Chỉ có 1% doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp

An Chi - 17:43, 01/08/2017

TheLEADERMuốn phát triển được nền kinh tế nông nghiệp theo hướng hiện đại phải lấy doanh nghiệp làm trọng tâm.

Chỉ có 1% doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp
Ảnh minh họa (nguồn internet)

Phát triền nông nghiệp lấy doanh nghiệp làm chủ thể

Đó là khẳng định của ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Giống cây trồng Thái Bình, Chủ tịch Hiệp hội giống cây trồng Việt Nam tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam lần thứ 2 diễn ra tại Hà Nội.

Theo ông Trần Mạnh Báo, nông nghiệp là một trong ba mũi nhọn của nền kinh tế Việt Nam. Thành tựu lớn nhất của nền nông nghiệp là từ chỗ chúng ra không có cái ăn đến nay - theo số liệu thống kê 6 tháng đầu năm 2017, nông nghiệp là ngành duy nhất suất siêu của nền kinh tế.

Thực tế, nhiều giải pháp đã được triển khai để phát triển nông nghiệp và thu hút doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp như: tháo gỡ rào cản về đất đai, về vốn, xây dựng các chính sách thu hút đầu tư tư nhân vào nông nghiệp, xây dựng chính sách ưu đãi để phát triển ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp… Tuy nhiên, hiệu quả vẫn hạn chế.

Hiện, cả nước chỉ có 1% tổng số doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp với số vốn chiếm khoảng gần 3% tổng vốn đầu tư của doanh nghiệp vào sản xuất, kinh doanh. Một số cây/con có tiềm năng chưa được quy hoạch và tạo điều kiện phát triển xứng đáng để chinh phục thị trường xuất khẩu.

Ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Giống cây trồng Thái Bình

Về nguyên nhân của thực trạng này, theo ông Trần Mạnh Báo, đất đai hiện là rào cản lớn nhất cho các doanh nghiệp khi muốn đầu tư vào nông nghiệp do đất nông nghiệp chia theo hộ, quy mô nhỏ lẻ, không có cơ chế tiếp cận linh hoạt mà phải tiếp cận từng hộ dân nếu muốn có diện tích lớn.

Bên cạnh đó, chính sách thuế trong nông nghiệp còn bất cập khiến các hộ không có xu hướng chuyển đổi thành doanh nghiệp vì Nhà nước không áp dụng thuế VAT cho các nông hộ trong mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh còn doanh nghiệp thì phải chịu thuế VAT (chưa kể, các hộ còn không muốn bị áp dụng quy định như doanh nghiệp về: thuế, kế toán, lao động, BHXH,...).

Theo ông Báo, các chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp chưa thiết thực, thiếu tính ổn định, độ hấp dẫn cũng như an toàn/bền vững của chính sách không cao, khả năng tiếp cận các cơ hội ưu đãi cũng hết sức khó khăn do các quy trình thủ tục rườm rà phức tạp, tốn nhiều thời gian...

Các vấn đề nêu trên hạn chế doanh nghiệp phát huy trong lĩnh vực nông nghiệp, còn các hộ thì vừa thiếu năng lực đột phá, dẫn dắt dù đã có nhiều điều chỉnh về chính sáchvừa không có xu hướng dịch chuyển thành doanh nghiệp... nên bài toán phát triển nông nghiệp thành ngành kinh tế mũi nhọn gặp khó khăn.

Do đó, ông Trần Mạnh Báo kiến nghị, sản xuất nông nghiệp cần tổ chức lại hệ thống sản xuất theo hướng lấy doanh nghiệp làm chủ thể. Bởi chỉ có trên nền tảng lấy doanh nghiệp làm chủ thể mới có thể phát triển kinh tế đất nước, và đưa phát triển ngành nông nghiệp lên một bước tiến mới, phù hợp với lợi thế của ngành và tình hình kinh tế xã hội ngày nay.

Lấy thị trường làm mục tiêu phát triển nông nghiệp

Đưa ra ý kiến về thực trạng khủng hoảng “được mùa mất giá” trong sản xuất nông nghiệp như trong thời gian vừa qua, ông Nguyễn Hoàng Anh, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư thủy sản Nam Miền Trung nhận định: Cách làm thị trường hiện tại  rất cũ, lạc hậu, dựa vào "thứ mình có" hơn là "thứ thị trường cần". 

Đã đến lúc hệ thống sản xuất nông nghiệp của Việt Nam hiện nay cần gắn với thị trường. Nhìn nhận được tầm quan trọng của việc sản xuất theo nhu cầu của thị trường. Chính sách nông nghiệp phải lấy thị trường làm mục tiêu, lấy thị trường làm thước đo của sản xuất nông nghiệp.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Hoàng Anh cũng cho rằng, các chính sách thương mại và cách làm thị trường trong nông nghiệp hiện nay còn hạn chế, hình thức, ít hiệu quả.

“Chúng ta không có chính sách định hướng để tạo ra các sản phẩm thị trường có nhu cầu. Không xác định thị trường trọng tâm trọng điểm nên phân bổ nguồn lực xúc tiến bất hợp lý, ít nghiên cứu; không lấy hiệu quả kinh doanh, đầu tư làm thước đo; phân vai thiếu hiệu quả (bộ, hiệp hội, doanh nghiệp,...); thiếu sự kết nối giữa nhu cầu doanh nghiệp với hoạt động xúc tiến; thiếu ''câu chuyện'' để quảng bá do cơ cấu cây trồng, vật nuôi lộn xộn; không rõ sản phẩm chủ lực, thế mạnh, không đảm bảo các yêu cầu an toàn...”

Để tháo gỡ vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Anh kiến nghị, Chính phủ cần ban hành chương trình hành động quốc gia về nâng cao năng lực cạnh tranh ngành nông nghiệp, tập trung vấn đề làm thị trường nông nghiệp, hội nhập khu vực và quốc tế trên cơ sở hợp tác chặt chẽ công - tư.

Đồng thời, Chính phủ cần hình thành các khu vực/các vùng canh tác, chế biến, sản xuất kiểu mẫu với cách thức triển khai chuẩn từ khâu sản xuất tới phân phối sản phẩm đầu ra để tạo "câu chuyện" cho các mặt hàng thế mạnh của nông nghiệp Việt Nam. 

Mô hình này là các vùng canh tác rộng theo chuẩn công nghiệp chất lượng cao theo quy hoạch chiến lược quốc gia, nhằm tăng chất lượng và sức cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp, góp phần giúp ngành nông nghiệp phát triển.