Gemadept lãi kỷ lục 2.220 tỷ đồng

Dũng Phạm - 12:28, 15/02/2024

TheLEADERNhờ khoản lãi gần 1.850 tỷ đồng từ thương vụ thoái vốn Cảng Nam Hải Đình Vũ, Gemadept lãi ròng hơn 2.220 tỷ đồng cao nhất trong lịch sử hoạt động của công ty.

Công ty CP Gemadept công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2023 với kết quả kinh doanh ít biến động so với cùng kỳ. Theo đó, doanh thu thuần của Gemadept giảm 3% về 1.034 tỷ đồng.

Dù lãi trong công ty liên doanh, liên kết tăng gấp đôi cùng kỳ, đạt gần 140 tỷ đồng nhưng các chi phí hoạt động cũng tăng mạnh. Điều này khiến lợi nhuận sau thuế của công ty giảm hơn 10% so với cùng kỳ, đạt 191tỷ đồng.

Hiện tại, Gemadept đang rót vốn vào 16 công ty liên doanh liên kết, tập trung chủ yếu vào Công ty CP Cảng Cái Mép - Terminal Link (chủ đầu tư của Cảng Gemalink - cảng có quy mô lớn nhất trong cụm cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải). Khoản đầu tư này đã đem về cho Gemadept hơn 101 tỷ đồng lợi nhuận tính tới hết năm 2023.

Trong nhóm công ty liên doanh, liên kết, Công ty TNHH CJ Gemadept Logistics Holdings và Công ty CP Dịch vụ hàng hóa Sài Gòn mang về cho Gemadept lợi nhuận nhiều nhất với hơn 450 tỷ đồng từ thời điểm đầu tư tính tới hết năm ngoái.

Lũy kế năm 2023, doanh thu thuần của Gemadept đạt gần 3.850 tỷ, giảm nhẹ so với năm 2022. Trong đó chiếm 76% là đến từ hoạt động khai thác cảng còn lại là logistics và cho thuê văn phòng.

Dù vậy, nhờ khoản lãi từ thương vụ thoái vốn Cảng Nam Hải Đình Vũ cho Viconship (cuối tháng 5/2023) nên Gemadept lãi ròng hơn 2.220 tỷ đồng, cao nhất trong lịch sử hoạt động của công ty.

Với kế hoạch doanh thu hợp nhất 3.920 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 1.136 tỷ đồng, công ty đã thực hiện được 98% kế hoạch doanh thu và gấp gần 2,8 lần mục tiêu lợi nhuận năm 2023.

Tại buổi hội thảo về ngành cảng biển năm 2024 do Công ty Chứng khoán HSC tổ chức vừa qua, ông Nguyễn Thanh Bình, Tổng giám đốc Gemadept nhận định rằng 2024 dù tình hình vẫn còn khó khăn nhưng sẽ có những dấu hiệu tích cực hơn và sản lượng có thể tăng nhẹ.

Theo dự báo của các tổ chức quốc tế, sản lượng container vận chuyển toàn cầu năm 2023 giảm 0,3% nhưng sang năm 2024 dự báo tăng 3-4%. Ba thị trường lớn của Việt Nam là Mỹ, châu Âu, Trung Quốc kỳ vọng sẽ có sự tăng trưởng hơn năm nay. 

Đồng thời, nhà nước cũng có một số động thái tích cực cho logistics, cảng biển như đẩy mạnh đầu tư công, đầu tư các hệ thống giao thông kết nối…

Vị lãnh đạo Gemadept kỳ vọng Việt Nam vẫn là quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao nhất Đông Nam Á nên dù còn nhiều khó khăn và bất lợi từ quốc tế thì năm 2024 triển vọng vẫn tốt hơn.

Ngoài ra, bà Bùi Thị Thu Hương, Giám đốc tài chính Gemadept cho biết năm 2024, công ty sẽ tiếp tục triển khai dự án trọng điểm Gemalink (tại Cái Mép – Thị Vải) để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của thị trường. Sau khi hoàn thành xong giai đoạn 2, đây sẽ là cảng nước sâu lớn nhất cả nước với diện tích 72 ha, công suất hoạt động 3 triệu TEUs/năm.

Còn cảng Nam Đình Vũ giai đoạn 3 khi đưa vào khai thác sẽ là cụm cảng sông lớn nhất miền Bắc có thể đón được các tàu feeder (tàu trung chuyển, chở hàng cỡ trung bình), tàu nội Á lớn nhất khu vực cảng sông, với diện tích 65ha, tổng công suất thiết kế ba giai đoạn là 2 triệu TEUs và 3 triệu tấn/năm.

Về thực tế thị trường, hoạt động xuất nhập khẩu tháng 1/2024 đã cho thấy những dấu hiệu phục hồi, dẫn đến hàng hóa thông qua cảng biển cũng dần lấy lại đà tăng trưởng. Do đó, Công ty Chứng khoán Shinhan (SSV) kì vọng kết quả kinh doanh của Gemadept sẽ khôi phục trở lại nhờ phí dịch vụ ước tính tăng từ 5 - 8% trong năm 2024.

Bên cạnh đó, sản lượng hàng hóa qua cảng sẽ tăng 8% do giai đoạn 2 của cảng Nam Đình Vũ sẽ chạy tối đa công suất và Gemalink khai thác thêm tuyến dịch vụ mới.