Bước ngoặt của Việt Nam với nền kinh tế số 2019

Việt Hưng - 19:08, 08/10/2019

TheLEADERNền kinh tế số Việt Nam ước tính có quy mô 12 tỷ USD trong năm 2019 và dự kiến sẽ chạm ngưỡng 43 tỷ USD vào năm 2025, vươn lên vị trí thứ 2 tại khu vực Đông Nam Á.

Báo cáo e-Conomy SEA 2019 do Google và Temasek đã công bố mới đây đã phác họa lại bức tranh toàn cảnh về nền kinh tế Internet tại khu vực Đông Nam Á, với trọng tâm là 5 lĩnh vực: du lịch trực tuyến, truyền thông - quảng cáo, gọi xe, thương mại điện tử, và các dịch vụ tài chính số.

Với 360 triệu người dùng Internet thường xuyên trên toàn khu vực, e-Conomy SEA 2019 ghi nhận 4 quốc gia dẫn đầu về số lượng người hiện là: Indonesia, Philippines, Việt Nam và Thái Lan. So với năm 2018, đây được xem là bướt ngoặt với Việt Nam khi lần đầu lọt top 3 và được đánh giá là thị trường tiềm năng với nền kinh tế Internet đang bùng nổ.

Xét về quy mô, thị trường Việt Nam ước tính giá trị 12 tỷ USD gồm cả 5 lĩnh vực trong năm 2019, tốc độ tăng trưởng đạt 38% trong 5 năm trở lại đây. Dự kiến, tới năm 2025, nền kinh tế Internet của Việt Nam sẽ chạm ngưỡng 43 tỷ USD, tăng trưởng 29%/năm, vươn lên vị trí thứ 2 tại khu vực Đông Nam Á.

Bước ngoặt của Việt Nam với nền kinh tế số 2019
Dự kiến, tới năm 2025, nền kinh tế Internet của Việt Nam sẽ vươn lên vị trí thứ 2 tại khu vực Đông Nam Á

Không chỉ gây ấn tượng bởi tốc độ tăng trưởng nhanh, Việt Nam còn vươn lên trở thành nền kinh tế số tốt nhất trong khu vực với mảng Thương mại điện tử, nổi bật là cuộc chiến giành thị phần của giữa các thương hiệu bản địa là Sendo và Tiki, đối đầu với các đối thủ lớn như Lazada và Shopee.

Cụ thể, trong lĩnh vực thương mại điện tử, quy mô thị trường Việt Nam hiện đạt 5 tỷ USD, gần gấp đôi so với cùng kì, với tốc độ tăng trưởng lên tới 81%. Theo Google và Temasek, tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử Việt Nam nhanh thứ 2 tại Đông Nam Á, chỉ xếp sau Indonesia.

Trong lĩnh vực gọi xe, báo cáo đánh giá, quy mô của thị trường này tại Việt Nam đã lên tới 1 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng trung bình 57% - cao nhất ở Đông Nam Á. Tới năm 2025, dự báo sân chơi này sẽ đạt ngưỡng 4 tỷ USD, với tốc độ tăng trưởng 38%/năm.

Điều này giải thích tại sao, chỉ trong một thời gian ngắn, liên tục các ông lớn quốc tế lẫn trong nước như Grab, Go-Viet, FastGo hay Be... tham gia vào thị trường này.

Cũng trong lĩnh vực gọi xe nói chung, thị trường giao nhận đồ ăn đang bị xâu xé bởi các gương mặt quen thuộc, ngoài Now, GrabFood cũng nhảy vào nếm thử, những cái tên cũ hơn nhưng lại kém phát triển bắt buộc phải nhường thị phần như Go-Food, Loship, hay biến mất hẳn là Lala.

Bước ngoặt của Việt Nam với nền kinh tế số 2019 1
Việt Nam gây ấn tượng bởi tốc độ tăng trưởng nhanh của mảng thương mại điện tử

Có thể thấy, việc các công ty công nghệ ngày càng đa dạng, len lỏi vào mọi mặt trong cuộc sống đã trở thành một nền văn minh mới, quen thuộc với người tiêu dùng. Chấm dứt kỷ nguyên của vận tải truyền thống, mua hàng tận nơi, thay vào đó là thói quen đặt hàng online, đặt xe công nghệ.

Với lĩnh vực du lịch trực tuyến, báo cáo Google và Temasek coi đây là ngành tiềm năng và mũi nhọn của Việt Nam, nơi quy tụ những ông lớn hàng đầu trong hoạt động đặt phòng, thuê khách sạn, homestay, hay đặt vé máy bay, tour du lịch, nghỉ dưỡng.

Với sự tham gia của loạt tên tuổi như: Booking, Agoda, VnTrip, Traveloka, Luxstay,... thị trường này được Google và Temasek ước tính lên tới 4 tỷ USD tại Việt Nam, với tốc độ tăng trưởng 16% mỗi năm.

Cũng trong báo cáo này, năm nay Google và Temasek đặc biệt nhấn mạnh tới lĩnh vực dịch vụ tài chính số, bao gồm các mảng như: thanh toán, cho vay, ví điện tử, bảo hiểm... Trong đó, lĩnh vực thanh toán trực tuyến chiếm khoảng 89% thị trường Fintech Việt Nam, theo số liệu của Công ty tư vấn Solidiance.

Tại Việt Nam, các dịch vụ thanh toán trực tuyến (thanh toán di động, cổng thanh toán trực tuyến, ví điện tử) có thể kể đến như: Zalo Pay, Momo, 1Pay, Moca, VnPay, Vimo... Các dịch vụ tài chính cá nhân (ứng dụng hỗ trợ kiểm soát thu nhập, chi tiêu, đầu tư, hỗ trợ khoản vay cá nhân) với MoneyLover, Timo, F88, Mobivi...