Vì sao Hải Phòng hút các dự án tỷ đô?

An Chi - 07:50, 11/09/2017

TheLEADERVới hấp lực riêng có, Hải Phòng đang trở thành điểm đến hấp dẫn đối với nhà đầu tư trong và ngoài nước với những kế hoạch đầu tư hàng tỷ USD.

Vì sao Hải Phòng hút các dự án tỷ đô?
Cầu Tân Vũ - Lạch Huyện là cây cầu vượt biển dài nhất Việt Nam với chiều dài 5,44km. Ảnh: Thanh Niên

Sôi động những dự án tỷ đô

Trong khoảng 3 năm trở lại đây, Hải Phòng như một “đại công trường” đặc biệt sôi động với hàng loạt dự án quy mô lớn thi công ngày đêm. 

Từ giao thông, bất động sản, hạ tầng xã hội...  hàng loạt dự án lớn được hoàn thiện như Cảng hàng không quốc tế Cát Bi, cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng, cầu Tân Vũ - Lạch Huyện, cầu Bạch Đằng…

Với hấp lực riêng có, lượng vốn FDI thu hút được của Hải Phòng liên tục tăng mạnh trong vài năm gần đây. Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và đầu tư), năm 2015 vốn FDI vào Hải Phòng chưa đầy 1 tỷ USD, năm 2016, thành phố này đã thu hút được 2,9 tỷ USD vốn đầu tư FDI, tăng gần 53% so với kế hoạch đề ra, trở thành địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Cũng theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài, tính hết quý I/2017, TP. Hải Phòng có 564 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký 14,52 tỷ USD, đứng thứ 6/63 tỉnh, thành phố trong cả nước về đầu tư nước ngoài. Bình quân vốn của một dự án FDI đầu tư vào Hải Phòng là 25,7 triệu USD, cao gần gấp đôi so với bình quân chung của cả nước (khoảng 13 triệu USD/dự án).

Các dự án FDI tại Hải Phòng cơ bản tập trung vào lĩnh vực công nghệ cao, bất động sản và xây dựng, công nghiệp chế biến, chế tạo các thiết bị điện tử, chi tiết và linh kiện công nghiệp điện, điện tử, cơ khí... 

Trong đó, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo có 382 dự án, với hơn 10,7 tỷ USD vốn đăng ký, chiếm 67,7% số dự án và 74,2% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là hoạt động kinh doanh bất động sản và lĩnh vực xây dựng, lần lượt đứng thứ 2 và thứ 3, với tổng vốn đầu tư đăng ký là 2,37 tỷ USD và 832 triệu USD.

Hiện nay, trên địa bàn Hải Phòng đã có 36 quốc gia và vùng lãnh thổ đến đầu tư. Trong đó, Hàn Quốc là quốc gia dẫn đầu về tổng vốn đầu tư đăng ký là 5,38 tỷ USD với 100 dự án. Nổi bật là hai dự án LG Electronics Việt Nam Hải Phòng và LG Display Hải Phòng với cùng số vốn đầu tư là 1,5 tỷ USD.

Dự án LG Electronics Việt Nam Hải Phòng do LG Electronics.Inc Hàn Quốc đầu tư với mục tiêu sản xuất, lắp ráp sản phẩm điện và điện tử công nghệ cao. Các sản phẩm như thiết bị đo điện tử, thiết bị phát thanh kỹ thuật số cho ô tô, linh kiện điện tử cho ô tô, hàng gia dụng tiết kiệm điện năng...

Cùng với đó, dự án LG Display Việt Nam của Tập đoàn LG Displays (Hàn Quốc) tại khu công nghiệp Tràng Duệ, với tổng số vốn đầu tư 1,5 tỷ USD (khởi công tháng 5/2016) là nhà máy sản xuất và gia công các sản phẩm màn hình công nghệ cao (màn hình OLED) cho các thiết bị di động. Đây cũng là dự án công nghệ sản xuất màn hình hiện đại, được LG Display lần đầu tiên đầu tư ra nước ngoài và cũng là một trong hai dự án FDI có tổng vốn đầu tư lớn nhất, quy mô nhất trên địa bàn Hải Phòng, sản xuất ra các sản phẩm công nghệ cao, có giá trị lớn.

Đứng thứ hai là Nhật Bản với tổng vốn đầu tư đăng ký là 3,78 tỷ USD với 132 dự án. Tiêu biểu phải kể đến dự án Nhà máy sản xuất lốp xe của Tập đoàn Bridgestone, với 1,22 tỷ USD vốn đầu tư, mục tiêu sản xuất để xuất khẩu (100%) sản phẩm lốp xe cao su và các vật liệu dưới dạng bán thành phẩm của các công đoạn sản xuất nhất định dùng để sản xuất lốp xe cao su.

Bên cạnh đó, Hải Phòng còn thu hút nhiều công ty nước ngoài khác vào đầu tư như dự án sản xuất linh phụ kiện cho máy giặt, tủ lạnh và xe có động cơ, với tổng vốn đầu tư 42,25 triệu USD của nhà đầu tư SL Electronics Co., Ltd. (Hàn Quốc); dự án sản xuất hợp kim Nd-Fe-B, nam châm Nd-Fe-B với sản lượng 999 tấn/năm; thiết kế và sản xuất động cơ trục (shaftmotor) có sử dụng nam châm Nd-Fe-B với sản lượng 5.000 động cơ/năm với tổng mức đầu tư 22 triệu USD từ Công ty TNHH Jika Jika (thuộc Tập đoàn Rorze, Nhật Bản); dự án có tổng vốn 20 triệu USD, nhằm sản xuất 36 triệu sản phẩm in ấn/năm, 15 triệu linh kiện cho điện thoại di động/năm và 1,8 triệu linh kiện cho xe có động cơ/năm của nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc là HSColor Co., Ltd…

Tập đoàn Vingroup khởi công dự án Tổ hợp sản xuất ô tô VINFAST tại khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải (Hải Phòng)

Về vốn đầu tư trong nước, mới đây Tập đoàn Vingroup cũng đã khởi công dự án Tổ hợp sản xuất ô tô VINFAST tại khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải (Hải Phòng). Tổ hợp sản xuất ô-tô VINFAST tại đảo Cát Hải có quy mô 335 ha, tổng vốn đầu tư dự kiến lên tới 3,5 tỷ USD, giai đoạn 1 dự kiến 1 - 1,5 tỷ USD. 

VINFAST đã ký kết biên bản ghi nhớ với Credit Suisse AG- một trong những tập đoàn tài chính hàng đầu thế giới để thu xếp khoản vay đầu tư lên tới 800 triệu USD. Đây là một dự án sản xuất ô tô mang thương hiệu Việt Nam với công nghệ tiêu chuẩn châu Âu và Mỹ, hứa hẹn mở ra tương lai mới cho ngành công nghiệp ô tô tại Việt Nam và cũng là lĩnh vực kinh doanh thứ bảy của Tập đoàn Vingroup.

Hưởng lợi từ hạ tầng

Phát biểu trên báo chí thời gian gần đây, ông Nguyễn Văn Tùng - Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng cho biết, Hải Phòng đang hội đủ các yếu tố để thu hút đầu tư. Đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, từ Hà Nội về Hải Phòng chỉ hơn 1 giờ, từ Hải Dương hay Thái Bình sang cũng chỉ thời gian ngắn. Cùng với đó là cảng hàng không quốc tế Cát Bi hiện đại, nhiều tuyến bay mới trong nước và quốc tế được mở... khiến tiềm năng thu hút đầu tư của Hải Phòng ngày càng lớn. 

Bên cạnh đó, cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng đang trong giai đoạn thi công khẩn trương, cầu và đường Tân Vũ - Lạch Huyện đã thông xe, hệ thống đường cao tốc ven biển đang được xúc tiến nhanh, đường cao tốc qua cầu Bạch Đằng nối với Quảng Ninh sắp hoàn thành… thời gian tới, kết nối giữa Hải Phòng - Quảng Ninh với khu vực phía Bắc sẽ rất thuận lợi... tất cả tạo cho Hải Phòng một ưu thế vượt trội.

Cảng Lạch Huyện mới sẽ được khai thác trong năm tới, cho phép tàu có mớn nước 14 m hoặc trọng tải 100.000 DWT cập bến tại Hải Phòng, giảm thiểu thời gian chuyển tải các cảng như Singapore hay Hồng Kông sẽ tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong quá trình triển khai dự án, mang lại lợi ích trực tiếp cho nhà đầu tư nhờ rút ngắn thời gian đưa sản phẩm ra thị trường.

Hiện nay, Hải Phòng còn quỹ đất khá lớn, ở những vị trí vàng. Đơn cử, Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải có tổng diện tích 22.540 ha, có thể mở rộng thêm 600 ha; 19 khu công nghiệp có diện tích 9.112 ha và 33 cụm công nghiệp có diện tích 2.284 ha. Đây là điều kiện tốt để Hải Phòng để thu hút đầu tư, góp phần thúc đẩy thành phố phát triển trong những năm tới.

Sáng 2/9/2017 vừa qua, cầu Tân Vũ - Lạch Huyện (Hải Phòng), cây cầu vượt biển dài nhất Việt Nam với chiều dài 5,44km đã chính thức thông xe. Cầu Tân Vũ - Lạch Huyện nằm trong dự án đường ô tô Tân Vũ - Lạch Huyện với tổng chiều dài 15,63km.

Tuyến đường nối từ đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (tại nút Tân Vũ) thuộc phường Tràng Cát, quận Hải An; điểm cuối là cổng cảng Lạch Huyện thuộc huyện Cát Hải. Cầu Tân Vũ - Lạch Huyện được thiết kế vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép dự ứng lực, mặt cầu rộng 16m gồm 4 làn xe. Tổng mức đầu tư dự án gần 11.850 tỷ đồng.

Sau khi cầu được đưa vào hoạt động, việc đi lại bằng ô tô giữa đất liền từ TP. Hải Phòng sang đảo Cát Hải chỉ mất khoảng 5 phút thay vì mất hàng tiếng đồng hồ đi phà như hiện nay.

Cây cầu không chỉ phục vụ phát triển kinh tế, thu hút đầu tư mà còn là tuyến đường tiệm cận đến đảo Cát Bà, cạnh đảo Cát Hải, mở ra cơ hội lớn cho phát triển du lịch tại Cát Bà.