Sẽ điều chỉnh phương án đầu tư đường vành đai 4 TP.HCM đoạn qua Bà Rịa – Vũng Tàu

Nguyễn Cảnh - 17:35, 18/09/2021

TheLEADERĐể bảo đảm thống nhất về quy mô mặt cắt và tiến độ đầu tư, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết sẽ tiếp tục điều chỉnh phương án đầu tư đường Vành đai 4 TP.HCM đoạn qua địa phận tỉnh.

Sẽ điều chỉnh phương án đầu tư đường vành đai 4 TP.HCM đoạn qua Bà Rịa – Vũng Tàu
Hướng tuyến dự kiến của đường vành đai 4 TP.HCM

Bà Rịa – Vũng Tàu đưa ra ý kiến trên trong bản góp ý về kế hoạch tổng thể triển khai dự án đường vành đai 4 TP.HCM gửi Văn phòng Chính phủ.

Một nội dung đáng chú ý là vấn đề quy mô đầu tư tuyến đường này. Theo quy hoạch chi tiết dự án đường vành đai 4 TP.HCM (được Thủ tướng phê duyệt hồi tháng 9/2011), đây là đường cao tốc đô thị, quy mô 6-8 làn và đường song hành. 

Còn theo phương án đề xuất đầu tư của UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (đã trình Tỉnh ủy và HĐND tỉnh đồng thuận), là nghiên cứu tuyến đường vành đai 4 TP.HCM đoạn qua địa bàn tỉnh sẽ có quy mô 6 làn xe tuyến chính, 4 làn xe hỗn hợp.

Tuy nhiên, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, theo quy hoạch mạng lưới đường bộ Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 (được Thủ tướng phê duyệt đầu tháng 9/2021) xác định quy hoạch tuyến đường vành đai 4 TP.HCM có quy mô 8 làn xe (mặt cắt ngang tuyến khoảng 74,5m), đi qua 5 tỉnh thành, trong đó đoạn qua địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu khoảng 18km (dài 18,3km).

Như vậy, phương án của UBND tỉnh về tuyến đường vành đai 4 TP.HCM đoạn qua địa bàn tỉnh này (quy mô 6 làn xe tuyến chính, 4 làn xe hỗn hợp) chưa phù hợp với quy hoạch mạng lưới đường bộ Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (quy mô 08 làn xe).

Quy hoạch chi tiết tuyến vành đai 4 TP.HCM được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 1698/QĐ-TTg ngày 28/9/2011, trong đó tuyến đường đi qua địa giới hành chính của 5 tỉnh, thành phố gồm Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM, Long An.

Tổng chiều dài quy hoạch khoảng 197,6km (tổng chiều dài nghiên cứu thực tế khoảng 200km). UBND các tỉnh, thành phố tổ chức quản lý quỹ đất và triển khai những dự án thành phần có đủ điều kiện; chủ động kêu gọi, huy động các nguồn vốn để đầu tư xây dựng, trong đó ưu tiên khai thác quỹ đất.

Về tình hình thực hiện, tính tới cuối tháng 7/2021, Bình Dương đã đầu tư được khoảng 21km bằng nguồn ngân sách địa phương, đang tiếp tục nghiên cứu đầu tư mở rộng theo quy hoạch; Long An đang triển khai đầu tư khoảng 25km. 

Đồng thời, Ban quản lý dự án Mỹ Thuận nghiên cứu và đã hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đoạn Bến Lức - Hiệp Phước trình Bộ Giao thông vận tải nhưng chưa được phê duyệt; các đoạn còn lại chưa được nghiên cứu.

Hồ sơ đoạn Bến Lức - Hiệp Phước đã được Ban quản lý dự án Mỹ Thuận bàn giao cho tỉnh Long An tiếp tục nghiên cứu (UBND tỉnh Long An đã giao Sở Giao thông vận tải làm đầu mối tiếp nhận).

Bộ Giao thông vận tải đã đề nghị Thủ tướng giao cơ quan có thẩm quyền triển khai các dự án thành phần của tuyến vành đai 4 TP.HCM với tổng chiều dài nghiên cứu thực tế khoảng 200km theo nguyên tắc phân chia các đoạn theo địa giới hành chính của từng địa phương.

Việc chậm triển khai các dự án giao thông tại khu vực, trong đó có các dự án đường vành đai 3, 4 thời gian qua đã làm ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển của TP.HCM và các địa phương trong vùng.

Liên quan đến tạo vốn thực hiện, hướng chủ yếu là theo phương thức PPP, nếu không huy động được các hình thức mới tính đến việc dùng ngân sách. 

Với những tuyến đường quỹ đất còn ít, địa phương xem xét các dự án đã giao hai bên tuyến đường, nếu chậm triển khai thì dứt khoát thu hồi để dùng tạo vốn triển khai. Đồng thời, xem xét huy động các quỹ nhàn rỗi, quỹ dự trữ, quỹ bảo hiểm xã hội, ban hành trái phiếu công trình, vay ODA… để giải phóng mặt bằng, tổ chức tái định cư cho người dân.

Với tuyến đường vành đai 4, Phó thủ tướng thường trực Chính phủ đề nghị cần tính toán, điều chỉnh hướng tuyến để tránh đi qua đất rừng, qua khu vực đô thị để giảm chi phí giải phóng mặt bằng. 

Ngoài ra, tính toán số làn đường, làm đường song hành, thực hiện quy hoạch hai bên phát triển đô thị, khu công nghiệp, khai thác quỹ đất hai bên đường để đấu giá thu vốn đầu tư dự án.