Logistics và nghịch lý chất lượng thấp, chi phí quá cao

Đặng Hoa - 11:09, 15/12/2017

TheLEADERNgành logistics của Việt Nam có nhiều tiềm năng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn nhưng hơn 40 năm phát triển vẫn còn bộc lộ nhiều yếu kém và vướng mắc.

Logistics và nghịch lý chất lượng thấp, chi phí quá cao
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh.

Theo ông Ousman Dione, Giám đốc quốc gia của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đánh giá Việt Nam hiện đang nổi lên là trung tâm sản xuất công nghiệp mới và một trong những điểm đến hàng đầu trên thế giới đối với đầu tư FDI.

Đánh giá cao tiềm năng của Việt Nam nhưng ông Ousman Dion cho rằng Việt Nam vẫn chỉ đang thực hiện những công đoạn sản xuất có giá trị gia tăng thấp nhất trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Bên cạnh đó, chi phí xuất nhập khẩu của Việt Nam vẫn cao hơn mức bình quân của các nước ASEAN. Tính theo tỷ trọng GDP, chi phí logistics của Việt Nam là 18%, cao gần gấp đôi so với các nền kinh tế phát triển và cao hơn mức bình quân toàn cầu là 14%.

Thứ hạng của Việt Nam theo chỉ số năng lực logistics (LPI) đã giảm từ 48 năm 2014 xuống 64 năm 2016. Sự sụt giảm này cho thấy Việt Nam đang mất đi lợi thế cạnh tranh. 

Tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam đang bị hạn chế nghiêm trọng do sự yếu kém của hành lang kết nối giữa những trọng điểm tăng trưởng với các cửa ngõ quốc tế lớn, chi phí vận tải cao, chất lượng vận tải và logistics kém.

Đối với thực trạng trên, WB đề cập 4 giải pháp tháo gỡ nút thắt trong đó đặc biệt là vấn đề hạ tầng giao thông và đơn giản hóa thủ tục hành chính trong xuất nhập khẩu. 

Đối với hạ tầng giao thông, hiện đầu tư chưa đồng bộ, chủ yếu vẫn là vận tải đường bộ, chưa tập trung vào vận tải đa phương thức và các trung tâm logistics. 

Việc phụ thuộc quá nhiều vào đầu tư công, vốn chủ yếu do tài trợ, kém hiệu quả cũng dẫn đến chất lượng dịch vụ logistics thấp. WB đề xuất tạo cơ chế tốt để thu hút đầu tư tư nhân thay vì tập trung vào đầu tư công. 

Bên cạnh đó, cũng cần có giải pháp để đơn giản hoá thủ tục hải quan vốn chiếm tới 76% thời gian cần thiết để nhập khẩu, góp phần giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Ông Ousman Dion cho rằng Việt Nam cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa để không làm mất đi lợi thế cạnh tranh của mình thông qua giải pháp nâng cao hiệu quả xuất nhập khẩu bên cạnh tự do hóa thương mại.

Công nghiệp logistics và nghịch lý chất lượng thấp, chi phí quá cao
Ông Ousman Dion, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam

Chính phủ cần nhấn mạnh hơn vai trò lãnh đạo của mình trong các chương trình cải cách trong lĩnh vực logistics. Chính phủ cũng như khối kinh tế tư nhân cần có lộ trình rõ ràng về cải cách nếu muốn nâng cao chất lượng dịch vụ logistics, đặc biệt trong mối cảnh công nghiệp hóa hiện đại hóa cũng như trong bối cảnh phát triển của nền cách mạng công nghiệp 4.0, ông Ousman Dion nhận định.

Phát biểu tại Diễn đàn Logistics Việt Nam sáng nay, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đánh giá cao sự phát triển của ngành logistics Việt Nam trong thời gian qua, đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng kinh tế, giúp mở rộng và phát triển thị trường quốc tế, nâng cao mức hưởng thụ của người tiêu dùng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của đất nước.

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, logistics hoàn toàn có thể trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trọng điểm ở nhưng chất lượng dịch vụ logistics hiện còn thấp và chi phí cao. Trải qua hơn 40 năm phát triển nhưng logisics vẫn được xem là một ngành dịch vụ non trẻ. 

Năng lực logistics Việt Nam còn rất hạn chế khi có hơn 1.000 doanh nghiệp logistics nhưng lại chỉ chiếm khoảng 20% thị phần, còn lại 80% thị phần thuộc về 25 doanh nghiệp nước ngoài.

Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam thấp so với một số nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore nên việc thua ngay trên sân nhà ngày càng rõ nét khi hàng rào thuế được dỡ bỏ, điển hình như lĩnh vực sản xuất ô tô, đường, nông sản... 

Một trong những lý do chính là chi phí logistics cảng biển của Việt Nam cao gấp từ 1,2 đến 2 lần so với các nước như Thái Lan.

Lĩnh vực logistics Việt Nam còn gặp phải nhiều vướng mắc và hạn chế còn chưa được giải quyết. Điển hình là công tác quy hoạch giữa các ngành liên quan vẫn chưa có sự kết nối chặt chẽ với nhau; cơ sở hạ tầng giao thông, thương mại, công nghệ thông tin còn yếu kém, chưa kết nối được với các nước trong khu vực; nguồn nhân lực cho hoạt động logistics còn chưa đáp ứng được yêu cầu, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh. 

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định mục tiêu xuyên suốt của Chính phủ về một chính phủ kiến tạo để cải cách hành chính hướng tới tiếp tục hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam nhằm thúc đẩy phát triển, thông qua tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.