Quảng Ninh nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư trong 2023

Tùng Anh - 08:28, 23/11/2022

TheLEADERQuảng Ninh quyết tâm vượt qua những khó khăn, thách thức, sự phục hồi chậm, tiềm ẩn nhiều rủi ro trước mắt để hướng đến chủ đề năm 2023 đã được xác định là: “Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư, giữ vững đà tăng trưởng".

Quảng Ninh nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư trong 2023
Một góc Hạ Long

Sau khi chứng kiến hai nhà đầu tư lớn là Hóa dầu Stavian Quảng Yên và Vietnam Investment Q ký kết các biên bản ghi nhớ, cam kết đầu tư hàng tỷ USD để xây dựng nhà máy sản xuất trong khu công nghiệp Bắc Tiền Phong của DEEP C, ông Bruno Jaspaert, Giám đốc điều hành DEEP C một lần nữa khẳng định Quảng Ninh chính là điểm đến hội tụ mọi yêu cầu của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.

Ông cho biết, doanh nghiệp có thể tiếp cận với nguồn nhân lực chất lượng, được đào tạo bài bản, có kinh nghiệm và tay nghề. Nhờ lắng nghe doanh nghiệp, Quảng Ninh hiểu rằng không thể cạnh tranh bằng nhân lực giá rẻ. Hiện nay, tỉnh cũng đang tìm các phương án để đẩy mạnh công tác đào tạo người lao động, thu hút nhân tài và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Bên cạnh đó, Quảng Ninh vẫn còn quỹ đất dồi dào cùng nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn trực tiếp cho doanh nghiệp. Đây là những điểm mạnh để các doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư vào Quảng Ninh thời gian tới.

Thật vậy, trong nhiều năm qua,Quảng Ninh là địa phương có môi trường đầu tư kinh doanh an toàn, thân thiện, được cộng đồng doanh nghiệp tín nhiệm. 5 năm liền, Quảng Ninh đứng đầu về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), 4 năm, liên tục dẫn đầu về chỉ số cải cách hành chính(PAR Index) và 3 năm liền dẫn đầu về chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS)…

PCI đã làm nên thương hiệu của Quảng Ninh, cũng vì vậy mà lãnh đạo địa phương này dù đã đạt được nhiều thành tựu về cải cách song xác định không ngủ quên trên chiến thắng, tiếp tục tìm cách nâng cao điểm số về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Đặc biệt, tỉnh xác định phải đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ của khoa học công nghệ trong bối cảnh của thời đại 4.0.  

Trong thời gian qua, nhiều mô hình mới phục vụ doanh nghiệp, nhà đầu tư được thiết lập, vận hành hiệu quả như: Trung tâm Phục vụ hành chính công, Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư, Tổ công tác Investor care...

Bên cạnh đó, Quảng Ninh cũng chú trọng nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng bởi đó cũng là thế mạnh của Quảng Ninh trong thu hút đầu tư. 

Những năm gần đây, Quảng Ninh được biết đến là một trong những địa phương dẫn đầu về tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại. Trong đó nổi bật là hạ tầng giao thông bảo đảm liên thông, tổng thể, gồm cả đường bộ cao tốc, đường hàng không, đường thủy - hàng hải quốc tế. Bên cạnh đó là hạ tầng mềm như điện, thương mại...

Với mục tiêu trở thành trung tâm logistics của khu vực phía Bắc, Quảng Ninh đang từng bước khắc phục các “điểm nghẽn” về hạ tầng để đáp ứng nhu cầu vận chuyển, lưu thông hàng hóa, thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu phát triển. 

Quảng Ninh kiên trì thực hiện mô hình tổ chức không gian phát triển “một tâm, hai tuyến đa chiều, hai mũi đột phá, ba vùng động lực”, kiến tạo các hành lang giao thông gắn với các hành lang kinh tế, hành lang đô thị, hướng tới xây dựng thành thành phố trực thuộc Trung ương và thúc đẩy liên kết nội vùng, liên kết vùng, phân công và hợp tác lãnh thổ, bảo đảm các tiềm năng, thế mạnh, để bổ sung, phát huy tối đa sức mạnh cùng phát triển bền vững.

Cùng với đó, chính quyền địa phương cũng luôn chủ động, kiến tạo và đổi mới toàn diện, mạnh mẽ tư duy phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, bao trùm. Trên hành trình tập trung dịch chuyển từ nền kinh tế “nâu” sang “xanh”, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh xác định không đánh đổi môi trường để lấy tăng trưởng. 

Trong công tác xúc tiến và thu hút đầu tư, Quảng Ninh cho biết không chạy theo số lượng, mà chọn chất lượng. Tỉnh ưu tiên thu hút đầu tư vào những ngành nghề, lĩnh vực mà tỉnh có lợi thế cạnh tranh vượt trội, tiềm năng khác biệt, tạo giá trị gia tăng lớn, hướng đến phát triển bền vững. 

Các lĩnh vực ưu tiên nhất là du lịch, dịch vụ tổng hợp hiện đại; công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp phụ trợ, các ngành công nghệ cao, công nghệ thông minh; kinh tế biển, logistics, cảng biển và dịch vụ cảng biển; nông nghiệp sinh thái; các nhóm ngành thúc đẩy kinh tế xanh như năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, điện khí, điện gió; phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.

Bàn kế hoạch cho năm 2023, lãnh đạo Quảng Ninh xác định phải nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư, giữ vững đà tăng trưởng. 

Cụ thể, tỉnh này sẽ tiếp tục triển khai thực hiện nghị quyết, đề án, chương trình; đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng gắn với phương thức phát triển từ “nâu ” sang “xanh”, cơ cấu lại nền kinh tế; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ, khả năng thích ứng, sức cạnh tranh của nền kinh tế; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược. 

Quảng Ninh sẽ gắn kết chặt chẽ giữa các mục tiêu tăng trưởng kinh với phát triển con người, xây dựng văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh; đảm bảo an sinh, phúc lợi, tiến bộ và công bằng xã hội, hài hòa giữa đời sống vật chất và đời sống văn hóa tinh thần theo các tiêu chí của “hạnh phúc”...