Doanh nghiệp sẽ thực sự ngấm đòn Covid-19 vào cuối năm 2020

An Chi - 14:42, 02/09/2020

TheLEADERTheo TS. Nguyễn Văn Minh, tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp sẽ tiếp tục khó khăn từ nay đến cuối năm. Phần lớn doanh nghiệp sẽ thực sự ngấm đòn Covid-19 nghiêm trọng do sự đứt gãy trong các hoạt động kinh tế.

Doanh nghiệp sẽ thực sự ngấm đòn Covid-19 vào cuối năm 2020
Hoạt động kinh doanh đìu hiu vì Covid-19

Nhận định về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, TS. Nguyễn Văn Minh, Viện trưởng Viện Kinh tế và thương mại quốc tế cho rằng, từ đầu năm 2020, dịch Covid-19 bùng phát mạnh trên phạm vi toàn cầu đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội.

Làn sóng dịch bệnh đã làm động lực sản xuất kinh doanh suy giảm. Trong đó, tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn và sẽ tiếp tục khó khăn hơn nữa trong từ nay đến cuối năm 2020.

Dẫn chứng từ số liệu của Tổng cục Thống kê, ông Minh cho biết, trong 6 tháng đầu năm, các ngành dịch vụ, du lịch, kho bãi, kinh doanh bất động sản đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh. 

Số liệu thống kê 6 tháng năm 2020, cả nước có hơn 29.000 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, tăng 38,2% so với cùng kỳ năm 2019, 19,6 nghìn doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể, 7,4 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể.

Đáng chú ý, số doanh nghiệp đăng ký mới trong 6 tháng đầu năm chỉ đạt 62 nghìn doanh nghiệp, giảm 7,3% so với cùng kỳ. Riêng tháng 4/2020, cả nước chỉ có 7.900 doanh nghiệp đăng ký mới, giảm 47%. 

"Dịch bệnh đang khiến cho các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ gần như tê liệt. Nền kinh tế và các doanh nghiệp đang gồng mình chống chọi trong đại dịch Covid-19. Nếu dịch bệnh còn kéo dài, hoạt động của các doanh nghiệp sẽ ngày càng khó khăn", ông Minh nhận định.

Dưới tác động tiêu cực của đại dịch, ông Minh chia các doanh nghiệp trong nền kinh tế thành 4 nhóm dựa trên tình hình hoạt động và sức chống chịu vượt qua khó khăn.

Theo đó, nhóm thứ nhất là những doanh nghiệp phá sản. Ngay giai đoạn đầu của dịch Covid-19 đã có nhiều doanh nghiệp phá sản. Thực chất đây là những doanh nghiệp đã có sẵn bệnh nền, do đó đến khi gặp dịch Covid-19 thì không gượng dậy được.

Nhóm thứ hai là những doanh nghiệp nằm im chờ thời cơ. Nhóm doanh nghiệp này có nguồn lực nhưng không hoạt động, hoặc hoạt động không hiệu quả nên quyết định tạm dừng hoạt động.

Nhiều doanh nghiệp hiện nay chọn phương án này. Tuy nhiên theo ông Minh, nếu cứ tiếp tục nằm im khi làn sóng dịch thứ hai bùng phát thì nhóm này có nguy cơ chuyển lên nhóm phá sản.

Nhóm thứ ba vẫn duy trì hoạt động, tuy không tăng trưởng hoặc có tăng trưởng từ 1 - 3% song đây là những doanh nghiệp có sức chống chịu tốt, thích ứng được với tình hình dịch bệnh.

Nhóm thứ tư là những doanh nghiệp tăng trưởng tốt. Đây thường là những doanh nghiệp trong ngành nghề được ưu tiên, có điều kiện phát triển tốt trong mùa dịch như trang thiết bị y tế, nhu yếu phẩm, thương mại điện tử. 

Những doanh nghiệp này có mức tăng trưởng rất cao, từ 10% đến vài chục phần trăm, thậm chí có những doanh nghiệp tăng trưởng gấp đôi chỉ trong một thời gian ngắn. 

Tuy vậy, theo ông Minh, nhìn chung, các nhóm doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với hiện thực là nền kinh tế đang thấm dần ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Dịch bệnh càng kéo dài, hoạt động kinh doanh sẽ ngày càng khó khăn.

Theo đó, ngay cả các doanh nghiệp có hoạt động tốt trong dịch bệnh ở thời điểm hiện tại thì từ nay đến cuối năm, rất có thể,các doanh nghiệp này sẽ chứng kiến sự thấm đòn Covid-19 do sự đứt gãy trong hoạt động kinh doanh từ phía nhà cung cấp và thị trường.

Nguyên nhân của thực trạng này được ông Minh chỉ ra tại hội thảo "Doanh nghiệp trong mùa dịch Covid-19 - tác động và hành động" là do dịch Covid-19 đang khiến các doanh nghiệp đang đối mặt với 3 hiện thực. 

Thứ nhất, nền kinh tế đang thấm dần những ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19. Trong khi dịch bệnh này chưa có vacxin, chưa miễn dịch cộng đồng, mỗi làn sóng trở lại như tại Đà Nẵng thời gian vừa qua sẽ tạo bất ổn rất lớn, làm suy giảm nền kinh tế.

Thứ hai, dịch bệnh khiến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp ngày càng khó khăn do đứt gãy các chuỗi sản xuất kinh doanh không dễ hồi phục. Đặc biệt là những đứt gãy lớn từ phía nhà cung cấp và nguồn cầu từ thị trường do người dân thắt chặt chi tiêu.

Với tình hình như hiện nay, vào khoảng từ tháng 9 đến tháng 11, các doanh nghiệp dù đang cầm cự qua dịch hay đang có kết quả kinh doanh tốt cũng sẽ thực sự thấm đòn Covid-19.

Thứ ba, theo ông Minh, dấu hiệu của lạm phát sẽ xuất hiện do Chính phủ đưa ra các gói kích cầu cứu nền kinh tế. Điều này sẽ làm suy kiệt nguồn cầu và hành vi tiêu dùng của người dân sẽ thay đổi.

Đưa ra lời khuyên cho các doanh nghiệp trong bối cảnh hiện tại, theo ông Minh: "Dịch bệnh chính là phép thử đối với sức khoẻ của doanh nghiệp. Đẳng cấp của một quốc gia thể hiện là quốc gia đó sản xuất được gì, đẳng cấp của một doanh nghiệp cũng vậy. Muốn vượt qua khủng hoảng, doanh ngiệp phải dựa vào nội lực, nỗ lực hết sức, củng cố lĩnh vực cốt lõi của mình".

“Muốn hồi phục nhanh phải khỏe. Muốn khỏe thì phải lo sức khỏe doanh nghiệp tốt. Đầu tiên phải bảo vệ để dịch Covid-19 không vào được công ty mình. Sau đó lo đến vấn đề dòng tiền, chuỗi cung ứng, sản phẩm mới và chất lượng đội ngũ. Các doanh nghiệp cần nghĩ rằng đây chính là khoảng thời gian để họ chuẩn bị nguồn lực để vượt qua khủng hoảng và phát triển tăng tốc trong tương lai”, ông Minh chia sẻ.

Bên cạnh những khó khăn, ông Minh cho rằng, Covid-19 cũng tạo cơ hội thay đổi số phận của các doanh nghiệp. Nếu có sức khoẻ tốt và chiến lược rõ ràng, sau dịch bệnh, doanh nghiệp sẽ có thể phát triển bứt phá, trở nên mạnh mẽ hơn.