Kỳ vọng đưa Việt Nam trở thành trung tâm logistics Đông Nam Á

Phạm Sơn - 11:09, 19/02/2021

TheLEADERTheo ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch công ty logistics (Starlinks), nhiều doanh nghiệp đang đầu tư hàng tỷ USD với mong muốn đưa Việt Nam trở thành trọng điểm logistics của khu vực, tận dụng những thành tựu của chuyển đổi số.

Kỳ vọng đưa Việt Nam trở thành trung tâm logistics Đông Nam Á
Cảng Cát Lái xác lập kỷ lục giải phóng hàng trên tàu của Đông Nam Á.

Từ “nỗi đau” logistics

“Nhập CIF xuất FOB” từ nhiều năm nay đã trở thành nỗi đau của ngành logistics Việt Nam, khi các doanh nghiệp nội vẫn ưu tiên lựa chọn dịch vụ logistics từ nước ngoài bởi không đánh giá cao chất lượng nội địa.

Những yếu tố gây ra “nỗi đau” này có thể kể đến như chi phí cao, mạng lưới tắc nghẽn, quy trình thiếu hiện đại. Phòng Thương mại Úc tại Việt Nam (Auscham) đánh giá, cơ sở hạ tầng Việt Nam đã được chú trọng đầu tư phát triển nhưng thiếu đi tính liên kết, gây cản trở dịch vụ logistics.

Phụ thuộc nhiều vào hoạt động thương mại quốc tế, thị trường Việt Nam là một miếng bánh tiềm năng cho dịch vụ logistics. Tuy nhiên, miếng bánh này dường như chỉ có một phần nhỏ được dành cho doanh nghiệp nội. Auscham cho biết, 25 doanh nghiệp logistics thuộc khu vực FDI đang hoạt động tại Việt Nam đang chiếm phần lớn thị phần.

Các đơn hàng lớn, giá trị gia tăng cao cũng như nhóm nhân sự chất lượng cao tầm trung và cao cấp cũng bị thu hút chủ yếu vào nhóm doanh nghiệp này.

Bứt phá trong đại dịch

Logistics là ngành nghề chịu tổn thương nặng nề bởi sự đứt gãy chuối cung ứng và đình trệ trong thương mại, đầu tư. Tuy nhiên, nếu nhìn vào mặt sáng của bức tranh, logistics cũng đang nhận được nhiều cơ hội phát triển nhờ vào công nghệ số.

Cụ thể, nhiều doanh nghiệp logistics đã thể hiện được sức chống chịu và thích ứng phi thường khi nhanh chóng ứng dụng công nghệ, tận dụng giải pháp chuyển đổi số để hạn chế những tác dộng của đại dịch Covid-19.

Theo báo cáo của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), 58% doanh nghiệp logistics đã rút ngắn quy trình nhờ công nghệ, 82% doanh nghiệp thực hiện phương án làm việc từ xa. Các công nghệ như cảng điện tử (ePort), số hóa bộ chứng từ, dữ liệu lớn (bigdata), nhà kho thông minh (smart warehousing)… cũng đang dần được áp dụng rộng rãi.

Bên cạnh việc thích ứng với hoàn cảnh khó khăn, ngành logistics Việt cũng tạo ra được những bước tiến mang tính bứt phá. Ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Starlinks cho biết, Việt Nam hiện đã chiếm ngôi vị số 1 Đông Nam Á về giải phóng hàng trên tàu, với thời gian 6 phút 30 giây tại cảng Cát Lái, ngắn hơn gần gấp 3 lần so với kỷ lục 17 phút trước đó của Singapore, một trong những cường quốc logistics toàn cầu.

Vận hội mở ra cho năm 2021

Bước ra từ cơn khủng hoảng đa chiều, nền kinh tế Việt Nam được đánh giá sẽ phục hồi và bứt phá mạnh mẽ trong trung hạn, tuy vẫn còn nhiều yếu điểm mang tính cơ cấu cần được tháo gỡ.

Hoạt động giao thương, buôn bán, vận tải cũng tăng nhanh theo sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế. “Cuộc bùng nổ về mua sắm, đi lại năm 2021” sẽ mở ra những cơ hội mới, yêu cầu ngành logistics cần phải nỗ lực nắm bắt.

Cùng với đó, những yếu tố thuận lợi về nội tại của Việt Nam cũng sẽ là trợ lực quan trọng cho ngành logistics. Đó là hệ thống 9 cảng nước sâu, hệ thống giao thông vận tải đang từng bước được hoàn thiện, vị trí địa lý thuận lợi, lực lượng lao động dồi dào cũng như những thành tựu trong chuyển đối số và đổi mới sáng tạo.

Ông Thắng cho biết, các doanh nghiệp đang đổ hàng tỷ USD vào ngành logistics, quyết tâm thực hiện một cuộc cách mạng toàn diện cho ngành dịch vụ được ví như mạch máu của nền kinh tế, với ước vọng đưa Việt Nam, cùng những tiềm năng vốn có, sẽ trở thành trung tâm logistics của khu vực Đông Nam Á.

Để làm được điều này, bên cạnh những yếu tố về tốc độ, chi phí, sự an toàn cũng cần phải được đặt lên làm ưu tiên hàng đầu, đặc biệt là đối với các mặt hàng thực phẩm, sản phẩm chăm sóc sức khỏe.

Cải thiện và nâng tầm logistics, làm sao cho “hàng hóa phải nhanh, phải an toàn” sẽ là điều kiện tối quan trọng giúp các ngành kinh tế kiện toàn chuỗi cung ứng, cắt giảm chi phí, tiến tới phục hồi và phát triển nền kinh tế trong giai đoạn tới.