựa vào tổng giá trị hàng hóa được bán trực tuyến, 

Nền kinh tế này được dự báo sẽ vượt 240 tỷ USD vào năm 2025, càng phản ánh tiềm năng của thị trường này. Một khi Internet di động trở nên phải chăng hơn, các lĩnh vực như gọi xe hay thương mại điện tử sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ hơn.

Lĩnh vực gọi xe có lẽ là ví dụ nổi bật nhất cho cuộc chiến trở thành siêu ứng dụng tại Đông Nam Á với sự góp mặt của Grab và Go-Jek.

Đều bắt đầu bằng việc cung cấp dịch vụ gọi xe, cả Grab và Go-Jek đang cho thấy mục tiêu của họ xa hơn rất nhiều việc đưa một người đi từ A đến B.

Ngoài việc phát triển các nền tảng thanh toán kỹ thuật số riêng, cả hai cái tên này đều đã chuyển sang các dịch vụ theo yêu cầu khác như giao đồ ăn và gần đây, thậm chí còn cung cấp các khoản vay và bảo hiểm.

Đầu tháng 3 vừa qua, Go-Jek thông báo nhận đầu tư 100 triệu USD từ tập đoàn Astra, sử dụng vào việc mở rộng dịch vụ tại Đông Nam Á như Get tại Thái Lan, phát triển tại Việt Nam, Singapore cũng như Philippines.

Chỉ một ngày sau, Grab tuyên bố nhận thêm 1,46 tỷ USD từ Quỹ Vision của SoftBank (SoftBank Vision Fund – SVF), nâng tổng số vốn huy động được trong vòng gọi vốn Series H hiện tại lên tới hơn 4,5 tỉ USD.

Grab sẽ đầu tư một phần đáng kể số vốn vừa huy động được vào Indonesia, quốc gia Grab đang giữ vị trí hàng đầu trong lĩnh vực kết nối di chuyển khi chiếm đến 60% thị phần đặt xe máy và 70% thị phần đặt xe ô tô. Grab sẽ sử dụng số vốn này để thúc đẩy mở rộng dịch vụ GrabFood và GrabExpress, đồng thời ra mắt thêm lĩnh vực kinh doanh mới tại Indonesia.

Năm 2018, Grab đã mở rộng đáng kể hệ sinh thái của mình thông qua quan hệ hợp tác với các công ty hàng đầu thế giới như Toyota, Hyundai, Microsoft và Mastercard.

Ứng dụng gọi xe này cũng đã xác lập quan hệ hợp tác với các công ty hàng đầu trong từng nước và trong khu vực như Central Group và Kasikornbank tại Thái Lan, OVO, Bank BTN và Bank Mandiri tại Indonesia, United Overseas Bank tại Singapore, SM Investment Corporation tại Philippines, Moca tại Việt Nam và Maybank tại Malaysia và nhiều công ty uy tín khác.

Tại Việt Nam, MoMo cũng là cái tên đáng chú ý trong việc tích hợp các tiện ích cơ bản trong một ứng dụng. Sở hữu mạng lưới hơn 5.000 điểm giao dịch tài chính trải rộng khắp 45 tỉnh thành trên cả nước, MoMo cho phép khách hàng tại các vùng sâu vùng xa, nơi dịch vụ ngân hàng và điện thoại thông minh chưa phổ biến, được tiếp cận với các dịch vụ tài chính.

Xuất phát điểm là mạng xã hội, Zalo giờ đây cũng hướng đến mô hình siêu ứng dụng với việc tích hợp gian hàng thương mại điện tử Zaloshop, thanh toán trực tuyến ZaloPay. Người dùng không chỉ có thể trò chuyện cùng bạn bè mà còn có thể đọc tin tức, mua sắm và thanh toán ngay trên nền tảng ứng dụng.