Kinh tế gặp khó nhưng số liệu vẫn ‘đẹp như mơ’?

Phạm Sơn - 16:39, 19/06/2023

TheLEADERTổng cục Thống kê khẳng định, các phương pháp tính toán những chỉ số quan trọng của nền kinh tế như tỷ lệ thất nghiệp, CPI... luôn có sự đồng hành của các tổ chức quốc tế, đảm bảo minh bạch, xác thực và tuân theo chuẩn mực quốc tế.

Kinh tế gặp khó nhưng số liệu vẫn ‘đẹp như mơ’?

Năm 2022, trong bối cảnh địa chính trị gặp nhiều bất ổn gây ra áp lực lạm phát chi phí đẩy lớn, Việt Nam vẫn duy trì được mức tỷ lệ lạm phát 3,15%, thấp hơn mức trần 4% do Quốc hội đặt ra, thể hiện nỗ lực lớn trong công tác điều hành chính sách nhằm ổn định kinh tế vĩ mô.

5 tháng đầu năm 2023, trước áp lực vẫn tương đối lớn, tỷ lệ lạm phát đạt 3,55%, vẫn duy trì dưới mức trần. Tuy nhiên, khi công bố chỉ số lạm phát, công chúng bày tỏ sự hoài nghi khi “rau cỏ, hoa quả, lương thực đều tăng mà chỉ số lạm phát vẫn đẹp như mơ”.

Một con số thống kê khác cũng bị nhiều hoài nghi là tỷ lệ thất nghiệp. Năm 2022 và quý đầu tiên của năm 2023, do xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp đã phải giảm, thậm chí là ngừng hoạt động, thế nhưng tỷ lệ thất nghiệp được công bố vẫn ở mức thấp, chỉ hơn 2%.

Lý giải về mức lạm phát không tăng cao, theo bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê, trong 5 tháng đầu năm, giá lương thực tăng khoảng 3,77%, thực phẩm tăng khoảng 3,8%, là mức tăng không quá cao bởi từ đầu năm đến nay thời tiết tương đối thuận lợi cho nuôi trồng, canh tác nên lương thực thực phẩm có nguồn cung dồi dào.

Thực tế, mức tăng giá cả lương thực thực phẩm là không đồng đều giữa các địa phương. Theo đó, địa phương có điều kiện địa lý thuận lợi, gần các nguồn cung ứng thì có giá cả rẻ hơn so với những địa phương khác. Vì vậy, có thể hiện tượng giá cả lương thực thực phẩm tăng như một số bộ phận người dân phản ánh chỉ mang tính cục bộ.

Tại Tọa đàm Số liệu thống kê và truyền thông chính sách" do Bộ Kế hoạch và đầu tư tổ chức, bà Oanh cho biết, phương pháp tính tỷ lệ lạm phát (chỉ số giá tiêu dùng – CPI) trong quá trình trình xây dựng và thực hiện đều có sự đồng hành của các tổ chức quốc tế như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nên đảm bảo đúng với yêu cầu quốc tế. Công tác điều tra giá tiêu dùng được tiến hành rộng khắp trên cả 63 tỉnh, thành phố, thực hiện 3 kỳ mỗi tháng để tránh yếu tố mang tính mùa vụ, đảm bảo sát nhất với thực tế.

Cố tình bóp méo số liệu thống kê là đang có tội với nhân dân
Nguyễn Thu Oanh
Vụ trưởng Vụ Thống kê giá

Vì vậy, bà Oanh khẳng định, số liệu CPI phản ánh trung thực mức lạm phát của nền kinh tế. “Đối với người làm công tác thống kê, không có số xấu, số đẹp, chỉ có phản ánh trung thực. Bởi vì nếu cố tình bóp méo số liệu thống kê là chúng tôi đang có tội với nhân dân”, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá nhấn mạnh.

Về tỷ lệ thất nghiệp, ông Phạm Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động, cho biết, số liệu được căn cứ trên điều tra lao động và việc làm, được thực hiện trong 7 ngày, từ mùng 1 – 7 hàng tháng, điều tra 18 nghìn hộ gia đình mỗi tháng, tức là tương đương với 300 nghìn người mỗi năm.

Một người được xếp vào nhóm thất nghiệp, theo ông Nam, phải đảm bảo đủ 3 yếu tố, bao gồm từ 15 tuổi trở lên, đang có nhu cầu tìm việc làm nhưng chưa tìm được việc trong thời gian tham chiếu. Như vậy, không phải chỉ chưa có việc làm là được xếp vào nhóm thất nghiệp.

Lý giải về tỷ lệ thất nghiệp thấp dù nhiều công ty đã và đang cắt giảm lao động, ông Nam cho biết, hơn 65% lao động ở Việt Nam đang là lao động phi chính thức, trong khi số liệu thống kê mới chỉ tính được nhóm lao động chính thức.

Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, bổ sung, chính sách trợ cấp thất nghiệp của Việt Nam chưa đảm bảo được mức an sinh cho người thất nghiệp, vì vậy người lao động nếu bị mất việc hầu như sẽ bắt buộc phải tìm kiếm công việc thay thế trong thời gian sớm nhất. Chính vì lý do đó, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) luôn rất tin tưởng số liệu công bố về tỷ lệ thất nghiệp tại Việt Nam.

Bà Hương cho biết, thời gian qua, ngành thống kê đã rất nỗ lực nâng cao chất lượng thông tin thống kê cũng như tuyên truyền, phổ biến thông tin thống kê với nhiều hình thức đa dạng, tới đông đảo đối tượng trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, ngành cũng đẩy mạnh đổi mới thu thập thông tin, tích cực chuyển đổi số, nâng cao chất lượng nhân lực ngành, nhận hỗ trợ, tư vấn kỹ thuật từ nhiều chuyên gia đến từ các tổ chức quốc tế.

Để phản ánh trung thực, chính xác sự vận động không ngừng của đời sống kinh tế - xã hội, ngành thống kê luôn có những thay đổi để theo kịp tiến trình phát triển, dựa trên cơ sở tuân thủ chuẩn mực quốc tế và phù hợp với thực tiễn của Việt Nam.

“Để triển khai những chỉ tiêu mới, chúng tôi đã thực hiện những nghiên cứu chuyên sâu, tổ chức hàng trăm cuộc hội thảo cả trực tiếp và trực tuyến với các chuyên gia, tổ chức quốc tế, cơ quan thống kê các nước về các chỉ tiêu thống kê như Kinh tế số, logistics, rồi sắp tới đây là kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh…”, lãnh đạo ngành thống kê bày tỏ.