Bỏ ý đồ thâu tóm chuỗi bán lẻ thuốc, Thế Giới Di Động sẽ tăng trưởng từ đâu?

Trần Dũng - 08:04, 17/03/2018

TheLEADERDoanh thu của chuỗi bán lẻ thuốc An Khang sẽ không hợp nhất với kết quả kinh doanh của Thế Giới Di Động do công ty chỉ sở hữu 40% cổ phần thay vì 51% như kế hoạch ban đầu.

Tại đại hội cổ đông thường niên 2018, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) cho biết, công ty đã tạm dừng lại ý định thâu tóm chuỗi bán lẻ dược phẩm Phúc An Khang để đánh giá lại rủi ro.

Trước đó, MWG từng tuyên bố sẽ mua lại trên 51% cổ phần chuỗi nhà thuốc Phúc An Khang để giữ quyền chi phối, thành công ty con và vận hành chuỗi này. Mọi việc dường như đã hoàn tất khi Phúc An Khang tiến hành thay đổi nhận diện thương hiệu, chuyển sang dùng logo giống với logo của chuỗi Thegioididong.com điện máy Xanh.

Dự tính ban đầu của MWG, ở mỗi quận của TP HCM sẽ có khoảng 2 - 3 cửa hàng dược. Ở phạm vi toàn TP HCM, MWG sẽ mở khoảng 100 cửa hàng và cả nước là 500 cửa hàng trong 2 - 3 năm tới.

Tuy nhiên, sau đó, ban lãnh đạo đã đánh giá lại rủi ro của ngành này và quyết định điều chỉnh tỷ lệ đầu tư xuống dưới 40%.

“MWG sẽ chỉ đóng vai trò là cổ đông lớn hỗ trợ, còn việc phát triển như thế nào sẽ phụ thuộc vào người quản lý chuỗi”, ông Tài cho biết.

Không sở hữu tỷ lệ chi phối nhưng chuỗi An Khang vẫn được dùng logo của Thế Giới Di Động để "tạo niềm tin" với khách hàng.

Bỏ ý đồ thâu tóm chuỗi bán lẻ thuốc, Thế Giới Di Động sẽ tăng trưởng từ đâu?
Nhà thuốc Phúc An Khang được đổi tên thành An Khang và gắn logo tương tự Thế Giới Di Động

Bán lẻ dược phẩm được coi là thị trường tiềm năng có quy mô lên tới hơn 3 tỷ USD theo BMI, lại chưa có nhiều doanh nghiệp lớn tham gia khai phá. Mặc dù vậy, có vẻ như ban lãnh đạo của MWG vẫn chưa tìm ra con đường đúng đắn để phát triển chuỗi bán lẻ trong lĩnh vực mới này.

Việc không thâu tóm Phúc An Khang đồng nghĩa với việc, doanh thu của chuỗi bán lẻ thuốc này sẽ không hợp nhất với kết quả kinh doanh của MWG. Để hoàn thành kế hoạch đặt ra, MWG sẽ phải dựa vào các mảng kinh doanh bán lẻ di động, điện máy, bán online và đặc biệt là chuỗi bách hóa Xanh.

Động lực Bách hóa Xanh

Theo tờ trình MWG gửi tới cổ đông, trong năm 2018 này, Điện máy Xanh sẽ góp 51,2% doanh thu, Thegioididong.com chiếm 44,9%, còn lại Bách hóa Xanh chiếm 3,9%. Trong đó, chuỗi Điện máy Xanh và chuỗi Thegioididong.com sẽ tăng trưởng doanh thu từ 5 – 10%.

Với hai chuỗi bán lẻ di động và điện máy, MWG sẽ tập trung tập trung vào việc tối ưu hóa hiệu quả kinh doanh trên từng địa điểm thay vì cố gắng mở rộng số lượng cửa hàng.

“Đặc biệt là chuỗi điện máy Trần Anh có tỉ lệ lãi gộp và chi phí chênh lệch khá nhiều so với chuỗi điện máy Xanh. Nguyên nhân một phần đến từ việc Trần Anh hoạt động tập trung ở miền Bắc, cạnh tranh chủ yếu với nhau về giá bán, nhưng một phần cũng đến từ hệ thống quản lý. Từ nay tới tháng 7, chuúng tôi sẽ tiến hành xử lý hết những vấn đề này”, ông Tài cho biết.

Bỏ ý đồ thâu tóm chuỗi bán lẻ thuốc, Thế Giới Di Động sẽ tăng trưởng từ đâu? 1

Việc chuỗi bán lẻ di động và điện máy đều khó phát triển thêm, cùng với việc ngưng thâu tóm chuỗi bán lẻ dược phẩm, dẫn tới động lực tăng trưởng trong tương lai của MWG đều dồn cả vào chuỗi bán lẻ thực phẩm, tạp hóa Bách hóa Xanh.

Dự kiến tới cuối năm 2018, chuỗi siêu thị Bách hoá Xanh sẽ bao phủ khu vực TP HCM với tổng số từ 800 đến 1.000 cửa hàng. Để có nguồn vốn thực hiện, HĐQT trình lên cổ đông thông qua việc tăng vốn điều lệ cho Bách hóa Xanh lên thêm tối đa 3.000 tỷ đồng.

Các công ty phân tích nhận định, trung bình mỗi cửa hàng Bách hóa Xanh phải đạt doanh thu khoảng 800 triệu đồng/tháng mới đạt điểm hòa vốn. Tuy nhiên, ban lãnh đạo của MWG cũng thừa nhận, việc mở ra quá nhanh trong giai đoạn trước khiến doanh thu của nhiều cửa hàng Bách hóa Xanh không đạt mục tiêu, cá biệt có một số cửa hàng chỉ đạt doanh thu 400, 500 triệu đồng/tháng.

"Nguyên nhân thì nhiều nhưng địa điểm đặt cửa hàng có thể là nguyên nhân chính, ở vị trí khuất quá hoặc dân cư thưa thớt" ông Trần Kinh Doanh, thành viên HĐQT của MWG, người đang giữ vai trò phát triển chuỗi Bách hóa Xanh chia sẻ.

Ông Doanh cho biết, từ nay đến tháng 6, sẽ có 500 cửa hàng Bách hóa Xanh được mở tại TP HCM. Con số hiện tại đang là khoảng 300 cửa hàng.

Dù mới chỉ đóng góp khoảng 2% trên tổng doanh thu của MWG, Bách hóa Xanh đang là thị trường duy nhất MWG đầu tư còn rộng rãi và “sáng sủa”, vì vậy không lạ khi ban lãnh đạo công ty tuyên bố sẽ tập trung nguồn lực vào lĩnh vực này. 

"5 vấn đề then chốt mà Bách hóa Xanh đặt ra để thành công trong lĩnh vực bán lẻ thực phẩm đó là Bách hóa Xanh sẽ có mức độ bao phủ dày đặc, tạo sự thuận tiện; cung cấp hàng tươi sống đảm bảo, không thua kém đồ ở chợ truyền thống; sự lựa chọn về danh mục sản phẩm phải bằng hoặc tốt hơn cửa hàng bách hóa truyền thống; cuối cùng là tinh thần và thái độ phục vụ của nhân viên trong Bách hóa Xanh sẽ tốt như các chuỗi khác của Thế Giới Di Động", ông Doanh chia sẻ.