Chủ dự án 8B Lê Trực tố Hà Nội 'lật kèo': Nên hiểu thế nào cho đúng?

Minh Anh - 07:05, 30/08/2017

TheLEADERTheo luật sư Lê Văn Thiệp, Trưởng Văn phòng Luật sư Toàn Cầu, không thể có chuyện cả một dự án lớn như vậy tồn tại suốt nhiều năm mà UBND phường không biết, thanh tra để im... đến khi mọi chuyện bung ra lại đổ hết cho doanh nghiệp.

Chủ dự án 8B Lê Trực tố Hà Nội 'lật kèo': Nên hiểu thế nào cho đúng?
Tòa nhà 8B Lê Trực, Hà Nội. Ảnh Zing

Chiều 29/8, Công ty CP May Lê Trực, chủ đầu tư dự án 8B Lê Trực đã có buổi tiếp xúc và trả lời báo chí về những vấn đề còn nhiều vướng mắc liên quan đến dự án này. 

TheLEADER ghi lại một số nội dung trao đổi với luật sư Lê Văn Thiệp, Trưởng Văn phòng Luật sư Toàn Cầu, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội trong buổi gặp gỡ báo chí của chủ đầu tư dự án 8B Lê Trực.

Chủ đầu tư dự án 8B Lê Trực khẳng định xây dựng đúng theo Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 do UBND TP. Hà Nội phê duyệt và 'tố' ngược TP. Hà Nội phá vỡ cam kết, hồi tố trái quy định. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Luật sư Lê Văn Thiệp: Dư luận và một số cơ quan báo chí trước đây đã làm sai lệch bản chất cũng như cách hiểu của người dân về dự án 8B Lê Trực. Theo các văn bản mới nhất của UBND TP. Hà Nội được các cơ quan thông tấn báo chí và đài truyền hình Việt Nam công bố đều khẳng định, dự án 8B Lê Trực không nằm trong vị trí quy hoạch trung tâm chính trị Ba Đình. Tức, nó bình đẳng với tất cả các công trình, dự án khác trên địa bàn TP. Hà Nội.

Dự án 8B Lê Trực không hề nằm trong các vị trí nhạy cảm giống như truyền thông đã đưa tin và làm lệch hướng dư luận từ trước đó.

Căn cứ theo các quy định của pháp luật, cụ thể là Điểm C, Khoản 1, Điều 27, Nghị định 64, dự án 8B Lê Trực không thuộc đối tượng phải cấp giấy phép xây dựng. Dự án đã có quy hoạch chi tiết 1/500 thì không phải xin giấy phép xây dựng.

Về vấn đề này, các cơ quan có thẩm quyền có đưa ra giải thích là do dự án 8B Lê Trực bao gồm cả một số tầng hầm cung cấp dịch vụ cho dân cư nên không được xác định là nhà ở, không thuộc đối tượng quy định tại Điểm C, Khoản 1, Điều 27, Nghị định 64.

Trong khi đó, đến 90% diện tích dự án được sử dụng để ở. Như vậy, tức là tính năng của công trình này là dự án nhà ở. Tuy nhiên, do ở thời điểm đó luật không giải thích rõ, phải đến bây giờ, Luật Nhà ở mới quy định rõ khái niệm thế nào là nhà ở và tòa nhà hỗn hợp bao gồm căn hộ để ở.

Do đó, dự án 8B Lê Trực vốn dĩ không phải là đối tượng phải xin giấy phép xây dựng. Thế nhưng, các cơ quan quản lý lại yêu cầu và xử lý công trình này theo giấy phép xây dựng là điều rất bất hợp lý.

Đề xảy ra vụ việc tại dự án 8B Lê Trực, theo ông trách nghiệm thuộc về ai?

Luật sư Lê Văn Thiệp: Trong bộ Luật Hình sự quy định điều chỉnh các quan hệ trong trật tự xây dựng đã quy định rõ về trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước về việc để xảy ra sai phạm trật tự xây dựng chứ không chỉ quy trách nghiệm cho người dân, doanh nghiệp vi phạm.

Còn nói về luật, nếu cấp phép sai thì rõ ràng trách nhiệm thuộc về các cơ quan có thẩm quyền.

Luật sư Lê Văn Thiệp, Trưởng Văn phòng Luật sư Toàn Cầu

Sai phạm tại dự án 8B Lê Trực trước hết là trách nghiệm của các cấp chính quyền, chủ thể pháp luật. Bởi không phải tự nhiên dự án nằm đó được. Không thể có chuyện cả một dự án lớn như vậy tồn tại trong suốt một thời gian dài sai phạm mà UBND phường không biết, thanh tra để im, để đến khi mọi chuyện bung ra lại đổ hết cho doanh nghiệp. 

Đây rõ ràng phải quy trách nghiệm cho cơ quan quản lý giám sát. Tại sao không phát hiện sai phạm ngay từ đầu để xử lý kịp thời mà lại để khi dự án hoàn thành mới cưỡng chế tháo dỡ. Trong khi đó, việc phá dỡ lại không đúng quy định pháp luật.

Pháp luật quy định bình đẳng giữa các chủ thể, báo chí thời gian vừa qua cũng nêu hàng loạt sai phạm của Tập đoàn FLC hay tại các dự án của đại gia Lê Thanh Thản… Có những khu vực chỉ được cấp phép xây dựng một đơn nguyên nhưng chủ đầu tư xây dựng đến 4 đơn nguyên, giấy phép cấp 27 tầng thì xây đến hơn 40 tầng, hay những tòa nhà ở Nam Từ Liêm không có giấy phép nhưng vẫn được xây đến 28 tầng… 

Tất cả những trường hợp đó tại sao đến nay các cơ quan quản lý vẫn “không ý kiến gì”? Vậy, các chủ đầu tư đó họ bằng cái gì và hết bao nhiêu để làm được việc đó? Trong khi đó, đây đều là những dự án sai phạm, thậm chí mức độ sai phạm còn nghiêm trọng hơn nhiều lần.

Mới đây UBND phường Điện Biên, quận Ba Đình - Hà Nội đã có văn bản chính thức gửi Công ty Cổ phần may Lê Trực thông báo sẽ khóa cổng công trình 8B Lê Trực để đảm bảo an ninh trật tự gây bức xúc cho người mua nhà. Theo ông việc làm này của UBND phường Điện Biên có đúng luật?

Luật sư Lê Văn Thiệp: Người mua nhà tại dự án 8B Lê Trực đã đóng tới hơn 90% giá trị căn hộ và đã được bàn giao nhà. Như vậy, căn hộ đó đã thuộc quyền sở hữu hợp pháp của người dân. Việc UBND phường Điện Biên, quận Ba Đình khóa cổng chính của tòa nhà là điều phi lý, không đúng theo quy định của pháp luật.

Về vấn đề này, chủ đầu tư dự án đã có công văn kiến nghị lên UBND phường Điện Biên, quận Ba Đình. Tuy nhiên, những kiến nghị của chủ đầu tư thực chất đều vô vọng, không ai lắng nghe cũng không ai thực hiện.

Xin cảm ơn ông!