Vốn quốc tế đổ về các tập đoàn tư nhân lớn của Việt Nam

Trần Anh - 15:45, 10/06/2022

TheLEADERTrong bối cảnh huy động vốn từ thị trường trái phiếu trong nước gặp khó khăn, nhiều tập đoàn lớn trong nước đang thể hiện sức mạnh khi tìm kiếm được nguồn vốn trên thị trường quốc tế, với các giao dịch quy mô lớn.

Tuần trước, Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland) công bố nhận đầu tư 250 triệu USD từ nhóm quỹ đầu tư do Warburg Pincus dẫn đầu. Nguồn vốn được đầu tư qua hình thức trái phiếu chuyển đổi. 

Công bố thông tin cho biết, phần lớn trái phiếu này có thể chuyển đổi thành cổ phiếu tại bất kỳ thời điểm nào sau 41 ngày kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán cho đến trước ngày đáo hạn. Giá chuyển đổi ban đầu là 93.960 đồng/cổ phiếu.

Khoản đầu tư sẽ được phân bổ cho việc gia tăng quỹ đất và phát triển các dự án hiện hữu của Novaland tại các vị trí chiến lược, tận dụng cơ sở hạ tầng đang dần hoàn thiện ở miền Nam.

Warburg Pincus là quỹ đầu tư vốn cổ phần tư nhân lớn nhất và tích cực nhất tại Việt Nam, với tổng số vốn đã giải ngân và cam kết cho Việt Nam là hơn 1,5 tỷ USD từ năm 2013 cũng như tham gia vào 2 thương vụ IPO lớn nhất tại đây – Vincom Retail và Techcombank.

Đại diện của Warburg Pincus chia sẻ khoản đầu tư này là lời khẳng định cho chiến lược nhất quán của Warburg Pincus trong việc luôn lựa chọn đầu tư vào các doanh nghiệp Việt Nam tốt nhất trên thị trường.

Trong bối cảnh huy động vốn từ thị trường trái phiếu trong nước gặp khó khăn, nguồn vốn tín dụng bị hạn chế bởi mức trần tăng trưởng hàn năm, nhiều tập đoàn lớn trong nước đẩy mạnh tìm kiếm nguồn vốn trên thị trường quốc tế.

Hồi tháng 5, Tập đoàn Vingroup công bố phát hành thành công 525 triệu USD trái phiếu quốc tế kỳ hạn 5 năm, để thực hiện dự án tổ hợp sản xuất ôtô VinFast. Đợt phát hành trái phiếu trên là bước đầu trong kế hoạch huy động trái phiếu quốc tế với tổng giá trị tối đa dự kiến 1,5 tỷ USD của Vingroup. 

Năm ngoái, một công ty khác thuộc hệ thống tập đoàn Vingroup là Công ty Cổ phần Vinpearl cũng phát hành thành công lô trái phiếu quốc tế trị giá 425 triệu USD. Số trái phiếu này đang được niêm yết trên sàn chứng khoán Singapore (SGX).

Việc các doanh nghiệp lớn chuyển hướng huy động vốn trái phiếu sang thị trường quốc tế có thể coi là một bước đi phù hợp trong giai đoạn hiện nay. Tình hình dịch bệnh được kiểm soát và môi trường vĩ mô ổn định đã thu hút dòng vốn nước ngoài tìm đến Việt Nam.

Mặt khác, S&P Global Ratings vừa nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức BB+ với triển vọng Ổn định cũng là cơ hội để các doanh nghiệp trong nước huy động vốn nước ngoài với mức lãi suất ưu đãi hơn.

Mặc dù vậy, không phải doanh nghiệp nào cũng có đủ khả năng để tiếp cận dòng vốn ngoại qua kênh trái phiếu. Hầu hết các nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư trái phiếu ở Việt Nam đều là các nhà đầu tư tổ chức đặt yêu cầu rất cao về năng lực quản trị doanh nghiệp, báo cáo tài chính, minh bạch thông tin, khả năng luân chuyển vốn… 

Đây cũng là lý do mà hầu hết những thương vụ phát hành trái phiếu doanh nghiệp thành công trên thị trường vốn quốc tế đều do các tập đoàn tư nhân lớn của Việt Nam thực hiện.

Với những doanh nghiệp quy mô nhỏ hơn, khả năng tiếp cận nguồn lực quốc tế vẫn còn hạn chế. Chẳng hạn, hồi giữa năm ngoái, Tập đoàn Đất Xanh đã phê duyệt việc chào bán tối đa 300 triệu USD trái phiếu quốc tế. Tuy nhiên, kế hoạch này đã không thể thực hiện. 

Ban lãnh đạo Đất Xanh cho biết do tình hình thị trường tài chính từ giữa năm 2021 đến nay không phù hợp để phát hành và niêm yết trái phiếu quốc tế, HĐQT đề xuất tạm dừng triển khai phương án đã được thông qua.