Công ty độc quyền dịch vụ hàng không cho Samsung Thái Nguyên lãi trăm tỷ mỗi năm

Trần Anh - 10:38, 11/06/2018

TheLEADERHơn 30% doanh thu của Công ty Cổ phần Dịch vụ Sân Bay (ASG) đến từ hoạt động dịch vụ hàng hóa hàng không với Samsung SDS GSCL Việt Nam.

Ngày 25/5 vừa qua, Công ty Cổ phần Dịch vụ Sân Bay (ASG) đã nộp hồ sơ niêm yết lên Sở Giao dịch Chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh (HOSE). Theo đó, 34,5 triệu cổ phiếu ASG, tương đương vốn điều lệ 345 tỷ đồng đang lền sàn.

ASG lên sàn tiếp nối hàng loạt thương vụ niêm yết cổ phiếu của các công ty trong ngành dịch vụ hàng không trong vài năm qua, bao gồm cả các hãng hàng không và công ty dịch vụ liên quan.

Theo Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA), Việt Nam sẽ là một trong năm thị trường phát triển nhanh nhất về số lượng hành khách hàng không từ 2016-2035. Lưu lượng hành khách hàng đạt mức kỷ lục 94 triệu người trong năm 2017, tốc độ tăng trưởng trung bình đạt 19,3% trong giai đoạn 2005-2016. Du lịch ra quốc tế của Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ nhờ vào thu nhập người dân tăng nhanh và sự bùng nổ của các hãng hàng không giá rẻ.

Không bỏ lỡ cơ hội, hàng loạt các công ty hàng không đã tranh thủ cơ hội thị trường tốt để niêm yết lên sàn chứng khoán. Đầu năm 2017, Vietjet Air (VJC), Vietnam Airlines (HVN) và Nasco (NAS) lần lượt niêm yết cổ phiếu. Trước đó trên thị trường đã có các công ty ngành dịch vụ hàng không như Masco, Sasco, NCS, SGN.

Mới đây thị trường đón nhận thêm cổ phiếu công ty Dịch vụ hàng không Taseco Airs (AST). Sắp tới, ngoài Công ty Cổ phần Dịch vụ Sân Bay (ASG), một công ty khác là CTCP Logistics Hàng Không (ALS) cũng có kế hoạch niêm yết.

Độc quyền các cảng hàng không kéo dài

Được thành lập từ năm 2010, tên cũ là CTCP Dịch vụ Bưu chính Interserco với vốn điều lệ chỉ hơn 2 tỷ đồng, ASG đã phát triển rất nhanh, trở thành một trong các đơn vị lớn nhất cung cấp dịch vụ khai thác hàng hóa hàng không theo quy trình kho hàng không kéo dài tại Sân bay Nội Bài và khu vực phía Bắc.

Hoạt động chính của ASG là cung cấp dịch vụ logistics, bao gồm dịch vụ hàng hóa hàng không, vận tải và kho bãi. Ước tính, tổng lượng hàng hóa vận chuyển qua ASG vào khoảng 360 nghìn tấn – 540 nghìn tấn/năm.

Trong bối cảnh nhu cầu xuất, nhập khẩu hàng hóa đến các khu công nghiệp tại Thái Nguyên, Bắc Ninh trong những năm qua luôn ở mức cao, khoảng 20%/năm, quy mô của AGS cũng tăng đều qua các năm.

Công ty độc quyền dịch vụ hàng không cho Samsung Thái Nguyên lãi trăm tỷ mỗi năm
Kết quả kinh doanh năm 2016 - 2017 và dự báo 2018 - 2019 của ASG

Năm 2017, công ty đạt doanh thu 538 tỷ đồng, tăng 137% so với năm 2016, lợi nhuận đạt 163 tỷ đồng, tăng 12,7%. Công ty chỉ có vốn điều lệ 200 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế tích lũy được cuối năm 2017 lên đến 334 tỷ đồng. 

Mới đây công ty đã tăng vốn lên 345 tỷ đồng bằng việc phát hành cổ phiếu thưởng (140 tỷ đồng) và chào bán cho cán bộ nhân viên (5 tỷ đồng). Ngoài ra công ty đang có kế hoạch chào bán 10% cổ phần cho nhà đầu tư mới để tăng vốn.

Chiếm tỷ trọng lớn nhất và cũng mang về nguồn thu chủ lực cho ASG là dịch vụ hàng hóa hàng không với 334 tỷ đồng, tương đương khoảng 50% doanh thu. Tiếp theo đó là mảng dịch vụ vận tải (181 tỷ đồng) và mảng dịch vụ kho bãi (21 tỷ đồng).

Tương tự Công ty cổ phần Logisctics hàng không (ALS), hoạt động của ASG cũng thừa hưởng ưu thế độc quyền của ngành hàng không khi sở hữu những ga hàng không kéo dài. Để vận chuyển hàng hóa, linh kiện tới các nhà máy đặt tại các khu công nghiệp phía Bắc, các doanh nghiệp FDI buộc phải thuê dịch vụ của ASG.

Hiện nay, ASG đã đầu tư xây dựng và khai thác hệ thống kho bãi tại Khu Dịch vụ Logistics Nội Bài – Hà Nội, Khu Công nghiệp Yên Phong – Bắc Ninh và Khu Công nghiệp Yên Bình – Thái Nguyên. Tổng diện tích kho là 21.000 m2.

Hiện tại, danh mục các khách hàng của ASG chủ yếu bao gồm các công ty FDI có vốn đầu tư lớn tại Thái Nguyên, Bắc Ninh. Đó là những cái tên như Samsung SDS GSCL, Foxconnn, Orion, DHL Vietnam,…

Đặc biệt, ‘mũi nhọn’ quan trọng nhất của ASG là công ty con ALS Thái Nguyên (ALST). ASG nắm giữ 100% vốn tại ALST. Đơn vị này đóng vai trò tổ chức, quản lý và vận hành kho hàng không kéo dài tại Lô số 5, Khu công nghiệp Yên Bình, Thái Nguyên. Đây cũng là nơi Samsung quyết định rót vốn hơn 3,5 tỷ USD để xây dựng tổ hợp nhà máy sản xuất điện thoại và khu công nghệ cao.

Doanh nghiệp dịch vụ hàng không lãi lớn nhờ độc quyền vận tải cho Samsung Thái Nguyên,
Lợi thế lớn nhất của ASG là các cảng hàng không kéo dài về các khu công nghiệp Bắc Ninh, Thái Nguyên

ALST là đơn vị duy nhất được Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên (SEVT), Công ty TNHH Samsung Electro - Mechanics Việt Nam (SEMV) và Công ty TNHH Hansol Electronics Việt Nam lựa chọn là nhà cung cấp dịch vụ hàng hóa hàng không và các dịch vụ logistics khác.

Đây là ưu thế rất lớn của công ty bởi rất khó xuất hiện đối thủ cạnh tranh. Được biết việc xây dựng thêm kho hàng không kéo dài tại Thái Nguyên là rất khó bởi những rào cản quy định hiện hành.

Ngoài ALST, ASG hiện còn cung cấp dịch vụ tại một số sân bay khác thông qua CTCP Dịch vụ sân bay Sài Gòn (công ty con) và CTCP Dịch vụ Sân bay Quốc tế Cam Ranh (công ty liên kết).

Rủi ro từ hoạt động lệ thuộc vào Samsung Thái Nguyên

Với nhiều ưu thế độc quyền, ASG có thể coi là một “con gà đẻ trứng vàng” trong ngành dịch vụ hàng hóa hàng không tại Việt Nam.

Hoạt động sản xuất của Samsung và các doanh nghiệp công nghệ cao khác tại Thái Nguyên, Bắc Ninh và hoạt động xuất nhập khẩu qua đường hàng không vẫn đang tiếp tục phát triển mạnh tạo triển vọng cho hoạt động kinh doanh, khai thác của ASG.

Mặc dù vậy, nó cũng cho thấy điểm yếu lớn nhất của ASG khi quá phụ thuộc vào các khu công nghiệp, với một đơn vị duy nhất là Samsung. Chỉ riêng hợp đồng với công ty TNHH Samsung SDS GSCL Việt Nam đã chiếm 360 tỷ đồng/năm. Như vậy, gần như toàn bộ doanh thu từ mảng dịch vụ hàng hóa - mảng kinh doanh cốt lõi của ASG đều dựa vào Samsung.

Tại TP.HCM, ALSH – công ty con của ALST được thành lập cũng chủ yếu để phục vụ hàng hóa hàng không cho công ty TNHH Điện tử Samsung HCMC CE Complex (SEHC) khu vực phía Nam.

Có thể thấy, thách thức lớn nhất mà công ty phải đối mặt đến từ việc hoạt động kinh doanh của Công ty đang bị giới hạn chính tại khu vực miền Bắc, chủ yếu tại Thái Nguyên, Bắc Ninh và Hà Nội. 

Trong tương lai, nếu hoạt động đầu tư vào các khu công nghiệp này chậm lại thì ASG sẽ phải chịu ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt là trong thời gian tới, ASG dự kiến đầu tư mở rộng thêm 11.000 m2 kho tại Khu Công nghiệp Yên Phong và 6.000 m2 tại Khu Công nghiệp Yên Bình.

Chi phí đầu tư mở rộng hoạt động kinh doanh cũng không nhỏ, nếu xét đến các yếu tố về địa bàn hoạt động và phân khúc khách hàng mà công ty hướng đến.

Để giảm bớt vai trò của Samsung và tăng nhanh quy mô của công ty, ASG đang tính đến việc thâu tóm các công ty liên kết. Công ty muốn nâng tỷ lệ sở hữu tại CTCP Dịch vụ Sân bay Quốc tế Cam Ranh (CIA) lên 51%, qua đó thâu tóm CIA trở thành công ty con của mình để hợp nhất hoạt động kinh doanh. Đây cũng là bước đệm để ASG tiến sang mảng kinh doanh mới là dịch vụ hành khách, thay vì chỉ tập trung vào dịch vụ hàng hóa như trước.