Lạng Sơn xin bổ sung hơn 4.600MW điện gió vào quy hoạch điện VIII

Nguyễn Cảnh - 13:16, 04/05/2022

TheLEADERUBND tỉnh Lạng Sơn vừa kiến nghị Thủ tướng xem xét bổ sung khoảng 4.600MW điện gió vào quy hoạch điện VIII.

Lạng Sơn xin bổ sung hơn 4.600MW điện gió vào quy hoạch điện VIII
Theo tính toán đến năm 2030, nếu tỉnh Lạng Sơn phát triển được khoảng 60% tiềm năng kỹ thuật thì sẽ đem lại giá trị từ điện gió khoảng 30.000 tỷ đồng/năm (ảnh minh họa)

Tỉnh Lạng Sơn cho biết, thời gian qua, nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đã đến tìm hiểu, khảo sát, mong muốn đầu tư xây dựng các dự án điện gió tại Lạng Sơn.

Các tên tuổi danh tiếng trong lĩnh vực này đã đề cập mong muốn đầu tư ở Lạng Sơn có thể kể đến như: Công ty CP đầu tư xây dựng Trung Nam, Công ty TNHH BayWa r.e. Wind Projects Việt Nam, Công ty CP LICOGI 16, Công ty CP Đầu tư EMI, Công ty CP Tập đoàn T&T, Công ty CP Tập đoàn Sovico, Công ty CP Tập đoàn Hà Đô,….

Tỉnh Lạng Sơn đã xem xét, chấp thuận cho 15 nhà đầu tư nghiên cứu, khảo sát, lập hồ sơ đề xuất 32 dự án điện gió với tổng công suất khoảng 4.600MW. Hiện một số đơn vị đã lắp đặt các cột đo gió để khảo sát chất lượng gió, đánh giá kết quả sơ bộ ban đầu rất khả quan về tiền năng, chất lượng phát triển điện gió.

Lạng Sơn cho rằng, đây là cơ hội rất tốt cho tỉnh và khu vực phía Bắc phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, phù hợp định hướng trong quy hoạch điện VIII về phân bổ nguồn cho từng vùng miền. Đồng thời, tỉnh cho biết đã chỉ đạo lập phương án phát triển điện gió để tích hợp quy hoạch tỉnh và quy hoạch điện VIII với định hướng đề xuất Lạng Sơn sẽ là trung tâm điện gió khu vực miền núi phía Bắc trong tương lai.

Xác định mục tiêu hình thành và phát triển “Trung tâm năng lượng tái tạo của Bắc Bộ”, tỉnh Lạng Sơn đề nghị Thủ tướng quan tâm, xem xét đưa vào Quy hoạch điện VIII chỉ tiêu khối lượng điện gió tỉnh Lạng Sơn đến năm 2030 với tổng công suất là 4.636MW của 32 dự án điện gió.

Đồng thời, tỉnh đề nghị bổ sung vào quy hoạch điện VIII các công trình lưới điện truyền tải 220kV và 500kV để đảm bảo truyền tải hết công suất các nguồn điện do địa phương đề xuất.

UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, từ số liệu về năng lượng gió của Viện Năng lượng Việt Nam, số liệu đánh giá tiềm năng các dự án điện gió hiện nay của Global Wind Atlas, chương trình hỗ trợ quản lý ngành năng lượng (ESMAP) của Ngân hàng thế giới, Trung tâm dự báo khí hậu trung hạn châu Âu (ECMWF), trong 17 tỉnh khu vực phía Bắc thì Lạng Sơn được đánh giá có tiềm năng tốt nhất cho phát triển điện gió.

Theo đó, Lạng Sơn có lượng gió trung bình 4,5-7m/s trên tổng diện tích khoảng 1.276 km2, tiềm năng kỹ thuật khoảng 6.500MW. Với quan điểm phát triển nguồn điện hiện nay theo Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị và dự kiến Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn tới năm 2045 (Quy hoạch điện VIII) là “Ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch”, thì đây là điều kiện rất tốt cho tỉnh Lạng Sơn và các nhà đầu tư có cơ hội nghiên cứu, phát triển điện gió thời gian tới.

Tính toán sơ bộ đến năm 2030, nếu tỉnh Lạng Sơn phát triển được khoảng 60% tiềm năng kỹ thuật thì sẽ đem lại giá trị từ điện gió khoảng 30.000 tỷ đồng/năm và đem lại nguồn thu bền vững cho ngân sách, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Như TheLEADER đã thông tin, thời gian qua ghi nhận hàng loạt tên tuổi lớn như Sovico, Trungnam Group, Hà Đô... liên tiếp đề xuất đầu tư các dự án điện gió quy mô lớn tại Lạng Sơn.

Đứng đầu về lượng dự án điện gió đề xuất khảo sát bổ sung vào quy hoạch điện VIII với tỉnh Lạng Sơn là Công ty CP Thủy điện Sử Pán 1 (với 3 dự án gồm: điện gió Hữu Kiên tại huyện Chi Lăng (30MW, sản lượng 84 triệu kWh/năm, tổng mức đầu tư 1.250 tỷ đồng, tiến độ từ tháng 3/2022 tới tháng 6/2024), điện gió Hữu Lân tại huyện Lộc Bình (30MW, 84 triệu kWh/năm, 1.250 tỷ đồng, thực hiện từ tháng 3/2022 tới tháng 6/2024), điện gió Chi Lăng (50MW, 2.100 tỷ đồng, từ tháng 12/2022 tới tháng 6/2025).

Trước đó, trong năm 2020, Công ty CP Thủy điện Sử Pán 1 từng đề xuất 2 dự án khác là điện gió Xuân Long tại huyện Cao Lộc (công suất 50MW, sản lượng 140 triệu kWh/năm, tổng vốn đầu tư 2.100 tỷ đồng) và điện gió Công Sơn tại huyện Cao Lộc (25MW, 70 triệu kWh/năm, 1.100 tỷ đồng).

Hồi đầu năm, Tập đoàn Sovico đề xuất thực hiện dự án điện gió Hữu Kiên (tại huyện Chi Lăng) với công suất 120MW, tổng mức đầu tư 4.870 tỷ đồng, sản lượng điện hàng năm khoảng 368 triệu kWh. Dự kiến, dự án sẽ đưa vào vận hành thương mại quý IV/2025.

Tương tự, là đề xuất xin chấp thuận chủ trương nghiên cứu, khảo sát đầu tư 3 dự án điện gió của Công ty CP Tập đoàn Hà Đô. Đích ngắm của doanh nghiệp gồm: điện gió Bắc Lãng tại huyện Đình Lập (diện tích khoảng 2.300ha, công suất 100MW), điện gió Lộc Bình tại huyện Lộc Bình (4.000ha, 100MW) và điện gió Bình Gia (3.700ha, 80MW). 

Lạng Sơn cũng là một trong các địa bàn mà Trungnam Group dành quan tâm đầu tư năng lượng tái tạo. Theo đó, tại 2 khu vực (huyện Đình Lập, Lộc Bình và Văn Quan), tập đoàn này xin tỉnh Lạng Sơn chấp thuận cho phép nghiên cứu, khảo sát tiếp cận để đề xuất bổ sung quy hoạch điện lực dự án điện gió quy mô 200MW, tổng mức đầu tư khoảng 8.000 tỷ đồng.