'Báo động đỏ' ngành xi măng

Nguyễn Cảnh - 12:01, 23/06/2024

TheLEADERThừa công suất, thiếu đầu ra, chi phí sản xuất tăng cao, đang đẩy ngành xi măng vào thế nguy cấp, thậm chí rơi vào tay doanh nghiệp nước ngoài, ảnh hưởng đến an ninh vật liệu xây dựng.

'Báo động đỏ' ngành xi măng
Dư cung, khó tiêu thụ cả trong nước lẫn xuất khẩu đang đẩy ngành xi măng vào thế ngặt nghèo (ảnh: Hoàng Anh)

Đây là cảnh báo của Bộ Xây dựng về thực trạng khó khăn bao trùm ngành vật liệu xây dựng nói chung, ngành xi măng nói riêng thời gian gần đây.

Hiện nay, nhiều nhà máy sản xuất xi măng đang chịu áp lực tài chính rất lớn, khó khăn vì vay vốn đầu tư ban đầu nhiều, trong khi chi phí sản xuất tăng cao, tiêu thụ sản phẩm chậm, dẫn tới không đảm bảo dòng tiền lưu thông sản xuất, nợ xấu.

Những khó khăn ảnh hưởng hoạt động sản xuất xi măng bao gồm nguyên nhiên liệu, điện, sức ép về bảo vệ môi trường.

Theo đó, chi phí nhiên liệu than chiếm 50% chi phí sản xuất clinker nhưng nguồn cung rất khan hiếm, giá bán than cao.

Về giá than trong nước, năm 2022, Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam (TKV) đã tăng giá bán ba lần, tương đương tăng 40-45% so tháng 12/2021, mỗi lần tăng 10-15% đối với một số chủng loại than. 

Từ tháng 7/2023, giá bán than của TKV đã giảm 5% với một số chủng loại, nhưng chủng than cấp cho sản xuất xi măng có giá bán không giảm hoặc giảm không đáng kể.

Trong khi đó, giá than thế giới bình quân năm 2022 đã vượt 360 USD/tấn, có thời điểm lên tới 490 USD/tấn, tức tăng hơn 162% so bình quân năm 2021.

Giá than tăng dẫn đến tăng chi phí sản xuất clinker và xi măng thêm 11%. Giữa bối cảnh giá bán clinker và xi măng vẫn ở mức thấp, chưa bù đắp được mức tăng chi phí đầu vào, khiến giảm hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp sản xuất xi măng.

Tương tự, các nguyên liệu chính để sản xuất xi măng như đá vôi, đất sét gặp khó vì thủ tục cấp phép khi nâng công suất khai thác các mỏ nguyên liệu để đáp ứng nâng công suất sản lượng. Nguồn cung các nguyên liệu phụ gia như đất giàu silic, đất giàu sắt, nhôm, khan hiếm, giá thành cao cũng làm tăng chi phí sản xuất.

Bên cạnh đó, chiếm hơn 10% chi phí sản xuất, giá bán lẻ điện bình quân tăng tổng cộng 7,5% cũng góp phần đẩy cao chi phí sản xuất clinker và xi măng thêm hơn 1%.

Sản xuất đã khó, tiêu thụ của xi măng còn gian nan không kém.

Bộ Xây dựng nhận định, do nhu cầu tiêu thụ vật liệu xây dựng trong nước suy giảm vì tốc độ đầu tư xây dựng trong nước giảm, nhiều công trình, dự án trọng điểm về kết cấu hạ tầng chậm triển khai, phải giãn/hoãn tiến độ.

Bên cạnh đó còn có các trở lực khác như thị trường bất động sản trầm lắng, các dự án, chương trình phát triển nhà ở, đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp triển khai chậm. Chi phí vận tải tăng cao cũng tác động mạnh đến giá bán vật liệu xây dựng do đây là những sản phẩm có khối lượng lớn.

Hoạt động xuất khẩu xi măng cũng ảm đạm không kém, khi hai năm nay lượng clinker xuất khẩu sụt giảm lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng về kinh doanh với doanh nghiệp sản xuất.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh lý giải nguyên nhân phần nhiều là do thuế xuất khẩu clinker của Việt Nam tăng gấp đôi, từ 5% lên 10%, từ 1/1/2023 làm cho giá clinker kém cạnh tranh trên thị trường quốc tế so với các nước cùng xuất khẩu như Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ, Nhật Bản.

Đáng nói, một trong các thị trường xuất khẩu clinker truyền thống là Philippines đã áp thuế chống bán phá giá với clinker và xi măng nhập từ Việt Nam, càng làm khó khăn cho xuất khẩu.

Giá xuất khẩu clinker Việt Nam hiện nay dưới giá thành sản xuất 100.000-200.000/tấn, trong khi giá xuất khẩu của các doanh nghiệp trong khu vực thấp nên giá xuất khẩu clinker xi măng không thể cạnh tranh.

Để giải bài toán tài chính cho ngành, Bộ Xây dựng kiến nghị Thủ tướng và Ngân hàng nhà nước điều chỉnh các chính sách về khoanh nợ, giãn nợ, hạ lãi suất ngân hàng đối với các khoản nợ của doanh nghiệp ngành cho phù hợp với năng lực thực hiện nghĩa vụ tài chính hiện tại.

Cụ thể, điều chỉnh Thông tư 02/2023 của Ngân hàng nhà nước theo hướng nới thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ không vượt quá 36 tháng kể từ ngày đến hạn của số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ.

Đồng thời, sửa đổi thời hiệu cơ cấu lại thời gian trả nợ cho khách hàng áp dụng đến hết 31/12/2025 (tức doanh nghiệp có thêm 18 tháng để cơ cấu lại thời hạn trả nợ).

Một thiệt thòi khác, nhiều nhà máy xi măng đã đầu tư các hệ thống sản xuất sử dụng nguyên liệu, nhiên liệu thay thế nhưng thực tế vẫn chưa được hưởng các cơ chế ưu đãi cụ thể.

Đặc biệt, hiện áp lực về dư thừa công suất sản xuất clinker trong nước lên tới khoảng 50 triệu tấn, trong khi tốc độ đầu tư xây dựng trong nước diễn biến rất chậm. Việc này dẫn đến áp lực nợ xấu của ngành xi măng đang và sẽ trở thành gánh nặng với nền kinh tế nếu không có giải pháp hỗ trợ kịp thời.

Thậm chí, nếu tình trạng khó khăn của ngành xi măng tiếp diễn, việc chuyển đổi chủ sở hữu của các nhà đầu tư trong nước sang nhà đầu tư ngoại sẽ diễn ra. Dẫn đến nguy cơ ngành xi măng rơi vào tay doanh nghiệp nước ngoài, lâu dài sẽ ảnh hưởng đến điều tiết thị trường, bình ổn giá cả và an ninh vật liệu xây dựng quốc gia.

Bộ Xây dựng kiến nghị Thủ tướng và Bộ Tài chính điều chỉnh chính sách thuế để đảm bảo tính cạnh tranh với các nước cùng xuất khẩu, đồng thời phù hợp với Hiệp định CPTPP về không đánh thuế xuất khẩu hàng hóa.

Cụ thể, cần áp dụng ngay việc điều chỉnh thuế suất thuế xuất khẩu mặt hàng clinker xi măng từ 10% về 0% vì đây là loại sản phẩm chế biến sâu.

Bên cạnh đó, sửa quy định trong Luật Thuế giá trị gia tăng theo hướng sản phẩm clinker được hoàn thuế VAT. Hai điều chỉnh nêu trên, theo Bộ Xây dựng, sẽ giúp clinker Việt Nam có giá cạnh tranh hơn trên thị trường quốc tế, giúp tiêu thụ nhanh sản phẩm, giảm áp lực tài chính cho doanh nghiệp xi măng.

Thống kê đến nay, tổng mức đầu tư xây dựng các nhà máy xi măng với tổng công suất thiết kế vượt 122 triệu tấn xi măng/năm, lên đến 500.000 tỷ đồng, tương đương 20 tỷ USD. Trong đó, nguồn tài chính từ ngân hàng trong nước và vốn nhà nước chiếm 75%.

Trong 10 năm qua, sản lượng sản xuất clinker và xi măng đều tăng, trong đó đạt đỉnh vào năm 2021 với 110,4 triệu tấn. Nhưng từ năm 2023 đến nay, sản xuất sụt giảm nghiêm trọng khi chỉ đạt gần 93 triệu tấn, các dây chuyền hoạt động chỉ đạt 75% tổng công suất thiết kế.

Năm 2023, 42 dây chuyền đã phải dừng sản xuất từ 1-6 tháng như các nhà máy xi măng Hoàng Thạch, Phúc Sơn, Cẩm Phả, Thăng Long, Hệ Dưỡng, thậm chí cả năm như Thành Thắng, Vissai Hà Nam, Công Thanh, Long Sơn.

Năm nay, dự kiến đến hết tháng 6, tổng lượng sản xuất clinker và xi măng toàn quốc đạt 44 triệu tấn, các nhà máy dự kiến chỉ đạt 70-75% công suất. Tồn kho lũy kế khoảng 5 triệu tấn.

Từ năm 2022, lượng clinker xuất khẩu sụt giảm lớn, chỉ bằng gần 53% năm 2021, và năm 2023 tiếp tục giảm chỉ bằng khoảng 72% năm 2022. Sáu tháng đầu 2024, cả nước mới xuất khẩu được 5,4 triệu tấn clinker.

Những năm 2019-2022, giá trị xuất khẩu trung bình 1-1,3 tỷ USD/năm. Từ năm 2023 đến nay, giá trị này giảm sút vì giá xuất khẩu giảm mạnh.