Nhiều vi phạm trong quản lý đất đai tại Hà Nam

Nguyễn Cảnh - 14:57, 29/01/2023

TheLEADERThanh tra Chính phủ vừa chỉ ra nhiều tồn tại, khuyết điểm của UBND tỉnh Hà Nam trong quản lý, sử dụng đất, đầu tư xây dựng cơ bản giai đoạn 2012-2018.

Cụ thể, trong thời gian 2012-2018, UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư 20 dự án hạ tầng kỹ thuật (HTKT) khu đô thị, khu dân cư, nhà ở hỗn hợp khi chưa phê duyệt kế hoạch phát triển nhà ở hàng năm và 5 năm (không đúng quy định tại Luật Nhà ở 2014).

UBND tỉnh lựa chọn nhà đầu tư 4 dự án không thông qua hình thức đấu thầu, vi phạm Nghị định 30/2015 của Chính phủ. Đến thời điểm thanh tra, theo báo cáo của UBND tỉnh, các chủ đầu tư đã nộp tiền sử dụng đất, đã xây dựng và bàn giao cho khách hàng (gồm dự án HTKT khu nhà ở cán bộ, bác sỹ bệnh viện Việt Đức; khu nhà ở cán bộ, bác sỹ bệnh viện Bạch Mai; khu nhà ở cán bộ, công nhân viên Ban quản lý dự án ý tế trọng điểm – Bộ Y tế, khu nhà ở cán bộ đại học Xây dựng).

Việc xác định giá đất, thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất cũng để xảy ra nhiều tồn tại, không đúng quy định tại nhiều dự án trên địa bàn Hà Nam.

Cụ thể, tỉnh xác định tiền sử dụng đất đối với một số dự án HTKT khu đô thị, nhà ở theo phương pháp thặng dư, trong đó chỉ quy đổi tổng doanh thu phát triển về giá trị hiện tại tại thời điểm định giá đất mà không thực hiện quy đổi tổng chi phí phát triển.

Mặt khác, khi quy đổi tổng doanh thu phát triển, Hà Nam đã áp dụng tỷ suất chiết khấu không đúng mức lãi suất cho vay trung hạn bình quân tại thời điểm định giá đất của các ngân hàng thương mại trong nước, đưa thuế VAT và tính thêm lãi vay ngân hàng (đã được tính gộp vào lợi nhuận của nhà đầu tư) vào tổng chi phí phát triển khi xác định tiền sử dụng đất.

Việc này, theo Thanh tra Chính phủ là không đúng quy định tại Thông tư 36/2014 của Bộ Tài nguyên và môi trường và Luật Thuế giá trị gia tăng, làm giảm tiền sử dụng đất phải nộp vào ngân sách nhà nước. 

Từ đây, số tiền sử dụng đất phải nộp bổ sung được xác định là khoảng gần 58 tỷ đồng (gồm: dự án HTKT khu đô thị Đồng Văn Xanh khoảng 46 tỷ đồng, khu đô thị mới River Silk City phân kỳ 1 khoảng 8,2 tỷ đồng, khu đô thị Phú Cường khoảng 3,5 tỷ đồng). Kết thúc thanh tra, chủ đầu tư dự án khu đô thị Đồng Văn Xanh đã tạm nộp 20 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước.

Tại dự án HTKT khu đô thị Đồng Văn Xanh, tỉnh xác định tiền sử dụng đất (khoảng 53ha, 4 đợt giao đất từ 2013 tới 2018) tại thời điểm năm 2016, là không đúng quy định tại Luật đất đai 2013.

Dự án HTKT khu đô thị mới River Silk City đã được tỉnh giao đất từ tháng 12/2019, nhưng tới thời điểm thanh tra chưa được xác định tiền sử dụng đất (vi phạm Luật Đất đai 2013). Tới tháng 8/2021, tỉnh mới duyệt tiền sử dụng đất là khoảng 104 tỷ đồng.

Đáng chú ý, tổ hợp khách sạn, trung tâm thương mại và căn hộ Mường Thanh đã hoàn thành, khai thác kinh doanh từ tháng 6/2017 nhưng đến thời điểm thanh tra, UBND tỉnh chưa có quyết định giao, cho thuê đất và chưa xác định nghĩa vụ tài chính.

Dự án được thực hiện trên diện tích 1,25ha đất sạch, đã được giải phóng mặt bằng, nhưng Ban thường vụ Tỉnh ủy có kết luận (tháng 12/2015) nhất trí chủ trương chỉ định doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên là chủ đầu tư, và UBND tỉnh có quyết định chủ trương đầu tư và lựa chọn chủ đầu tư dự án không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, vi phạm Luật Nhà ở 2014 và Nghị định 99/2015.

Ngoài ra, theo Thanh tra Chính phủ, dự án không phù hợp với quy hoạch chung TP. Phủ Lý về chiều cao tầng, chức năng ô đất, vi phạm Luật Nhà ở 2014, Luật Quy hoạch đô thị 2009 và Nghị định 37/2010 của Chính phủ.

Tới tháng 5/2021 (sau khi kết thúc thanh tra), UBND tỉnh Hà Nam phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung TP. Phủ Lý tại lô đất vị trí dự án: điều chỉnh tầng cao công trình thành 30 tầng, chức năng đất hỗn hợp. Sở Xây dựng cấp phép xây dựng dự án khi UBND tỉnh chưa có quyết định giao, cho thuê đất (chỉ có biên bản tạm thời bàn giao đất trên thực địa), là vi phạm Luật Xây dựng 2014; cấp phép xây dựng 28 tầng không phù hợp với quy hoạch chung TP. Phủ Lý đã được phê duyệt.

Chủ đầu tư gặp hàng loạt vi phạm như: khởi công xây dựng công trình khi chưa được giao, cho thuê đất; xây dựng công trình không đúng giấy phép xây dựng; chuyển nhượng 118/130 căn hộ khi không đủ điều kiện chuyển nhượng…

Sau khi chỉ ra các sai phạm trên, Thanh tra Chính phủ đã chuyển hồ sơ vụ việc liên quan dự án tổ hợp khách sạn, trung tâm thương mại và căn hộ Mường Thanh đến Bộ Công an để xem xét, xử lý theo quy định.

Đối với khu du lịch Tam Chúc, theo UBND tỉnh, dự án này được Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư tại văn bản 658/TTg-KTN ngày 11/5/2015. Tới thời điểm thanh tra, UBND tỉnh chưa phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng để xác định cơ cấu sử dụng đất, xác định nghĩa vụ tài chính. Việc này được xác định là không đúng Luật Đất đai 2013 (tỉnh đã giao một phần diện tích cho chủ đầu tư thực hiện dự án).

Bên cạnh đó, theo cơ quan thanh tra kết luận, dự án HTKT khu du lịch Tam Chúc khi điều chỉnh năm 2012 không có ý kiến thẩm định của Bộ Kế hoạch và đầu tư về nguồn và mức hỗ trợ từ ngân sách trung ương.

Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra sai phạm tại dự án Cảng nhập, xuất kho trung chuyển xăng của Công ty TNHH Hải Linh, trong đó đến thời điểm thanh tra, dự án chưa được UBND tỉnh cho thuê đất và xác định tiền thuê đất. Cơ quan Thuế tỉnh căn cứ vào mục đích và diện tích thực tế sử dụng đất, tạm xác định tiền thuê đất trả hàng năm và chủ đầu tư đã thực hiện theo thông báo của cơ quan thuế.