Chủ sở hữu Alma Resort thu gần 4.400 tỷ đồng nhờ bán quyền sở hữu kỳ nghỉ

Trần Anh - 09:15, 30/07/2020

TheLEADERĐến cuối năm 2019, Công ty Vịnh Thiên Đường ghi nhận hơn 4.400 tỷ đồng doanh thu chưa thực hiện dài hạn, đây là tiền nhận trước theo tiến độ từ khách hàng mua quyền sở hữu kỳ nghỉ.

Công ty TNHH Khu du lịch Vịnh Thiên Đường, chủ đầu tư dự án Alma Resort vừa công bố báo cáo tài chính năm 2019 với chưa đầy 20 tỷ đồng doanh thu và chịu lỗ gộp 39 tỷ đồng.

Ngoài lỗ từ hoạt động kinh doanh, Vịnh Thiên Đường còn lỗ hoạt động tài chính gần 58 tỷ đồng do chiết khấu cho khách hàng hơn 61,6 tỷ đồng. Chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng mạnh, từ 45 tỷ đồng năm 2018 lên gần 82 tỷ đồng trong năm 2019.

Kết quả, Vịnh Thiên Đường báo lỗ ròng 168,7 tỷ đồng trong năm 2019. Các năm trước đó, công ty cũng liên tục thua lỗ, đẩy khoản lỗ lũy kế tới cuối năm 2019 đạt 313 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của công ty, theo đó, giảm từ 435 tỷ đồng xuống còn 122 tỷ đồng.

Công ty TNHH Khu du lịch Vịnh Thiên Đường được thành lập vào tháng 2/2013, vốn điều lệ 105 tỷ đồng. Cổ đông sáng lập của công ty là Elgin Investments Pte Ltd (nắm giữ 95%) và cá nhân Nguyễn Trúc Hiền (nắm giữ 5%).

Tháng 4/2016, toàn bộ cổ phần của ông Trúc Hiền được chuyển sang cho ông Dương Tuấn Anh. Cuối năm 2019, vốn điều lệ của công ty tăng lên 435,6 tỷ đồng, Elgin Investments tăng tỷ lệ nắm giữ lên 98,77%.

Chủ sở hữu Alma Resort thu 4.300 tỷ đồng nhờ bán quyền sở hữu kỳ nghỉ
Dự án Alma Resort tại bán đảo Cam Ranh, Khánh Hòa

Công ty Vịnh Thiên Đường được biết đến là đơn vị đầu tư và phát triển dự án Alma Resort quy mô 30 ha ở Cam Ranh, Khánh Hoà. Dự án được khởi công xây dựng vào năm 2014, quy mô gồm 196 biệt thự, 384 căn hộ cao cấp, 14 khu vực ẩm thực, 12 bể bơi hướng biển tọa lạc tại ô số D7A2, khu du lịch phía Bắc bán đảo Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa. 

Dự án này đã hoàn thành vào cuối năm 2019 và được đưa vào vận hành hồi đầu năm 2020, tuy nhiên do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, dự án đã phải tạm ngưng hoạt động và mới mở cửa trở lại vào tháng 5 vừa qua.

Điểm nổi bật của dự án Alma Resort đó là huy động vốn theo mô hình sở hữu kỳ nghỉ. Các nhân viên Alma Resort tư vấn cho biết nếu ký hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ, người mua sẽ được đi nghỉ mỗi năm một lần tại khu du lịch sang trọng.

Trong quá trình phát triển, mô hình sở hữu kỳ nghỉ của Alma Resort dính vào nhiều vụ lùm xùm và bị khách hàng khởi kiện, tố cáo lừa đảo. Mặc dù vậy, báo cáo của Vịnh Thiên Đường cho thấy, công ty vẫn đang huy động vốn khá tốt từ khách hàng.

Tại ngày 31/12/2019, tổng tài sản của Công ty Vịnh Thiên Đường đạt 6.425 tỷ đồng, tăng hơn 3.000 tỷ so với hồi đầu năm. Chiếm tỷ trọng lớn nhất là tài sản cố định 4.039 tỷ đồng và chi phí trước hoạt động 1.732 tỷ đồng.

Công ty Vịnh Thiên Đường ghi nhận lượng tiền mặt dồi dào khi ghi nhận hơn 530 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền.

Đáng chú ý, ở phần nguồn vốn, công ty ghi nhận hơn 4.400 tỷ đồng doanh thu chưa thực hiện dài hạn, tăng mạnh so với mức 2.500 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Thuyết minh của công ty cho biết số dư của khoản mục này bao gồm tiền nhận trước theo tiến độ từ khách hàng mua quyền sở hữu kỳ nghỉ.

Công ty còn có khoản vay 133,4 tỷ đồng trái phiếu được bảo đảm bằng tài sản và vật kiến trúc của khu nghỉ dưỡng Alma Resort. Trái phiếu có kỳ hạn 12 tháng, lãi suất cố định 11%/năm Ngoài ra, Công ty Vịnh Thiên Đường còn vay từ công ty mẹ Elgin Investment 25 triệu USD, khoản vay có kỳ hạn 36 tháng lãi suất 5%/năm.