Hoàn tất giao dịch tài trợ thương mại đầu tiên trên nền tảng chuỗi khối

Tùng Anh - 11:36, 17/05/2018

TheLEADERNgân hàng HSBC và ING Bank vừa thực hiện thành công giao dịch tài trợ thương mại đầu tiên sử dụng công nghệ chuỗi khối (blockchain), mang đến cuộc cách mạng đột phá về thương mại.

Hoàn tất giao dịch tài trợ thương mại đầu tiên trên nền tảng chuỗi khối
Với công nghệ blockchain, tất cả việc trao đổi thông tin chỉ diễn ra trong vòng 24 tiếng.

HSBC cho biết giao dịch này được thực hiện để vận chuyển một chuyến hàng chở đậu nành từ Argentina đến Malaysia, thông qua Cargill, một tập đoàn quốc tế về nông nghiệp và thực phẩm, tại Geneva và Singapore.

Cụ thể, giao dịch được tài trợ thương mại thông qua tín dụng thư, được thực hiện hoàn toàn trên nền tảng công nghệ chuỗi khối Corda của R3, đánh dấu một bước phát triển mới trong cách thức mua bán hàng hóa.

Giao dịch thành công cho thấy nền tảng blockchain mà HSBC phát triển đã sẵn sàng để được áp dụng rộng rãi trong toàn ngành.

Theo đánh giá của HSBC, blockchain là một công nghệ lý tưởng cho các giao dịch thương mại, giúp hợp lý hóa quy trình đòi hỏi nhiều giấy tờ như trước đây vốn thường mất khoảng 5 - 10 ngày cho việc trao đổi chứng từ. Với công nghệ này, tất cả việc trao đổi thông tin chỉ diễn ra trong vòng 24 tiếng.

"Với công nghệ chuỗi khối, sẽ không còn bước đối chiếu chứng từ bằng giấy nữa vì tất cả các bên được kết nối trên một hệ thống chung và thông tin được cập nhật liên tục và ngay lập tức", giám đốc toàn cầu phụ trách khối phát triển và sáng kiến, khối ngân hàng doanh nghiệp của HSBC Vivek Ramachandran cho biết.

Đại diện của ngân hàng đến từ nước Anh cũng nhận định, đối với các doanh nghiệp, các giao dịch tài trợ thương mại sẽ được thực hiện đơn giản hơn, nhanh hơn, minh bạch hơn và an toàn hơn nhờ công nghệ blockchain.

Đánh giá của Liên Hợp Quốc cũng cho thấy việc số hóa công việc giấy tờ của các giao dịch thương mại trong khu vực châu Á Thái Bình Dương có thể cắt giảm 44% thời gian thực hiện thủ tục xuất khẩu hàng hóa và bằng cách đó, chi chí sẽ được cắt giảm 31% và thúc đẩy giá trị xuất khẩu tăng 257 tỷ USD mỗi năm.

Theo ông Ajay Sharma, giám đốc khu vực khối dịch vụ thanh khoản và quản lý tiền tệ, hhu vực châu Á Thái Bình Dương của HSBC, việc đối chiếu thanh toán tự động sẽ giúp đẩy mạnh dòng thương mại quốc tế và giữa các nước trong khu vực.