Đạm Cà Mau mua thêm công ty phân bón

Dũng Phạm - 15:45, 22/05/2024

TheLEADERViệc liên tục tiến hành đầu tư/M&A nhà máy mới của Đạm Cà Mau diễn ra trong bối cảnh các tài sản cố định hiện hữu đang trong giai đoạn cuối của chu kỳ đầu tư khi giá trị tài sản sẽ hết khấu hao trong khoảng hơn một năm tới.

Mới đây, Công ty CP Phân bón dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau) đã hoàn thành giao dịch mua 100% phần vốn góp tại công ty Phân bón Hàn Việt (KVF) – một bước tiến quan trọng trong kế hoạch tăng cường tái đầu tư phục vụ tăng trưởng mới của công ty.

Phân bón Hàn Việt hiện có vốn điều lệ hơn 2.050 tỷ đồng do Tập đoàn Teakwang sở hữu với nhà máy sản xuất phân NPK tại TP.HCM, công suất thiết kế 360.000 tấn NPK/năm, tổng vốn đầu tư hơn 60 triệu USD.

Thương vụ M&A khởi động kế hoạch 1.580 tỷ đồng của Đạm Cà Mau
Toàn cảnh nhà máy Phân bón Việt Hàn. Ảnh: KVF

Thương vụ này kỳ vọng tăng hơn gấp đôi công suất hoạt động của Đạm Cà Mau, giúp thâm nhập thị trường NPK ở Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và miền Trung (trong khi nhà máy NPK hiện tại chủ yếu phục vụ nhu cầu tại khu vực Tây Nam Bộ và Campuchia). Tại khu vực Tây Nam Bộ, Đạm Cà Mau chiếm đến 61% thị phần.

Bên cạnh đó, khu vực nhà máy còn được sử dụng làm kho chứa nguyên liệu, có thể giúp chủ động được nguồn nguyên liệu khá cạnh tranh để cung cấp cho nhà máy.

Về phía Đạm Cà Mau, công ty đang sở hữu nhà máy Đạm Cà Mau có khả năng sản xuất Ure hạt đục duy nhất trong nước với công suất 800.000 tấn/năm, nhà máy NPK Cà Mau với công suất 300.000 tấn/năm.

Sắp tới, công ty cũng sẽ triển khai dự án Nhà máy sản xuất phân bón Cà Mau – Bình Định với quy mô 3ha tại khu công nghiệp Long Mỹ, TP Quy Nhơn, vốn đầu tư 120 tỷ đồng, giúp tăng cường sản lượng trong nước cũng như xuất khẩu.

Nhà máy này có chức năng sản xuất, phối trộn các loại phân bón cao cấp như NPK+TE công suất 50.000 tấn/năm; đóng gói thành phẩm 50.000 tấn/năm các loại phân bón khác cũng như lưu trữ, kinh doanh phân bón/nguyên vật liệu sản phẩm phân bón khoảng 150.000 tấn/năm. Dự án dự kiến hoạt thành vào khoảng quý IV/2024 - đầu năm 2025.

Việc liên tục tiến hành đầu tư/M&A nhà máy mới của Đạm Cà Mau diễn ra trong bối cảnh các tài sản cố định hiện hữu đang trong giai đoạn cuối của chu kỳ đầu tư khi giá trị tài sản sẽ hết khấu hao trong khoảng hơn một năm tới.

Theo đó, tính tới 31/3/2024, giá trị tài sản cố định của công ty chỉ còn hơn 1.500 tỷ đồng, giảm gần 90% giá trị sau khoảng 12 năm đưa vào hoạt động, luôn duy trì trên 100% công suất và mang lại hàng nghìn tỷ đồng doanh thu hàng năm cho công ty.

Theo tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2024 sắp tới, Đạm Cà Mau dự kiến sẽ đầu tư khoảng 1.580 tỷ đồng trong năm 2024, qua đó tăng gấp đôi giá trị tài sản cố định hiện có.

Trong đó, công ty sẽ tiếp tục thực hiện 7 dự án chuyển tiếp (bao gồm M&A Nhà máy Phân bón Việt Hàn trị giá 600 tỷ đồng), triển khai 7 dự án mới và tìm kiếm cơ hội đầu tư 11 dự án khác. Số tiền đầu tư sẽ được tài trợ từ nguồn vốn tự có (910 tỷ đồng) và vốn vay/vốn khác (670 tỷ đồng).

Theo Chứng khoán Yuanta Việt Nam, biên lợi nhuận của Đạm Cà Mau dự kiến sẽ được cải thiện tích cực khi giá phân bón ure phục hồi nhờ giá khí đốt tăng trở lại, việc Trung Quốc cấm xuất khẩu phân bón ít nhất đến tháng 4/2024 trong khi nguồn cung ure trong nước vẫn đang hạn chế.

Bên cạnh đó, Hiệp hội Phân bón thế giới (IFA) dự báo tổng nhu cầu tiêu thụ phân bón có xu hướng tăng nhẹ khoảng 1,2% trong năm 2024, chủ yếu nhờ nhu cầu phân bón tăng ổn định 5 - 7% tại khu vực Nam Á và Mỹ Latinh.

Thêm nữa, thương vụ mua lại Phân bón Hàn Việt được Yuanta kỳ vọng là động lực tăng trưởng dài hạn của công ty trong bối cảnh Nhà máy Đạm Cà Mau đã luôn hoạt động trên 100% công suất.

Về triển vọng kinh doanh, Yuanta Việt Nam dự phóng trong năm nay, Đạm Cà Mau có thể ghi nhận doanh thu ở mức gần 15.000 tỷ đồng và lãi ròng đạt 2.510 tỷ đồng, lần lượt tăng 19% và 126% so với mức thực hiện của năm 2023.

Năm 2024, ban lãnh đạo Đạm Cà Mau đặt mục tiêu thận trọng với mức lãi sau thuế 795 tỷ đồng, giảm 43% so với năm trước. Sau quý đầu năm, công ty ghi nhận lãi sau thuế 349 tỷ đồng, thực hiện được 43% mục tiêu năm.