Áp thuế tiêu thụ đặc biệt lên ngành game online là bảo hộ ngược?

Việt Hưng - 09:25, 31/03/2023

TheLEADERBộ Tài chính đã đưa ra dự thảo áp thuế tiêu thụ đặc biệt với trò chơi điện tử trên mạng, trong đó xếp game trực tuyến nằm chung danh mục với đồ uống có đường, thức uống đại mạch, nước giải khát không cồn, và thuốc lá điện tử.

Trong bối cảnh hiện nay, ngành game trực tuyến được xem là một trong những trụ cột của nền kinh tế số. Theo ước tính từ Newzoo, tổng doanh thu ngành game năm 2022 trên thế giới đạt 184 tỷ USD và dự kiến năm 2023 sẽ đạt 194 tỷ USD.

Cùng với thương mại điện tử, ngành game trực tuyến đã tác động mạnh mẽ đến việc thanh toán không sử dụng tiền mặt ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Theo đó, ngành game luôn nằm trong nhóm tiên phong về đổi mới sáng tạo. Các sản phẩm game thường có vòng đời ngắn và dễ bị thay thế, nên luôn được áp dụng các công nghệ, các phương thức làm việc tiến bộ để phục vụ người dùng.

Dẫn chứng cho luận điểm này, ông Lã Xuân Thắng - Giám đốc phát hành trò chơi trực tuyến của VNG cho biết, hầu hết các trường đại học lớn, các viện đào tạo uy tín trên thế giới đều có các khoa nghiên cứu, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực ngành game.

Tại Việt Nam, đã có nhiều trường Đại học đã mở các chuyên ngành để đào tạo nguồn nhân lực cho ngành game như: Đại học RMIT, Đại học Tôn Đức Thắng, Đại học Thể dục thể thao. Các cuộc thi lập trình, sáng tạo cho ngành game luôn thu hút được số lượng đông đảo các đội dự thi và chất lượng rất tốt.

Trong khu vực Đông Nam Á, Indonesia hiện dẫn đầu với doanh thu ngành game là 1,8 tỷ USD; Thái Lan là 1,1 tỷ USD; Malaysia là 911 triệu USD; Việt Nam đạt 782 triệu USD; Singapore đạt 511 triệu USD, theo số liệu của Newzoo năm 2022.

Với nhận định, loại hình kinh doanh game hiện nay thuộc diện mặt hàng có doanh thu lớn, mức lợi nhuận cao so với các loại hình kinh doanh khác, thu hút mọi độ tuổi tầng lớp dân cư, đặc biệt là giới trẻ tham gia, Bộ Tài chính đã đưa ra dự thảo áp thuế tiêu thụ đặc biệt với trò chơi điện tử trên mạng (game trực tuyến).

Đáng chú ý, Bộ Tài chính đã xếp game trực tuyến nằm chung danh mục với đồ uống có đường, thức uống đại mạch, nước giải khát không cồn, và thuốc lá điện tử.

Áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt lên ngành game online là bảo hộ ngược?
Ông Lã Xuân Thắng - Giám đốc phát hành trò chơi trực tuyến của VNG

Góp ý về dự thảo áp thuế tiêu thụ đặc biệt với game trực tuyến, ông Lã Xuân Thắng cho biết, tỷ suất lợi nhuận sau thuế của ngành game Việt Nam chỉ đạt mức 3-5% trên doanh thu, đây là mức trung bình, nếu không muốn nói là thấp so với các ngành khác.

Giống như những ngành sáng tạo và công nghệ, rủi ro đầu tư trong lĩnh vực game rất lớn. Những sản phẩm xuất hiện trên thị trường, có doanh thu lớn, nhiều người dùng,... dẫn đến những ý kiến cho rằng đây là một ngành dễ thành công.

"Thực tế không phải vậy, có rất nhiều sản phẩm, nhiều dự án được đầu tư lớn nhưng không đi được tới việc phát hành thương mại. Những thứ xuất hiện trên thị trường chỉ là phần nổi của tảng băng, còn ẩn bên dưới có thể là những khoản thua lỗ khổng lồ, kéo theo sự biến mất của nhiều doanh nghiệp", đại diện VNG chia sẻ.

Theo thống kê của Data.ai, đơn vị cung cấp dữ liệu hàng đầu thế giới, trong số 10 tựa game di động có số lượng người chơi lớn nhất tại Việt Nam thì có hơn một nửa số này được cung cấp bởi nhà phát hành có trụ sở nước ngoài, tức là không phát sinh bất cứ nghĩa vụ nào, bao gồm thuế, với Việt Nam.

Số liệu từ Cục PTTH tại Hội nghị ngày 23/3/2023 cũng nêu rõ, hiện có hơn 220 doanh nghiệp kinh doanh game được cấp phép kinh doanh tại Việt Nam, nhưng số còn thực sự hoạt động, cung cấp game ra thị trường chỉ còn 30 đơn vị. Còn lại là gần như không còn hoạt động vì không thể cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài.

Giám đốc phát hành trò chơi trực tuyến của VNG cho rằng, trong trường hợp bị áp thêm thuế tiêu thụ đặc biệt thì những game do các công ty trong nước cung cấp sẽ bị đội giá lên cao. Người chơi sẽ chuyển sang chơi game do các công ty có trụ sở ở nước ngoài cung cấp vì có giá rẻ hơn hẳn.

"Việc này sẽ có 2 hệ luỵ. Thứ nhất là không đạt được mục đích khi áp thuế là hạn chế người chơi game; và thứ hai là doanh thu/lợi nhuận của doanh nghiệp trong nước, hoạt động phù hợp với pháp luật Việt Nam sẽ bị giảm mạnh, không thể đóng góp cho nền kinh tế số như kỳ vọng của Chính phủ", ông Lã Xuân Thắng nhấn mạnh.

Đặc biệt, điều này có thể dẫn đến tình trạng nhiều doanh nghiệp Việt sẽ chuyển hướng thành lập công ty tại các quốc gia khác để phát triển và phát hành game. Khi đó, có khả năng ngân sách nhà nước cũng bị thất thu thuế.

Áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt lên ngành game online là bảo hộ ngược? 1
Ông Dương Trường Minh - đại diện Gosu Việt Nam

Đồng quan điểm, ông Dương Trường Minh - đại diện Gosu Việt Nam nhận định, việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ làm tăng giá sản phẩm game, từ đó làm giảm số lượng người tiêu dùng và doanh số của các game trực tuyến trong nước.

Nếu doanh số giảm, các công ty sản xuất game có thể không đủ tài chính để đầu tư vào các dự án mới và phát triển các công nghệ mới, dẫn đến ngành game Việt Nam sẽ chậm phát triển và lạc hậu hơn so với các nước trên thế giới.

Bên cạnh đó, việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt có thể khiến các nhà đầu tư lớn không còn mặn mà trong việc đầu tư tài chính vào các công ty sản xuất game. Điều này có thể ảnh hưởng đến việc tạo ra các sản phẩm game mới và giảm động lực đầu tư vào ngành.

Ngoài ra, thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ còn gián tiếp làm giảm nhu cầu sử dụng dịch vụ hợp pháp trong nước và đưa người tiêu dùng đến gần việc sử dụng dịch vụ không hợp pháp. 

"Điều này có thể dẫn đến việc gián tiếp thúc đẩy khách hàng sử dụng các trò chơi không phép, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến vấn đề bản quyền và gây ra tổn thất về doanh thu cho các nhà sản xuất, phát hành game chính thống", ông Dương Trường Minh nói.

Việc các công ty game trong nước bị kìm hãm sự phát triển, doanh thu giảm, các sản phẩm dịch vụ sẽ bị giảm, sẽ dẫn đến việc cắt giảm nhân sự, làn sóng sa thải người lao động ở các công ty công nghệ sẽ ồ ạt xảy ra, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến người lao động, gia tăng tỷ lệ thất nghiệp cho ngành công nghệ nói chung.

Do đó, đại diện Gosu Việt Nam cho rằng, việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt cho ngành game trực tuyến có thể là một hình thức "bảo hộ ngược" cho các doanh nghiệp game nước ngoài, do thiếu đi tính cạnh tranh và công bằng vốn có.

Còn theo bà Nguyễn Thuỳ Dung - Giám đốc SohaGame, các doanh nghiệp trong ngành trò chơi trực tuyến tại Việt Nam hiện đang phải chịu nhiều loại thuế phí.

Bên cạnh thuế giá trị gia tăng (VAT) 10%, thuế thu nhập doanh nghiệp 20%, doanh nghiệp trong nước cần chi trả các chi phí bản quyền và chia sẻ doanh thu cho các nhà phát triển nước ngoài với tổng tỷ lệ từ 25 - 35% doanh thu.

Ngoài các thuế, phí trên, doanh nghiệp trong ngành còn phải tự mình chi trả các khoản liên quan đến phát hành và duy trì dịch vụ tại Việt Nam như: chi phí xúc tiến thương mại, quảng cáo, phí dịch vụ cho các kênh thanh toán, duy trì cơ sở vật chất, đội ngũ nhân sự vận hành trò chơi và chăm sóc khách hàng, thuê máy chủ, thuế, chi phí tuân thủ,…

Bà Dung chỉ ra một thực tế, phần lớn các dự án trò chơi được phát hành đều cần tối thiểu một năm để hòa vốn trước khi có lãi. Lợi nhuận sau khi trừ chi phí thu được không hề lớn ngay cả trong điều kiện kinh doanh thuận lợi.

Áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt lên ngành game online là bảo hộ ngược? 2
Chuyên gia kinh tế - ông Cấn Văn Lực

Lý giải về góc nhìn của Bộ Tài chính, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng, sở dĩ dư luận vẫn còn những cái nhìn ác cảm đối với game trực tuyến bởi một số vấn đề rủi ro đi kèm. Đó là tình trạng phát hành game lậu, khả năng gây nghiện và tác động tới sức khỏe tinh thần của các sản phẩm này.

Tuy vậy, theo khảo sát của TS Cấn Văn Lực, đa số các nước trên thế giới đều chưa đánh thuế với game, kể cả những nước phát triển như Singapore, Mỹ, châu Âu. Thay vào đó, họ đưa ra một số chính sách khác nhằm điều tiết hành vi của người tiêu dùng.

Chia sẻ quan điểm của mình về việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với game trực tuyến, ông Cấn Văn Lực đề xuất Bộ Tài chính cần hết sức cân nhắc khi áp dụng sắc thuế này.

Nhìn nhận về câu chuyện game trực tuyến, ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội quan tâm đến việc Nhà nước liệu có thực sự cần thiết phải can thiệp vào ngành này hay không.

Nhiều bằng chứng từ các doanh nghiệp, hiệp hội cho thấy việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt không hẳn sẽ tăng được nguồn thu ngân sách do những tác động tiêu cực mà chính sách này mang lại.

Đối với mục tiêu làm giảm tác hại của game trực tuyến, đây là ngành kinh doanh khác hẳn với rượu bia và thuốc lá, những sản phẩm buộc phải mua bởi các công ty trong nước. Với sự phổ biến của các kho ứng dụng, người chơi có thể tiêu dùng sản phẩm game xuyên biên giới mà không cần ra khỏi nhà.

Với những khả năng trên, mục đích ban đầu của chính sách chưa chắc đã đạt được, trong khi, việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ tạo ra các tác động không cân xứng, đẩy các công ty game trong nước phải tìm đường ra nước ngoài.

"Nếu phải can thiệp bằng thuế tiêu thụ đặc biệt, câu hỏi đặt ra là tác động mong muốn, mục tiêu đặt ra có đạt được hay không? Chi phí xã hội như thế nào? Nếu mục đích đạt được quá nhỏ mà tác động tiêu cực quá lớn thì không nên áp dụng", ông Phan Đức Hiếu thẳng thắn nhìn nhận.