Hòa Phát lãi hơn 7.000 tỷ đồng trong quý 1

Trần Anh - 15:02, 22/04/2021

TheLEADERBan lãnh đạo Tập đoàn dự báo lợi nhuận của Hòa Phát có thể còn cao hơn trong các quý còn lại của năm do nhu cầu thép tăng cao.

Sáng 22/4, Tập đoàn Hòa Phát họp cổ đông thường niên 2021. Chủ tịch Hòa Phát, ông Trần Đình Long chia sẻ trong quý 1, tập đoàn đạt doanh thu 31.000 tỷ đồng, tăng 63% và lãi sau thuế 7.000 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ. Trong đó, riêng lãi từ hoạt động kinh doanh 6.500 tỷ đồng và lãi từ thoái vốn công ty nội thất 500 tỷ đồng.

Về giá thép tăng, nếu không có bất thường hay độc quyền thì không ảnh hưởng biên lợi nhuận của Hoà Phát. Ông Long cho biết, hiện tại đang tốt nhưng sắp tới nếu giá thép giảm thì "Hoà Phát sẽ là người chịu thiệt hại cuối cùng". 

Lãnh đạo Hòa Phát dự báo quý 2 lợi nhuận của Hòa Phát có thể còn cao hơn quý 1, và càng về cuối năm càng tăng do quý đầu năm thường là thời gian thấp điểm về nhu cầu thép.

Năm nay, Hoà Phát đặt kế hoạch doanh thu toàn tập đoàn dự kiến 120.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế dự kiến 18.000 tỷ đồng, tăng lần lượt 33,15% và 33,27% so với thực hiện năm 2020.

Về kế hoạch đầu tư trong năm 2021, Hòa Phát cho biết đang chuẩn bị triển khai dự án đầu tư khu liên hợp sản xuất Gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 với công suất dự kiến 5,6 triệu tấn/năm. Trong đó, sản phẩm thép dẹt (HRC) là 4,6 triệu tấn/năm; thép thanh, thép dây chất lượng cao 1 triệu tấn/năm. Dự án có tổng mức đầu tư 85.000 tỷ đồng, được xây dựng trên diện tích 283,73 ha.

Nhu cầu HRC của Việt Nam khoảng 12 triệu tấn năm 2020, trong khi Hòa Phát và Formusa sản xuất được 8 triệu tấn. Trên cơ sở đó, Hòa Phát thực hiện đầu tư giai đoạn 2 để chớp thời cơ. Doanh nghiệp kỳ vọng dự án được hoàn thành và đưa vào hoạt động trong thời gian 36 tháng từ ngày bàn giao đất và cấp giấy phép xây dựng.

Về việc tham gia sản xuất container, theo ông Long, hiện nay Trung quốc chiếm 90% lượng sản xuất container toàn thế giới. Hòa Phát tham gia vào lĩnh vực này có yếu tố thuận lợi, là có sẵn nguồn thép (chiếm 60% chi phí sản xuất container) từ dự án Dung Quất với chi phí sản xuất hợp lý.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, đến thời điểm cuối năm 2020, bò Úc của Hòa Phát chiếm thị phần số 1 với hơn 50%, trứng gà sạch dẫn đầu về sản lượng ở khu vực phía Bắc với 550.000 quả/ngày.

Mục tiêu của công ty đến năm 2022 sẽ đạt sản lượng tối đa công suất thiết kế 600.000 tấn thức ăn chăn nuôi/năm, 500.000 đầu heo thương phẩm/năm, 250.000 bò thịt và 300 triệu trứng gà sạch mỗi năm, góp phần thúc đẩy phát triển ngành nông nghiệp Việt Nam theo hướng quy mô lớn, hiện đại, an toàn sinh học và hiệu quả hơn. 

Đồng thời, Hòa Phát hướng tới phát triển theo chuỗi 3F (Feed – Farm – Food), với mục tiêu 5 năm tới sẽ phát triển doanh thu gấp đôi năm 2021, dự kiến đạt 20.000 tỷ đồng, lợi nhuận 1.700 - 1.800 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, tập đoàn sẽ tiến tới phát triển dự án bất động sản nhà ở. Ban lãnh đạo đang tìm kiếm tại các địa phương, phát triển dự án từ đầu. Việc đầu tư từ đầu mất thời gian dài nhưng giá vốn thấp. Tập đoàn cũng tìm các công ty M&A nhưng chỉ thực hiện khi có lợi nhuận, đạt kết quả tốt.

Song song với hoạt động đầu tư, Hòa Phát cũng sẽ tiến hành thoái vốn khỏi một số lĩnh vực như nội thất. Theo ông Long, nội thất là ngành phù hợp với kinh tế gia đình, trong khi chiến lược phát triển của tập đoàn 5 năm tới, Hoà Phát tập trung vào ngành sản xuất số lượng nhiều, ngành to, thô, sẽ tránh cạnh tranh với các ông lớn trên thế giới.