Sau Bphone, đến lượt Asanzo tham chiến thị trường smartphone
Ông chủ ‘đế chế tivi Việt’ Phạm Văn Tam sẽ chính thức tham chiến thị trường điện thoại thông minh từ 15/8 với thương hiệu smartphone Asanzo.
Bphone 2 có bán chạy hay không, có trụ vững trên thị trường smartphone không hay sẽ tàn lụi?
Ngày mai, 19/8 Bphone 2 chính thức được phân phối qua hệ thống bán hàng của Thế giới di động. Giá bán lẻ một chiếc Bphone 2 là 9.789.000 đồng.
Sau thất bại của Bphone 1 cách đây hai năm, nhiều người nhận xét cách thể hiện của người đứng đầu BKAV đã thay đổi. Người ta không còn thấy những thông điệp như “nhất thế giới” trong buổi lễ giới thiệu Bphone 1 năm 2015, mà ông Nguyễn Tử Quảng chỉ giới thiệu những tính năng “vượt trội” và đưa ra những so sánh trực quan với những sản phẩm của một số đối thủ.
Bphone 2 có bán chạy hay không, có trụ vững trên thị trường smartphone hay không, hay sẽ tàn lụi? TheLEADER đã đặt câu hỏi này với các chuyên gia công nghệ, chuyên gia quản trị, marketing… và đã nhận được một số ý kiến, đưa ra những góc nhìn khác nhau, như những bài học đầy hữu ích cho chủ doanh nghiệp.
TheLEADER xin trích đăng ý kiến đóng góp của các doanh nhân, chuyên gia về Bphone 2.
Bphone 2 giống như đi giữa hai làn đạn
(Doanh nhân Lý Quý Trung, người sáng lập Phở 24)
Bán chạy với trụ vững khác nhau rất xa. Người tiêu dùng có thể vì một lý do nào đó bỏ tiền ra mua một sản phẩm nhưng để họ tiếp tục duy trì sử dụng sản phẩm đó, giới thiệu nó cho người khác một cách tự nguyện là một câu chuyện khác.
Chiếc smartphone "Made in Vietnam" Bphone 2 ra đời trong bối cảnh “trên đe dưới búa”. Ở bên trên thì có các đại gia Iphone, Samsung, HTC, Sony còn ở ngay bên dưới (và ngay bên hông) thì có các tiểu gia đang bùng phát dữ dội đến từ Trung Quốc như Oppo, Huawei, Vivo…
Cụ thể là chiến lược về giá, Bphone 2 đi ở ngay khoản giữa, nghĩa là rẻ hơn các đại gia nhưng lại mắc hơn so với các tiểu gia đến từ Trung Quốc. Đây là một chiến lược nguy hiểm trong marketing, cao không cao mà thấp cũng không thấp - giống như đi giữa hai làn đạn!
Còn yếu tố “người Việt ủng hộ hàng Việt” đối với chiếc điện thoại di động hình như khó phát huy tác dụng.
Thứ nhất, vì nó là một sản phẩm có giá trị cao nên người tiêu dùng sẽ không tránh khỏi việc đem so sánh rất kỹ với các sản phẩm khác, từ chất lượng đến giá cả một cách sòng phẳng.
Thứ hai, smartphone là một loại sản phẩm đặc biệt, nó dính liền với con người ta từ sáng sớm đến tối khuya, 24/24, thậm chí đang ăn cơm cũng bấm bấm!
Cho nên sẽ không có gì khó chịu bằng việc sở hữu một món dính thân mà không hài lòng hoàn toàn. Chất lượng phải vượt trội - nếu không thì phải rẻ. Nhiều khi "Made-in-nước nào" cũng được! Đó là một thực tế trong thời đại cạnh tranh của thế giới phẳng.
Tóm lại, rẻ không rẻ, chất lượng không vượt trội hoàn toàn, nằm lơ lửng ngay giữa là một vị trí vô cùng nguy hiểm.
Mong Bphone 2 vượt qua mọi khó khăn trở ngại phía trước để chia lại miếng bánh thị phần smartphone của thị trường Việt Nam. Bằng chính chất lượng sản phẩm vượt trội của mình.
Bphone 2 chưa thấy có sự khác biệt
(Ông Nguyễn Thắng, Chủ tịch Valuelnvest, nguyên Chủ tịch Herbalife khu vực Việt Nam, Thái Lan và Cambodia)
Trong thâm tâm, tôi rất muốn các doanh nghiệp Việt Nam thành công, nhưng trong câu chuyện Bphone2, thấy rất khó, vì không có sự khác biệt.
Trong cách triển khai của Bphone 2, tôi thấy anh Quảng phải kiếm tiền chỗ khác để đập vào thôi.
Sự khác biệt đến từ đâu? Có thể đến từ sản phẩm, cách thức phân phối, dịch vụ. Samsung và Apple đang thống trị cả thế giới về thị phần, nhưng tại Trung Quốc, họ bị đánh bật bởi các nhà sản xuất nội địa. 8 trong tổng số 10 nhà sản xuất smartphone lớn nhất tại Trung Quốc đến từ trong nước.
Xiaomi, một startup tạo sự khác biệt trong cạnh tranh nhờ chuyên bàn hàng online đã vượt mặt Samsung để trở thành nhà sản xuất lớn nhất tại Trung Quốc với 100 triệu máy bán ra trong năm 2015. Sự phát triển mạnh mẽ của các dòng smartphone giá rẻ đã tạo ra thời cơ vàng cho các hãng sản xuất Trung Quốc.
Còn Bphone 2 chỉ dựa vào Thế giới di động, một kênh phân phối truyền thống thôi.
Về marketing, tôi thấy Bphone 2 có quảng cáo trên tivi, đó là cách tiêu tiền nhanh nhất. Vậy Bphone có thực sự đủ ngân sách đi theo chiến lược marketing đó không? Quảng cáo chỉ có hiệu quả khi có lượng tần suất đủ lớn, còn nếu không sẽ lãng phí vô cùng. Tôi từng làm marketing cho các lĩnh vực khác nhau, từ Nokia, Colgate, đến Herbalife, chỉ có Nokia và Colgate dùng quảng cáo rất nhiều trên tivi, còn Herbalife có bao giờ quảng cáo trên tivi đâu. Ngân sách phải lựa chọn phù hợp với kinh phí của doanh nghiệp.
Thị trường smartphone đang cạnh tranh quyết liệt, chọn phân khúc thị trường cao cấp, đối tượng người mua đã bắt đầu có sự lựa chọn khó tính, có cân nhắc. Thông điệp đưa ra trong sản phẩm phải có gì khác biệt. Vậy chiến lược cạnh ranh khác biệt cụ thể của Bphone 2 là cái gì? Sự khác biệt đó phải thể hiện về mặt truyền thông ra công chúng, ra người tiêu dùng, và phải thể hiện thật ngắn bằng một câu thôi.
Cái Bphone 2 đưa ra “Chất” tôi thấy … hơi mơ hồ, lại lặp lại ý tưởng của một thương hiệu cà phê! Hay Bphone 2 muốn gắn với thương hiệu cà phê này? Từ “Chất” ngắn gọn, xúc tích. Đúng. Nhưng chưa rõ ràng, quá mơ hồ.
Trong marketing, mọi người cứ ngộ nhận sản phẩm là không quan trọng, truyền thông mới quan trọng. Nhưng nếu làm lâu năm trong nghề mới hiểu sản phẩn phải có gì mới, khác biệt, thực chất, mới làm truyền thông mang tính khác biệt. Nhất là sản phẩm công nghệ thì thông điệp về sự khác biệt phải được thể hiện thật rõ ràng, không mơ hồ được. Có thế không nói được hết, nhưng phải nói được ý chính, chứ không thể nói trên cái không có gì. Vì thông điệp phải thực sự có ý nghĩa với khách hàng.
Giả sử Bphone 2 đánh vào cảm xúc của người mua, với thông điệp "Made in Vietnam", khiến người mua có thể mua. Nhưng khi trải nghiệm rồi nếu thấy không đúng với lời hứa, sẽ khó có thể khiến người ta trải nghiệm tiếp trong tương lai.
“Hãy chọn đúng khách hàng, giải quyết đúng 'nỗi đau' của họ”
(Ông Đinh Duy Linh, CEO Trung tâm đào tạo Bưu chính Viễn thông II, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông - thành viên của VNPT)
Tôi luôn ước mơ một ngày thật gần Việt Nam sẽ có được sản phẩm “Chất” được thế giới công nhận và sử dụng rộng rãi. Và vì vậy tôi luôn ủng hộ hàng Việt Nam chất lượng.
Nhưng cũng phải nói thật, có cái gì đó bất an với các sản phẩm công nghệ Việt, đặc biệt đối với trường hợp Bphone của Quảng “nổ”. Có thể ấn tượng không hay về Bphone 1 ảnh hưởng đến cảm xúc của tôi đến Bphone 2. Các chiến dịch truyền thông đang diễn ra chưa cho tôi lý do để mua Bphone 2. Tôi chưa thể “Wow” và khát khao để có được nó.
Thật khó cho Quảng và đồng đội tạo ra sự khác biệt trong một đại dương đỏ lè, đầy cá mập. Tôi cảm nhận Quảng đang chọn chiến lược làm Flag Ship trong phân khúc. Cái gì cũng tốt hơn đối thủ một chút. “Tôi chất nhất”! Sự lựa chọn này có khôn ngoan? Tôi e là không.
Thứ nhất, rất khó truyền thông. Khái niệm tốt nhất, chất nhất rất mơ hồ đối với khách hàng. Cá nhân tôi nghĩ, chỉ có vài hãng đạt đến trình độ “lên đỉnh”, làm cho khách hàng khát khao có được sản phẩm của mình như Apple làm cho iPhone hay RIM làm cho Blackberry. Khái niệm “nhất trong một khúc” không dễ để truyền thông. Các hãng khác họ chọn cách đối thoại dễ hơn ví dụ: Tôi Selfi tốt nhất, chụp thiếu sáng tốt nhất hay đơn giản tôi rẻ nhất. Bằng cách như vậy, họ chỉ rõ đâu là khách hàng mục tiêu và chọn được cách truyền thông phù hợp. Quảng sẽ mất nhiều tiền và công sức để xây dựng cho một hình ảnh không rõ ràng, mà không khéo còn gây tiêu cực (bom xịt).
Thứ hai, vì cố gắng làm nhiều cái tốt, chắc chắn giá thành của Bphone 2 sẽ cao hơn các đối thủ. Những cái “tốt hơn” của Bphone 2 không phải ai cũng cần và họ thấy họ đang phải trả tiền cho những thứ họ không cần đó, tức giá đang cao hơn giá trị. Đây là điều cấm kỵ trong kinh doanh. Trường hợp này Quảng không bị thiệt đơn mà bị thiệt kép (chi phí cao hơn và hình ảnh tiêu cực trong tâm trí khách hàng).
Còn quá sớm để khẳng định Bphone 2 thành công hay thất bại. Tôi chỉ mong Quảng và đồng đội sẽ có những tính toán hợp lý hơn về chiến lược kinh doanh, chiến lược sản phẩm, chiến lược truyền thông.
Hãy chọn đúng khách hàng, giải quyết đúng “nỗi đau” của họ, cho họ biết điều đó để họ khát khao có được sản phẩm của nhóm. Hãy giúp cho tôi và những người Việt được an tâm, được tự hào.
(Còn tiếp)
Ông chủ ‘đế chế tivi Việt’ Phạm Văn Tam sẽ chính thức tham chiến thị trường điện thoại thông minh từ 15/8 với thương hiệu smartphone Asanzo.
"Quản trị chiến lược thực chiến" không chỉ là cuốn sách mà là kim chỉ nam để doanh nghiệp của bạn vững bước vượt qua mọi thử thách trên con đường phát triển.
Chỉ có gần 80% ngân hàng kỳ vọng lợi nhuận trước thuế tăng trưởng dương so với năm 2023. Con số này giảm đáng kể so với tỷ lệ 86,2% của kỳ điều tra trước.
Chàng trai Hà Tĩnh ngày nào giờ đã startup tiến vào một "đại dương xanh" với mô hình chuỗi tinh dầu phục vụ các hộ gia đình, khách sạn, nhà hàng và spa.
Bán lẻ và năng lượng là những ngành then chốt tại Đức và cũng là những lĩnh vực mà FPT Software đã tích lũy nhiều kinh nghiệm chuyển đổi số.
Trong 17 năm qua, Masan đã huy động vốn thành công xấp xỉ 5 tỷ USD. Các nhà đầu tư như KKR, TPG, SK group đều đầu tư nhiều lần vào Masan và hướng tới sự hợp tác lâu dài.
Bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam đã nhận xét như vậy khi chứng kiến các chu kỳ biến động của thị trường bất động sản.
Pháp trở thành nước đầu tiên trong Liên minh châu Âu có quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam, mở ra cơ hội hợp tác sâu rộng trên nhiều lĩnh vực.