Chứng khoán ngày 4/7: Cung cầu cẩn trọng, VN-Index hồi phục 9 điểm

Ngọc Chi - 23:14, 04/07/2018

TheLEADERRiêng cặp đôi VIC - VHM đã góp tới 11 điểm ảnh hưởng giúp VN-Index hồi phục về điểm số.

HOSE - Bộ đôi VIC-VHM 

Trước biến động lớn về điểm số trên thị trường chứng khoán gần đây, đặc biệt là tình hình rớt tới 41 điểm của chỉ số VN-Index hôm qua, đe dọa mốc lịch sử 900 điểm. Cuối chiều qua, Chủ tịch Ủy ban chứng khoán, ông Trần Văng Dũng đã có trao đổi với báo giới rằng ông cảm giác nhiều nhà đầu tư đã phản ứng thái quá với những thông tin về tình hình quốc tế, nhà đầu tư nước ngoài đã rút vốn, biến động tỷ giá tiền đồng,… nên đã cố bán cổ phiếu bằng mọi giá.

Trong khi nước ngoài bán khá nhiều và giảm giải ngân mới, thì những phản ứng thái quá của nhà đầu tư trong nước cũng gây thêm bất cân đối cung cầu, làm thị trường chứng khoán giảm mạnh trong 2 phiên qua.

Ông Dũng không phủ nhận tác động của tình hình kinh tế, chính trị thế giới hiện nay như lộ trình tăng lãi suất của Fed và các cuộc chiến thương mại lớn trên thế giới vào Việt Nam. Tuy nhiên, cần nhìn nhận mức độ tác động đến kinh tế Việt Nam và thị trường chứng khoán Việt Nam nói riêng.

Hiện tại, giá của các cổ phiếu trong rổ VN30 đã xuống thấp hơn nhiều so với thời điểm đầu năm 2018, nhiều cổ phiếu blue-chips giảm về mức đáy trong vòng hơn 1 năm qua. Nếu không tính cổ phiếu Vinhomes (VHM) mới niêm yết trong tháng 5, chỉ số P/E chung của thị trường chỉ có 16,1 lần, đây được cho là mức thấp so với nhiều thị trường chứng khoán các nước và là cơ hội hấp dẫn các nhà đầu tư.

Tình hình sản xuất kinh doanh, lợi nhuận của các doanh nghiệp vẫn ổn định. Tính đến ngày 8/5/2018, đã có 667 doanh nghiệp niêm yết công bố báo cáo tài chính quý I/2018, trong đó hơn 86% doanh nghiệp kinh doanh có lãi.

Dòng vốn của nhà đầu tư nước ngoài có rút trong những ngày gần đây, nhưng nếu nhìn từ đầu năm nhiều quỹ đầu tư nước ngoài vẫn đổ tiền vào Việt Nam để tìm kiếm cơ hội. Trong tháng 5, vốn FII vào đạt 700 triệu USD và trong tình hình phức tạp của tháng 6 vẫn có lượng vào ròng 34 triệu USD. Nếu tính từ đầu năm, dòng vốn vào ròng vẫn đạt 2,28 tỷ USD - là số rất đáng kể so với mức 2,92 tỷ USD của cả năm 2017.

Quan sát 2 phiên giao dịch gần đây có thể thấy, ngày 2/7 khi thị trường giảm, nhà đầu tư nước ngoài vẫn mua ròng trên 310 tỷ đồng. Ngày 3/7, thị trường giảm sâu hơn, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 365,8 tỷ đồng, nhưng nếu ngoại trừ phần bán ròng của cổ phiểu VIC, thì phần bán ròng ở các cổ phiếu khác ở mức khiêm tốn 142,3 tỷ đồng.

Sau những lý giải từ phía Chủ tịch Ủy ban chứng khoán, ông Trần Văng Dũng vào chiều qua nhằm chấn an tâm lý nhà đầu tư, bước vào phiên giao dịch hôm nay, chỉ số VN-Index tiếp tục phiên thứ 7 liên tiếp mở cửa trong sắc đỏ do áp lực bán kỹ thuật.

Chưa dừng ở đó, sau khi xanh nhẹ trở lại được vài phút đầu khớp lệnh liên tục, áp lực chốt lời tăng mạnh khiến chỉ số VN-Index lao dốc và nhanh chóng đục thủng mốc 900 điểm một cách dễ dàng. Tình trạng khớp lệnh tỏ ra uể oải hơn nhiều so với vài phiên gần đây. Chỉ trong 10 phút, VN-Index rớt tới 16 điểm tuyệt đối và đạt mức thấp nhất trong ngày tại 890,83 điểm (-1,68%).

Tại đáy này, lực cầu xuất hiện tại một số mã lớn, kéo chỉ số chính dần hồi phục. Sắc xanh trở lại bảng điện tử. Đến trưa, chỉ số VN-Index tạm dừng tại sát mốc tham chiếu 905,77 điểm, giảm 0,03%.

Nổi bật nhất trong buổi sáng là mã có giá trị vốn hóa lớn nhất sàn - VHM đã có sự cải thiện rất lớn cả về khối lượng giao dịch và tăng giá tới 6,2% lên 110.000 đồng/cổ phiếu, đóng góp nhiều nhất cho thành tích trở lại của VN-Index.

Người anh em VIC cũng có sự tăng giá khá 2,3% và thu hút lực mua tương đối. Các mã tăng giá trong top 10 mã có giá trị vốn hóa lớn nhất gồm CTG tăng 0,5%; HPG tăng 1,1%, MSN đứng giá. Còn lại đều giảm gồm VNM giảm 1,2%; SAB giảm 0,9%; VCB giảm 0,7%; GAS giảm 3,5%; TCB giảm 5,9%.

Đến chiều, VN-Index tiếp tục quanh quẫn mốc tham chiếu trong nửa đầu thời gian. Đến cuối phiên, áp lực bán ra được giảm đáng kể giúp chỉ số chính lên mạnh và đóng cửa tại 914,99 điểm, tăng 8,98 điểm (+0,99%).

Chứng khoán ngày 4/7: Cung cầu cẩn trọng, VN-Index hồi phục 9 điểm

Khối lượng giao dịch giảm 29% so với phiên trước, đạt 128 triệu đơn vị, tương ứng với 3,4 nghìn tỷ đồng về giá trị giao dịch.

Chốt phiên có 163 mã tăng giá, 122 mã giảm giá và 50 mã đứng giá. Trong đó có 9 mã tăng trần và 9 mã giảm sàn.

Cặp đôi VHM (tăng trần) – VIC (+5,32%) duy trì vị trí ‘công thần’ cho đến hết phiên với việc đóng góp vào thành tích của VN-Index hôm nay 6,4 điểm và 4,6 điểm ảnh hưởng.

Phía ngược lại, GAS (-4,22%) là gánh nặng lớn nhất của chỉ số chính khi cướp đi 2,22 điểm.

Nhóm ngân hàng hôm nay phân hóa lớn khi mã tăng giá gồm CTG tăng 1,86%; MBB tăng 1,92%; VPB tăng 2,33%; EIB tăng 0,71%. Các mã giảm còn lại gồm VCB giamr 0,71%; BID giảm 0,65%; HDB giảm 1,15%; STB giảm 0,48%; TPB giảm 2,49%;

Về khối lượng giao dịch, mã STB (-0,48%) với 6,8 triệu đơn vị dẫn đầu sàn HOSE. Tiếp theo là FLC (+1,3%) với 4,9 triệu đơn vị và BID (-0,65%) đạt 4,6 triệu đơn vị.

E1VFVN30 dẫn đầu sàn về thu hút mạnh các nhà đầu tư nước ngoài với 2,6 triệu đơn vị được giao dịch. Theo sau là VCB, SSI, HPG.

Ngược lại, mã chứng khoán bị khối ngoại xả mạnh nhất là BID với 2,2 triệu đơn vị. Theo sau là STB, VIC, VHM.

Trong phiên giao dịch hôm nay, duy nhất mã VHM có khối lượng giao dịch đột biến khi tăng hơn 4 lần so với khối lượng trung bình 10 ngày.

HNX - Chưa đạt được 100 điểm

Trên sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội, diễn biến chủ yếu của HNX-Index hôm nay là rập rình quanh mức tham chiếu. Áp lực bán ra đã giảm nhưng lực cung lại quá yếu khiến chỉ số này khó lòng cải thiện điểm số một cách rõ ràng. Cho đến cuối phiên, lực cung gia tăng nhẹ giúp chỉ số HNX-Index đi lên mạnh hơn và đóng cửa tại 99,99 điểm, tăng 1,19 điểm (+1,21%).

Chứng khoán ngày 4/7: Cung cầu cẩn trọng, VN-Index hồi phục 9 điểm 1

Khối lượng giao dịch giảm 22% so với phiên trước, đạt 31,9 triệu đơn vị, tương ứng với 0,45 nghìn tỷ đồng về giá trị giao dịch.

Chốt phiên có 163 mã tăng giá, 122 mã giảm giá và 50 mã đứng giá.

ACB (+3,23%) là mã chứng khoán góp phần nhiều nhất cho thành tích HNX-Index hôm nay với 0,59 điểm ảnh hưởng.

Cả phiên có 9 mã tăng giá kịch trần, 14 mã chạm sàn.

Về khối lượng giao dịch, SHB (+1,37%) dẫn đầu sàn khi đạt 5,5 triệu đơn vị. ACB (+3,23%) theo sau với 4,1 triệu đơn vị, PVS (-0,62%) đạt 3,7 triệu đơn vị.

Về khối ngoại, VGC là mã được khối ngoại mua vào nhiều nhất với 210,8 nghìn đơn vị. Ngược lại, khối ngoại xả mạnh nhất là PVS với 1 triệu đơn vị.