Cách mạng blockchain tiến tới viện trợ nhân đạo

Thùy Dung - 13:14, 26/02/2018

TheLEADERBlockchain, công nghệ đứng sau tiền ảo Bitcoin, đang dần bắt đầu bén rễ từ một lĩnh vực khác xa tài chính, đó là viện trợ nhân đạo.


Nhằm trấn an các nhà tài trợ về việc tiền tài trợ được chi tiêu hợp lý cũng như phân phát đúng chỗ, các quỹ viện trợ nhân đạo đang tiến hành thử nghiệm áp dụng công nghệ với hy vọng cải thiện công việc.

Ông Christopher Fabian, người đứng đầu quỹ đầu tư mạo hiểm của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF), quỹ đầu tư vào các giải pháp công nghệ, cho biết, hiện việc áp dụng công nghệ mới chỉ ở giai đoạn sơ khai và còn rất nhiều điều cần thực hiện trong tương lai.

Cuối năm 2017, UNICEF đã tập hợp các chuyên gia về blockchain của Nga tại một cuộc họp ở Kazakhstan nhằm phát triển các hợp đồng thông minh, tạo ra các giao dịch thuận lợi hơn giữa tổ chức này với rất nhiều các đối tác trong việc phân phối cũng như thanh toán.

Ông Fabian thừa nhận việc phát triển trên đến nay đã hoàn toàn thất bại nhưng cho biết "chúng tôi đã học được rất nhiều từ đó và sẽ tiến hành một thử thách tương tự vào năm nay tại Mexico".

Người đứng đầu quỹ đầu tư mạo hiểm của UNICEF đánh giá rằng, trong tương lai, các dự án sử dụng công nghệ blockchain sẽ mang lại lợi ích xã hội dù nhiều trong số đó có nhiều khả năng thất bại.

Văn phòng UNICEF tại Pháp trước đó đã cho khởi động chương trình Game Chaingers nhắm đến các game thủ sở hữu dàn máy cao cấp, đủ khả năng khai thác Ethereum và sử dụng những đồng tiền này giúp đỡ trẻ em Syria.

Về lý thuyết, công nghệ blockchain cho phép người dùng tạo ra và lan truyền thông tin trên một mạng lưới máy tính lớn với khả năng minh bạch, an ninh cao cũng như giúp giảm chi phí giao dịch.

Công nghệ này cho phép ghi nhận rõ ràng và tốt hơn về việc viện trợ lương thực được gửi đi đâu cũng như có thể đảm bảo thuốc viện trợ không bị làm giả.

Đối với những người chịu trách nhiệm trong việc chuyển tiền trực tiếp tới những người có nhu cầu, blockchain có thể giúp việc kiểm soát giải ngân vốn tốt hơn cũng như tránh được việc sử dụng trung gian tài chính như ngân hàng, giảm được việc mất phí.

Bên cạnh những lợi ích trên, việc phát triển blockchain trong viện trợ nhân đạo vẫn tồn tại không ít rủi ro như hạn chế về kỹ thuật, quản trị cũng như bảo vệ dữ liệu. 

Nhiều câu hỏi đặt ra cho sự phát triển công nghệ này như làm thế nào để thông tin người tị nạn không bị tấn công bởi chế độ độc tài, ai sẽ là người xác thực dữ liệu hay quốc gia nào sẽ chấp nhận danh mục đầu tư ảo vẫn là những bài toán chưa có lời giải.