EVFTA mang lại lợi ích lớn cho người lao động

Nhật Hạ - 08:59, 15/02/2020

TheLEADEREVFTA được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều việc làm hơn cho người lao động Việt Nam. Đồng thời, việc làm sẽ bền vững hơn, thu nhập cao hơn.

EVFTA mang lại lợi ích lớn cho người lao động
EVFTA giúp tăng thêm việc làm khoảng 146.000/năm tại Việt Nam.

Ngoài những lợi ích kinh tế, Hiệp định EVFTA cũng hướng tới việc thúc đẩy phát triển bền vững ở cả Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU). Hiệp định chú trọng tới tính bền vững trong lao động, xã hội và môi trường. Do vậy, giống như các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới khác, EVFTA có một chương riêng về thương mại và phát triển bền vững.

Cụ thể, Chương 13 về thương mại và phát triển bền vững trong EVFTA nêu rõ yêu cầu Việt Nam và EU “tái khẳng định cam kết của mình, phù hợp với các nghĩa vụ trong khuôn của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) và Tuyên bố của ILO về các nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động” năm 1998, sẽ tôn trọng, thúc đẩy và thực thi hiệu quả các nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động.

Các quyền này bao gồm tự do hiệp hội và công nhận một cách thực chất quyền thương lượng tập thể; chấm dứt mọi hình thức lao động cưỡng bức hoặc ép buộc; loại bỏ một cách hiệu quả lao động trẻ em; và chấm dứt phân biệt đối xử về việc làm và nghề nghiệp.

Theo Bộ Kế hoạch và đầu tư, EVFTA giúp tăng thêm việc làm khoảng 146.000/năm, tập trung vào những ngành thâm dụng lao động và có tốc độ xuất khẩu cao sang thị trường EU. 

Mức tăng thêm việc làm trong một số ngành dự kiến như sau: dệt may tăng 71.300 vào năm 2025 và 72.600 vào năm 2030 mức tăng tương ứng so với năm 2018 là 2,3% và 2,4%; ngành da giày có tốc độ tăng việc làm là 3,1%, 4,3% và 3,8% vào các năm 2020, 2025 và 2030.

Tại tọa đàm với chủ đề ‘EVFTA – Hành trình một thập kỷ nỗ lực không ngừng nghỉ” diễn ra hôm nay, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam nhận định, "Hiệp định EVFTA có hiệu lực, người lao động sẽ có lợi rất nhiều".

“Họ sẽ có thêm việc làm; việc làm sẽ bền vững hơn; người lao động sẽ có thu nhập cao hơn. Ở một góc độ khác, luân chuyển lao động giữa hai khu vực với nhau cũng sẽ được thực hiện nhất là với những tiêu chuẩn rất cao của EU thì người lao động chắc chắn sẽ được làm việc trong một điều kiện an toàn hơn”, theo ông Hiểu.

Một đặc trưng cơ bản của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đó là đưa những tiêu chuẩn rất mới gắn với quyền con người với các vấn đề xã hội và vấn đề quản trị quốc gia đưa vào hiệp định.

Trong đó, vấn đề tiêu chuẩn lao động cũng được xác định là một trong những vấn đề lớn kể cả CPTPP hay EVFTA, đây là những điều khoản gần như cuối cùng để thống nhất được trước khi kết thúc đàm phán.

Ông Hiểu cho biết, đối với điều khoản về tiêu chuẩn lao động, việc công đoàn Việt Nam chấp nhận phải cạnh tranh với tổ chức khác sẽ tạo nên thách thức nhưng cũng vừa là cơ hội để đổi mới, nâng cao năng lực.

Như vậy, với việc cho phép ra đời tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở ngoài công đoàn truyền thống, công đoàn là tổ chức đầu tiên và có lẽ là duy nhất đối diện với đa tổ chức trong hệ thống chính trị của Việt Nam. Đây là một vấn đề chưa có tiền lệ trong 90 năm qua. 

Trong khi đó, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) chia sẻ, vấn đề mà Ủy ban thương mại châu Âu quan tâm nhất là quan hệ lao động. Họ cho rằng nếu Việt Nam áp dụng tiêu chuẩn lao động thấp hơn các nước khác, có nghĩa là cạnh tranh không bình đẳng.

Trước đó, Giám đốc Tổ chức lao động quốc tế (ILO) Việt Nam, Chang-Hee Lee đã nhận định, “Thời gian qua, trên thế giới ngày càng có nhiều quan ngại dựa trên bằng chứng rằng tự do thương mại có thể làm trầm trọng thêm thực trạng bất bình đẳng giữa các quốc gia và bản thân trong một quốc gia, và có thể có hại cho môi trường. Các FTA thế hệ mới cố gắng giải quyết thách thức về phát triển bền vững này bằng cách đưa vào các yêu cầu về tiêu chuẩn lao động và môi trường”.

Theo Giám đốc ILO tại Việt Nam, các yêu cầu về lao động và môi trường của EVFTA sẽ giúp mang lại lợi ích cho tất cả các bên, góp phần giúp Việt Nam phát triển bền vững bằng cách tránh “cuộc đua xuống đáy” và đảm bảo rằng tăng trưởng hiện tại sẽ không phải trả giá bằng các cơ hội của thế hệ tương lai.”

Theo ông Chang-Hee Lee, việc gia nhập EVFTA và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là cơ hội tạo điều kiện cho Việt Nam hiện đại hóa hệ thống pháp luật lao động và quan hệ lao động.

Việt Nam hiện đã phê chuẩn sáu trong tổng số tám công ước cơ bản của ILO. Công ước số 98 về Quyền tổ chức và thương lượng tập thể là công ước mới nhất được phê chuẩn, được Quốc hội bỏ phiếu thông qua vào tháng 6/2019.

Các thủ tục để phê chuẩn tiếp hai công ước cơ bản còn lại đang được tiến hành gồm Công ước số 105 về Xóa bỏ lao động cưỡng bức (dự kiến phê chuẩn trong năm 2020) và Công ước số 87 về Tự do hiệp hội và bảo vệ quyền tổ chức (dự kiến trong năm 2023).

Ngoài ra, việc thông qua Bộ luật Lao động sửa đổi vào tháng 11/2019 đã đưa khung pháp lý của đất nước tiệm cận hơn với các công ước cơ bản của ILO, tạo ra một môi trường pháp lý cần thiết cho quan hệ lao động và quan hệ việc làm hiện đại của Việt Nam.

“Quan hệ lao động hiện đại dựa trên sự công nhận tự do hiệp hội, cùng với một lực lượng lao động lành nghề hơn và hệ thống an sinh xã hội hiệu quả, là động lực xã hội quan trọng để Việt Nam tiến tới trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao một cách bền vững”, ông Chang-Hee Lee nhấn mạnh.

Trước đó, vào 18h ngày 12/2 theo giờ Việt Nam, tại phiên toàn thể diễn ra tại Strasbourg, Pháp, Nghị viện châu Âu (EP) đã bỏ phiếu phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) giữa EU và Việt Nam. 

Quốc hội Việt Nam dự kiến sẽ bỏ phiếu thông qua EVFTA trong phiên họp sắp tới vào tháng 5/2020. Nếu được thông qua, thỏa thuận sẽ có hiệu lực trong vòng một tháng sau khi hai bên Việt Nam và EU có thông báo chính thức về việc đã hoàn thành các quy trình pháp lý.

EVFTA được Ủy ban châu Âu mô tả là thỏa thuận tự do thương mại tham vọng nhất từng được ký kết với một quốc gia đang phát triển.

Ngoài ra, Ủy ban châu Âu nhận định Việt Nam có một nền kinh tế phát triển nhanh và cạnh trạnh, trong 10 năm qua thương mại hai chiều với EU đã tăng gấp 5 lần. Đến năm 2035, Ủy ban châu Âu tính toán thỏa thuận thương mại tự do này dự kiến có khả năng nâng kim ngạch xuất khẩu của EU thêm 15 tỷ Euro/năm.

Trong khi đó, theo tính toán của Bộ Kế hoạch và đầu tư, EVFTA sẽ góp phần giúp GDP của Việt Nam tăng thêm ở mức bình quân 2,18 – 3,25% trong giai đoạn đến năm 2023, 4,57 – 5,3 % trong bốn năm tiếp theo và 7,07 – 7,72% trong 2029 – 2033.

Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được hưởng lợi mạnh mẽ, dự kiến tăng thêm gần 43% vào năm 2025 và khoảng 44% vào năm 2030 so với kịch bản không có EVFTA.