Doanh nghiệp
Giới đầu tư đang “nghi ngờ” Thế Giới Di Động?
Bất chấp việc rất nhiều các công ty chứng khoán lớn liên tục đưa ra đánh giá khả quan và khuyến nghị mua vào, cổ phiếu Thế giới di động vẫn “lình xình” trong nhiều tuần qua. Điều này cho thấy thái độ cẩn trọng từ phía các nhà đầu tư.
Phiên giao dịch chứng khoán tuần qua diễn ra cảnh rung lắc dữ dội khi thị trường tích lũy để vượt qua đỉnh 1130 – mốc tâm lý quan trọng với những nhà đầu tư.
Để “vượt đỉnh”, sự tham gia của những đầu tàu blue-chips là yếu tố quan trọng nhất. Các cổ phiếu đầu tàu đủ sức kéo thị trường đi lên sẽ là những đối tượng thu hút dòng tiền đổ vào nhiều nhất thời điểm hiện tại.
Mặc dù vậy, không phải cổ phiếu lớn nào cũng được nhà đầu tư quan tâm đến. Công ty cổ phần Thế Giới Di Động (mã chứng khoán: MWG) là một trong số đó. Chốt tuần, cổ phiếu MWG đóng cửa ở mức 116.100 đồng/cổ phiếu, giảm 15% so với mức 135.000 đồng/cổ phiếu hồi đầu năm.
Đây không phải lần đầu MWG đi ngược với xu hướng tăng của thị trường. Trên thực tế, dù Vn-index đã tăng liên tục từ đầu năm đến nay, giá cổ phiếu MWG lại đi xuống mạnh, bất chấp những kết quả kinh doanh tích cực và đánh giá lạc quan từ phía các công ty chứng khoán.
Cụ thể, tháng đầu tiên của năm 2018, MWG cũng cho thấy kết quả tốt. Công ty đạt doanh thu 7,8 nghìn tỉ đồng, tăng trưởng 119% so với cùng kỳ 2017 và đạt 9% kế hoạch năm.
Sau khi mảng bán lẻ di động vào trạng thái bão hòa, lĩnh vực chủ lực của MWG đang là chuỗi bán lẻ Điện máy Xanh. Sau khi thâu tóm Trần Anh, doanh thu từ mảng điện máy của MWG đạt gần 4,5 nghìn tỉ đồng, chiếm 57% tổng doanh thu của công ty.
Bên cạnh đó, các lĩnh vực mới như Bách hóa Xanh, chuỗi cửa hàng bán lẻ thực phẩm cũng cho thấy kết quả ban đầu khá tốt khi mang về 200 tỉ đồng doanh thu và hơn 300 cửa hàng được thành lập. Mảng bán hàng online tiếp tục đạt kỷ lục doanh thu còn chuỗi cửa hàng bán lẻ dược phẩm sẽ chuẩn bị đi vào vận hành trong tương lai gần.
“MWG có kết quả kinh doanh tích cực trong năm 2017 và sẽ tiếp tục gặt hái được thành tựu trong năm 2018”, Công ty chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh (HSC) đánh giá, kèm theo khuyến nghị nhà đầu tư nên “mua vào” cổ phiếu MWG.
Tuy nhiên, ở mặt ngược lại, giá cổ phiếu MWG tiếp tục rơi. PE – chỉ số thường được giới đầu tư dùng để đánh giá mức độ tiềm năng của cổ phiếu của MWG hiện chỉ đạt trên 16 lần, mức thấp đối với ngành bán lẻ vốn có thể được chấp nhận ở mức bình quân từ 20 – 25 lần.
Thử lấy ví dụ với trường hợp của PNJ, doanh nghiệp cũng hoạt động trong ngành bán lẻ như MWG, hiện đang có PE ở mức 24 lần và giá cổ phiếu không ngừng tăng, cho thấy thị trường đang đặt niềm tin rất lớn vào doanh nghiệp này.
Dù đưa ra những thông tin tích cực, nhưng có vẻ như, MWG vẫn đang trong “vùng nghi ngờ” của các nhà đầu tư.
Những lĩnh vực “hái ra tiền” đang mất dần tiềm năng
Theo các chuyên gia, sự khác biệt lớn nhất giữa MWG và PNJ chính là tiềm năng trong lĩnh vưc mà hai doanh nghiệp này đang đầu tư. Thị trường luôn phản ánh giá trị tương lai của doanh nghiệp chứ không phải giá trị hiện tại. Với PNJ, lĩnh vực bán lẻ vàng trang sức đang cho thấy dư địa rất rộng lớn với ít đối thủ cạnh tranh, trong khi đó, hầu hết các mảng kinh doanh của MWG đang phải đối diện với nhiều rủi ro hơn.
Lĩnh vực bán lẻ điện thoại di động – cốt lõi mang lại thành công của MWG trong bao năm qua đã phát triển đến giới hạn. Các báo cáo phân tích thị trường của AC Nielsen hay GFK đều chỉ ra thị trường đã tới ngưỡng bão hòa và sẽ dần đi xuống. Tháng đầu năm nay, chuỗi bán lẻ di động Thegioididong.com đạt doanh thu 3,1 nghìn tỉ đồng, giảm 11% so với cùng kỳ. Chuỗi thegioididong.com được đánh giá đã tận dụng gần như toàn bộ các vị trí có lưu lượng khách hàng tốt ở tất cả các thành phố của Việt Nam, vì vậy, việc tăng trưởng thêm cho chuỗi cửa hàng này là gần như không thể.
Những khó khăn này đã được nhìn thấy trước từ 2 năm nay và MWG cũng chuyển hướng rất nhanh sang bán lẻ điện máy và tạp hóa.
Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ lĩnh vực thay thế bán lẻ di động được MWG đưa ra – lĩnh vực bán lẻ điện máy, cũng bị đánh giá là không còn nhiều tiềm năng để đẩy mạnh tăng trưởng. Dù có một chiến dịch quảng cáo cực kỳ thành công và hệ thống cửa hàng bỏ xa Nguyễn Kim, Chợ Lớn và HC, song với việc đã lấp đầy mặt bằng quan trọng tại các tỉnh, thành phố cấp 2 trên cả nước, dư địa để MWG mở rộng chuỗi điện máy trong năm 2018 này cũng không còn.
Việc chuỗi điện máy phải đẩy doanh thu thông qua hoạt động M&A mua lại Trần Anh cũng phần nào cho thấy việc mở rộng mảng điện máy đang ngày càng khó khăn.
Chiến dịch quảng cáo thành công kết hợp với việc mua lại chuỗi điện máy Trần Anh không thể thay đổi thực tế mảng bán lẻ điện máy tại Việt Nam cũng đã hết tiềm năng
Các khoản đầu tư mới chưa đạt kỳ vọng
Với 2 lĩnh vực đang mang lại nguồn thu chủ chốt đều ngày càng khó phát triển thêm, tương lai của MWG được tập trung vào mảng bán lẻ thực phẩm mới là chuỗi Bách hóa xanh. MWG kỳ vọng, thị trường hàng tiêu dùng nhanh rộng lớn kết hợp với kỹ năng quản lý hệ thống vào loại tốt nhất Việt Nam sẽ giúp Bách hóa Xanh nhanh chóng gặt hái được thành công. Phía MWG cho biết, đa phần lợi nhuận từ chuỗi điện máy và TGDĐ sẽ được sử dụng để đầu tư cho kế hoạch mở rộng mạnh mẽ chuỗi bách hóa
Mặc dù vậy, việc chuyển dịch mô hình từ bán lẻ hàng công nghệ sang bán lẻ thực phẩm vẫn là một trở ngại lớn. Trước đó, Tổng giám đốc MWG Trần Kinh Doanh cũng cho biết, không thể mang mô hình bán lẻ của Thế giới di động sang Bách hóa xanh, bởi đặc tính của 2 loại sản phẩm này hoàn toàn khác nhau.
Mô hình Bách hóa xanh đã được thử nghiệm từ năm 2015 và đẩy mạnh mở rộng trong 2 năm vừa qua. Đến cuối năm 2017, MWG có tổng cộng 283 cửa hàng Bách hóa Xanh, tất cả các cửa hàng bách hóa hiện đều tập trung quanh 4 quận ngoại thành Sài Gòn là Bình Tân, Tân Phú, Quận 8 và Quận 12.
Quá trình mở rộng vẫn đang diễn ra, nhưng những kết quả ban đầu chưa tương xứng với kỳ vọng của MWG, cả về độ phủ lẫn đóng góp doanh thu. Tính tới cuối năm 2017, doanh thu của chuỗi Bách hóa Xanh mới đạt 1.387 tỷ đồng, chiếm vỏn vẹn 2% tổng doanh thu của MWG. Con số này cho thấy sẽ cần thêm thời gian để Bách hóa xanh thực sự trở thành lĩnh vực chủ chốt, đóng góp đáng kể vào hoạt động của MWG.
Ước tính, điểm hòa vốn bình quân của các cửa hàng bách hóa là 800 triệu đồng doanh thu hàng tháng và cho tới nay, Bách hóa xanh vẫn chưa thể đạt được con số này. Cuối năm 2017, Bách hóa xanh ghi nhận khoản lỗ hơn 100 tỷ đồng. Công ty dự kiến sẽ tiếp tục thua lỗ khoảng 400 tỷ trong năm 2018.
Một thị trường đầy tiềm năng khác mà MWG tuyên bố lấn sân, đó là bán lẻ dược phẩm cũng cho thấy không hề ngon ăn. Mua lại chuỗi nhà thuốc Phúc An Khang, song MWG cũng đang vấp phải nhiều khó khăn do thị trường thuốc có đặc thù rất phức tạp. Sau những tuyên bố mạnh bạo, MWG lại cho thấy mình đang thiếu những kế hoạch cụ thể để phát triển hệ thống chuỗi mới.
Trong khi đó, FPT Retail, đơn vị cũng đầu tư vào ngành dược thông qua nhà thuốc Long Châu lại cho thấy hướng phát triển cụ thể hơn hẳn, khi tập trung chủ yếu vào nhóm sản phẩm thực phẩm chức năng, dụng cụ y khoa, sữa dinh dưỡng, mỹ phẩm thay vì mặt hàng thuốc chữa bệnh. Định hướng rõ ràng, FPT Retail rất tự tin vào tốc độ phát triển và khả năng thành công của chuỗi bán lẻ dược phẩm.
Có thể thấy, sự hoài nghi từ phía các nhà đầu tư trên thị trường với MWG không phải là không có cơ sở. Trong khi các mảng kinh doanh cốt lõi đã chững lại, tiềm năng phát triển trong những lĩnh vực kinh doanh mới của MWG vẫn còn là dấu hỏi lớn.
Trong quá khứ, MWG luôn có những giai đoạn phát triển đáng ngạc nhiên. Từ một doanh nghiệp bán lẻ di động, MWG đã phát triển không ngừng, đạt mức doanh thu khổ lồ và lợi nhuận bình quân tăng trưởng 40% liên tục trong vòng 5 năm qua. Những lĩnh vực khó mà MWG từng nhảy vào, doanh nghiệp này đều gặt hái thành công.
Một thế mạnh khác của MWG mà ít doanh nghiệp có được, đó là chất lượng của dàn lãnh đạo rất xuất sắc. Đó là cơ sở để nhiều báo cáo phân tích vẫn đánh giá lạc quan vào MWG.
Tuy nhiên, những động thái của thị trường thời gian qua cho thấy, thị trường vẫn đang cẩn trọng. Nhà đầu tư hiểu, đánh cược vào MWG thời điểm hiện tại sẽ là một canh bạc đầy rủi ro.
Chủ tịch Thế Giới Di Động bật mí cách đưa công ty từ bờ vực phá sản đến thương hiệu tỷ đô
Diễn giả quốc tế: VinFuture thúc đẩy tiến bộ khoa học công nghệ toàn cầu
Với chủ đề “Vật liệu cho tương lai bền vững”, tọa đàm của Quỹ VinFuture với các nhà khoa học hàng đầu thế giới, mang tới góc nhìn sâu sắc về vật liệu bền vững.
SeABank ưu đãi lãi suất 0% cho khách mua căn hộ Newtown Diamond
SeABank triển khai chương trình cho vay mua nhà lãi suất 0% tại dự án NewTown Diamond với mức lãi suất cho vay 0% và ân hạn trả nợ gốc lên tới 36 tháng.
Mù Cang Chải sẽ có thêm khu nghỉ dưỡng thương hiệu quốc tế
Công ty CP Mù Cang Chải Discovery vừa ký kết thỏa thuận để Radisson Hotel Group quản lý vận hành khu nghỉ dưỡng ở địa danh nổi tiếng với ruộng bậc thang.
SHB trong Top 10 có báo cáo thường niên tốt nhất ngành tài chính
SHB lần thứ tư được vinh danh trong Top 10 doanh nghiệp có báo cáo thường niên tốt nhất nhóm ngành tài chính, minh chứng cho những nỗ lực về phát triển bền vững.
Hà Nội thống nhất xây 3 cầu mới qua sông Hồng
Hà Nội đã họp bàn triển khai đầu tư xây dựng một số cầu lớn qua sông Hồng bằng nguồn vốn công.
Kiến tạo nền quản trị hiện đại: Nền móng vững chắc cho khát vọng vươn mình
Xây dựng một nền quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả, linh hoạt chính là nền móng để hiện thực hóa khát vọng phát triển của Việt Nam.
Bamboo Capital thắng lớn tại cuộc bình chọn doanh nghiệp niêm yết 2024
Bamboo Capital được vinh danh là doanh nghiệp có báo cáo thường niên và tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên tốt nhất tại cuộc bình chọn doanh nghiệp niêm yết 2024.