TikTok sẽ sớm nhập cuộc thị trường giao đồ ăn

Việt Hưng - 15:27, 18/07/2022

TheLEADERVới việc tiến vào lĩnh vực giao đồ ăn, ByteDance - công ty chủ quản của Douyin có thể đối mặt với trận chiến không cân sức. Do không có nhân viên giao hàng riêng, Kỳ lân này muốn khai phá một mảng khía cạnh khác của thị trường.

Douyin - phiên bản TikTok tại Trung Quốc vừa thử nghiệm tính năng giao đồ ăn trong bối cảnh nền kinh tế địa phương đang bắt đầu phục hồi hậu Covid-19. 

Theo ghi nhận, tại nhiều nhà hàng ở các thành phố lớn của Trung Quốc, bao gồm cả Thượng Hải, người dùng đã có thêm tùy chọn đặt đồ ăn. Tuy nhiên, các nhà hàng này phải có đội ngũ giao hàng riêng, hoặc tài xế của dịch vụ khác mà không phải của Douyin.

"Douyin hiện chỉ hỗ trợ các hoạt động phục hồi doanh nghiệp tại một số thành phố trọng điểm", phía công ty tiết lộ.

Với việc tiến vào lĩnh vực giao đồ ăn, ByteDance - công ty chủ quản của Douyin có thể đối mặt với trận chiến không cân sức. Do không có nhân viên giao hàng riêng, Kỳ lân này muốn khai phá một mảng khía cạnh khác của thị trường.

Ngược lại, những người dẫn đầu thị trường như Meituan hay Ele.me của Alibaba lại sở hữu đội ngũ tài xế hùng hậu, phủ kín các tuyến phố Trung Quốc.

Năm ngoái, tổng số người dùng các nền tảng giao đồ ăn Trung Quốc đã tăng gần 30% lên 544 triệu người, theo hãng tư vấn Zhiyan.

Thị trường này đã tăng trưởng nhanh trước cả khi dịch Covid-19 xuất hiện và nhu cầu ngày càng cao hơn do mọi người buộc phải ở nhà trong các đợt phong tỏa khác nhau.

Dù vậy, thay đổi thói quen của người dùng không phải điều dễ dàng. Năm 2020, thị phần Meituan và Alibaba lần lượt là 69% và 26%. Baidu từng gia nhập thị trường năm 2014 nhưng cuối cùng phải bán lại bộ phận Baidu Waimai cho Ele.me sau 3 năm.

TikTok sẽ sớm nhập cuộc thị trường giao đồ ăn
TikTok sẽ sớm nhập cuộc thị trường giao đồ ăn

Trước đó, Douyin đã thành lập mảng kinh doanh đồ ăn có tên: "Heartbeat Takeaway" với khẩu hiệu "Heartbeat Takeaway, Eat What You Love" (tạm dịch: Ăn những gì bạn thích).

"Heartbeat Takeaway" được mở đầu tiên tại các thành phố cấp một và cấp hai, sau đó sẽ dần dần lan rộng ra các thành phố trên cả nước. Bên cạnh đó, định hướng trước mắt của dự án cho phép các bên bán cung cấp hàng độc lập, sử dụng tài nguyên chung như các ứng dụng giao đồ ăn thường thấy.

Nhiều chuyên gia lo ngại, việc Douyin nhập cuộc thị trường giao đồ ăn sẽ một lần nữa tạo ra cuộc đua về giá - điều thường thấy mỗi khi có thêm một tay chơi mới gia nhập thị trường, bởi đây là công cụ hữu dụng để giành lấy thị phần.

Meituan và Ele.me trước đây thường cạnh tranh về giá, nhưng kể từ sự vụ Didi, Chính phủ Trung Quốc đã mạnh tay và cấm các cuộc đua giá rẻ. Nếu không thể giảm giá dịch vụ, Douyin chỉ có thể thu hút người bán bằng cách giảm phí sử dụng và mở các tính năng của nền tảng. 

Tại Việt Nam, lượng người dùng ứng dụng TikTok trên 18 tuổi hiện lên tới gần 40 triệu người. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy Douyin sẽ tung ra dịch vụ gọi đồ ăn tại nước ta.

Lần gần nhất, TikTok đưa ra một dịch vụ mới là khi nền tảng này tiến vào lĩnh vực thương mại điện tử thông qua tính năng có tên là TikTok Shop tại Việt Nam.

Trong đó, ​​TikTok Shop là một hệ sinh thái của các giải pháp thương mại điện tử cho phép các nhà bán hàng, bán trực tiếp thông qua tài khoản TikTok của họ. Tính năng ngày được cung cấp một cách tự nhiên trong nền tảng.

Các sản phẩm của người bán được giới thiệu cho người dùng TikTok thông qua video nguồn dữ liệu, livestream và Tab giới thiểu sản phẩm nổi bật trong trang hồ sơ.