Các vùng kinh tế trọng điểm chưa phát triển hiệu quả

Nguyễn Cảnh - 09:31, 10/12/2023

TheLEADERBên cạnh vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và phía Nam phát triển nhất, hai vùng miền Trung và Đồng bằng sông Cửu Long chưa thể hiện rõ vai trò động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội.

Đây là thực trạng được nêu ra trong Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Hiện ghi nhận bốn vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ), bao gồm 24 tỉnh thành, được xem là những khu vực động lực tăng trưởng có ý nghĩa quốc gia. Đến năm 2020, các vùng KTTĐ chiếm khoảng 53% dân số, khoảng 27,5% diện tích, và tạo ra trên 70% tổng GDP cả nước.

Các vùng KTTĐ là nơi tập trung các đầu mối giao thông vận tải biển và hàng không lớn nhất cả nước, với 6/8 cảng biển quốc gia, tập trung tới 93% công suất bốc xếp của cảng và 3/4 cảng hàng không quốc tế có công suất phục vụ lớn nhất cả nước (năm 2019).

Trong đó, năm 2020, tính riêng năm thành phố lớn thuộc các vùng KTTĐ là Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP.HCM và Cần Thơ chiếm gần 3% tổng diện tích cả nước, đóng góp tới 35,5% trong tổng GDP cả nước.

Vùng KTTĐ phía Nam đứng đầu về quy mô với đóng góp 35% GDP cả nước, tiếp theo là vùng KTTĐ Bắc Bộ với gần 26% GDP cả nước.

Bên cạnh các kết quả đáng ghi nhận, hoạt động phát triển các vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) vẫn gặp một số hạn chế.

Cụ thể là mức độ hiệu quả thực sự của các vùng KTTĐ trong vai trò khu vực động lực thúc đẩy phát triển của cả nước. Ngoại trừ hai vùng Bắc Bộ và phía Nam là hai vùng phát triển nhất, đóng góp khoảng 61% GDP cả nước năm 2020, hai vùng miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) còn chưa hiệu quả với 9,5% GDP cả nước năm 2020.

Ngoài ra, tỷ trọng đóng góp của vùng KTTĐ phía Nam có xu hướng giảm trong thời kỳ 2011-2020.

Bên cạnh đó, là vấn đề phát triển không đồng đều giữa các vùng KTTĐ và giữa các địa phương trong các vùng KTTĐ, nhiều địa phương có trình độ phát triển dưới hoặc tương đương mức trung bình cả nước, nhất là các địa phương thuộc vùng miền Trung và ĐBSCL.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân vùng KTTĐ ĐBSCL giai đoạn 2011-2020 chỉ đạt gần 5,4%/năm, thấp hơn nhiều tốc độ tăng trưởng bình quân cả nước. GRDP bình quân/người (năm 2020) của vùng này đạt 56 triệu đồng/người, thấp hơn nhiều so với cả nước.

Ngoài ra, sự phát triển giữa các địa phương trong vùng KTTĐ phía Nam còn có chênh lệch cao, đặc biệt là hệ thống hạ tầng, dịch vụ. Điều này dẫn đến xu hướng dịch chuyển dân cư về các đô thị trung tâm, đặc biệt là TP.HCM đã tạo áp lực lớn lên hệ thống hạ tầng đô thị, ảnh hưởng đến phát triển bền vững của vùng TP.HCM.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tác động lan tỏa và tính liên kết của các vùng KTTĐ tới các địa phương lân cận và trong cả nước chưa cao. Các địa phương thuộc vùng KTTĐ chưa phát huy hết lợi thế và tiềm năng của vùng, chưa hình thành mối liên kết, phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp với hàng hóa thương mại.

Tại vùng KTTĐ Bắc Bộ, các dự án FDI tập trung vào các lĩnh vực, các ngành tận dụng nhân công giá rẻ, dệt may, giày dép, lắp ráp thiết bị và bất động sản chiếm tỷ lệ cao (gần 65% số vốn FDI đầu tư vào vùng) nên việc lôi kéo các doanh nghiệp trong nước tham gia có hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu còn hạn chế, liên kết doanh nghiệp FDI và trong nước chưa cao.