EVN có tân tổng giám đốc

Trần Anh - 12:33, 01/12/2023

TheLEADERQuyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Anh Tuấn làm Tổng giám đốc EVN để thay thế ông Nguyễn Đình Nhân.

EVN có tân tổng giám đốc
Ông Nguyễn Anh Tuấn, tân Tổng giám đốc EVN. Ảnh: EVN Hà Nội.

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), ngày 30/11, ông Đặng Hoàng An, Chủ tịch HĐTV EVN đã ký ban hành quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Anh Tuấn giữ chức vụ Tổng giám đốc EVN từ ngày 1/12. 

Theo quyết định này, thời gian bổ nhiệm ông Nguyễn Anh Tuấn có thời hạn 5 năm.

Ông Nguyễn Anh Tuấn có trình độ chuyên môn kỹ sư điện, có bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh, trình độ cử nhân chính trị và có hơn 30 năm công tác trong ngành điện, chủ yếu tại Tổng công ty Điện lực Hà Nội (nay là EVNHANOI). Từ tháng 10/2019 đến nay, ông Tuấn giữ vai trò Chủ tịch HĐTV EVNHANOI.

Quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Anh Tuấn làm Tổng giám đốc EVN để thay thế ông Nguyễn Đình Nhân.

Trước đó, tháng 7, Bộ Công thương đã công bố kết luận thanh tra về về quản lý, vận hành cung cấp điện của (EVN) khi để xảy ra tình trạng thiếu điện cục bộ ở khu vực miền Bắc gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến đời sống của người dân, hoạt động sản xuất, kinh doanh và môi trường thu hút đầu tư.

Trong kết luận này, Bộ Công thương yêu cầu EVN phải tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm đối với ban tổng giám đốc, các ban tham mưu, đơn vị thành viên và cá nhân, tập thể có liên quan.

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10, đại diện Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, cho biết quá trình kiểm điểm, xử lý kỷ luật tại EVN liên quan đến kết luận thanh tra đã cơ bản hoàn tất.

Theo đó, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đang phối hợp với Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương chỉ đạo EVN ban hành các quyết định kỷ luật cán bộ, kỷ luật đảng viên.

Cụ thể, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã có đề xuất kỷ luật khiển trách đối với nguyên chủ tịch HĐTV Dương Quang Thành; thành viên HĐTV kiêm tổng giám đốc EVN Trần Đình Nhân; phó tổng giám đốc EVN Ngô Sơn Hải và giám đốc, phó giám đốc Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia.

Ngoài tình trạng thiếu điện, hoạt động kinh doanh của EVN trong giai đoạn vừa qua cũng không tốt. Báo cáo của Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp ghi nhận EVN lỗ hơn 28.700 tỷ đồng sau 8 tháng năm 2023. Trước đó, trong năm 2022, EVN cũng ghi nhận lỗ ròng 26.500 tỷ đồng.

Để giảm bớt các áp lực tài chính, EVN đã liên tiếp đề xuất tăng giá điện. Sau khi điều chỉnh tăng 3% vào ngày 4/5/2023, EVN tiếp tục tăng 4,5% giá bán lẻ điện bình quân vào ngày 9/11.

Như vậy, kể từ đầu năm đến nay, EVN đã hai lần tăng giá bán lẻ điện bình quân, tổng mức tăng là 7,5%, tương đương giá trị tăng thêm là hơn 142,35 đồng/kWh.

Trong một diễn biến liên quan, vào tháng 9/2023, Bộ Công thương đã có tờ trình gửi Thủ tướng về dự thảo quyết định thay thế quyết định 24/2017 về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân.

Tại dự thảo, EVN đề xuất đưa các khoản lỗ, chênh lệch tỷ giá chưa được phân bổ vào các chi phí khác trong công thức tính giá điện.

Ngoài ra, EVN cũng đề xuất giá điện có thể điều chỉnh nhiều lần trong năm, tránh giật cục. Cụ thể, chu kỳ điều chỉnh sẽ rút ngắn từ 6 tháng xuống 3 tháng, mỗi lần điều chỉnh ở mức dưới 5% để EVN được tự quyết định tăng hoặc giảm giá điện ở mức này.