Vì sao Quỹ Phát triển Doanh nghiệp Nhỏ và Vừa 2.000 tỷ đồng khó giải ngân?

Việt Hưng - 17:12, 07/08/2018

TheLEADERTS. Cấn Văn Lực cho rằng, ngoài một số nguyên nhân khách quan tới từ phía ngân hàng, hay các quỹ hỗ trợ, bản thân các doanh nghiệp Việt Nam còn yếu kém, công nghệ lạc hậu, hoạt động thiếu minh bạch.

Vì sao Quỹ Phát triển Doanh nghiệp Nhỏ và Vừa 2.000 tỷ đồng khó giải ngân?
TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV & Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia

Phát biểu tại Diễn đàn “Giải pháp thúc đẩy các nguồn vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa”TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV & Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia cho biết, các kênh tiếp cận vốn của DNNVV hiện nay rất đa dạng.

Ngoài nguồn vốn tín dụng ngân hàng, DNNVV còn có nguồn vốn bảo lãnh, thuê tài chính, trợ cấp, bảo hiểm, ưu đãi, giảm thuế…; nguồn vốn nước ngoài; huy động từ thị trường vốn (chứng khoán, trái phiếu); đối tác (trả chậm, tín dụng thương mại…) và bản thân vốn tự có, vốn góp.

Thế nhưng, có một thực trạng, đó là sau 30 năm nền kinh tế Việt Nam đổi mới, các đơn vị này vẫn gặp khó khăn về nguồn vốn. Lấy một ví dụ, TS. Lực cho biết, quỹ phát triển DNNVV với mức 2000 tỷ đồng được thành lập từ năm 2014, nhưng tới nay mới cho vay được 145 tỷ đồng.

Ngoài một số nguyên nhân khách quan tới từ phía ngân hàng, hay các quỹ hỗ trợ, vị chuyên gia cho rằng, bản thân các DNNVV trình độ quản lý còn yếu kém, công nghệ lạc hậu, thiếu chiến lược kinh doanh, phương án kinh doanh chưa khả thi, thông tin thiếu minh bạch, khó đối chiếu...

"Thông tư 39/2016/TT-NHNN yêu cầu doanh nghiệp khi vay phải cung cấp báo cáo thuế hoặc báo cáo kiểm toán, trong khi các DNNVV thường không cung cấp được hoặc báo cáo lỗ hoặc lãi rất ít. Doanh nghiệp chưa nắm rõ về thủ tục vay vốn, bảo lãnh, về chính sách, sản phẩm – dịch vụ và các gói của các ngân hàng, các chương trình hỗ trợ của chính phủ/hiệp hội. Đặc biệt nhiều doanh nghiệp không có nhu cầu vay vốn…" - ông Lực nói.

Trên thực tế, tỷ lệ tiếp cận vốn DNNVV ở nước ta thực chất không hề thấp, ở mức khoảng 22% tổng dư nợ so với bình quân khu vực châu Á Thái Bình Dương là 18,7%. 

Bên cạnh đó, vấn đế lãi suất hiện nay nhiều ý kiến cho rằng vẫn còn cao, nhưng trên thực tế trong vòng 5 năm trở lại đây, lãi suất chúng ta đã giảm quá nửa từ 17% xuống còn 7,4%, lãi suất cho vay thực bình quân Việt Nam ở mức trung bình 5 năm vừa qua vào khoảng mức 5%. Lãi suất cho vay thực đang ở mức trung bình.

Do đó, để tháo gỡ "nút thắt" tiếp cận vốn với các DNNVV, TS. Cấn Văn Lực đưa ra lời khuyên: “Về phần mình, các doanh nghiệp cũng nên cải thiện tính minh bạch, công khai thông tin, sẵn sàng làm việc với các các ngân hàng, quản trị doanh nghiệp và quản lý chiến lược, cũng như tài chính”.

Theo ông, đối với các DNNVV, cần minh bạch hoạt động và báo cáo tài chính, thiện chí hợp tác, phối hợp với ngân hàng trong cung cấp thông tin, cơ cấu lại nợ và xây dựng phương án kinh doanh phù hợp. Chủ động tăng hiểu biết về tài chính - tín dụng, bảo lãnh và các chính sách hỗ trợ DNNVV

Bên cạnh đó, DNNVV cần tăng cường liên kết (ngang và dọc) cùng chia sẻ khó khăn, cơ hội, chủ động quyết liệt tham gia chuỗi cung ứng nhất là liên kết doanh nghiệp FDI.

Doanh nghiệp phải liên tục nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp bài bản hơn và quản lý rủi ro; đồng thời, cần củng cố, tăng cường, đào tạo đội ngũ cán bộ nhân viên, phát triển văn hóa doanh nghiệp và qua đó giảm thiểu rủi ro đạo đức trong kinh doanh.

Việt Nam xếp trong 20 nền kinh tế có tinh thần khởi nghiệp cao nhất, nhưng Việt Nam cũng nằm trong 20 nền kinh tế có khả năng thiết thực hóa các ý tưởng thấp nhất.

Do đó, hơn bao giờ hết, doanh nghiệp cần phải nâng cao năng lực quản trị gắn liền với đó là việc minh bạch hóa, làm sao để là chuẩn mực quan trọng đầu tiên của DNNVV có thể phát triển nói chung, để tiếp cận nguồn vốn ngân hàng và các định chế tài chính nói riêng.