Mạng xã hội 500 triệu người dùng gia nhập thị trường Việt Nam

Việt Hưng - 17:06, 21/12/2018

TheLEADERBytedance, công ty đứng sau thành công của mạng xã hội TikTok được định giá 75 tỷ USD, vượt qua cả ứng dụng gọi xe Uber đã thành lập Trung tâm An toàn để hỗ trợ người dùng trong nước.

TikTok là một mạng xã hội video, còn được biết đến với tên gọi Douyin sau khi được công ty Bytedance mua lại. Vào tháng 6/2018, công ty này đã báo cáo số người dùng tích cực hàng tháng trên toàn cầu là 500 triệu ở trên 150 quốc gia. Con số này nhiều hơn so với Twitter và bằng một nửa so với Instagram. 

Càng ngày, TikTok càng trở nên phổ biến hơn khi mở rộng ra nhiều thị trường, đặc biệt là tại Đông Nam Á như: Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam. Tại Thái Lan, TikTok là ứng dụng được tải nhiều nhất trên App Store vào tháng 1/2018. Đến tháng 3, ứng dụng đạt 10 triệu lượt tải, tương đương 15% dân số nước này.

Và vừa mới đây, TikTok đã đặt một chân của mình vào thị trường Việt Nam, khi lần đầu tiên ra mắt Trung tâm An toàn và Hội đồng Đối tác An toàn của TikTok, nhằm mục tiêu hỗ trợ và đảm bảo sự an toàn cho người dùng ứng dụng.

Cụ thể, Trung tâm An toàn TikTok sẽ cung cấp các thông tin và tài liệu cần thiết để hỗ trợ người dùng khi họ gặp phải các vấn đề an toàn khi trải nghiệm ứng dụng tại Việt Nam. 

Bên cạnh việc cung cấp các chính sách và chuẩn mực cộng đồng, TikTok còn mang đến cho người dùng những công cụ hỗ trợ thiết yếu, giúp họ quản lý các hoạt động của chính mình trên nền tảng tốt hơn.

Ông Nguyễn Lâm Thanh - Giám đốc Chính sách công TikTok Việt Nam, cho hay: "TikTok đặt sự an toàn của người dùng lên hàng đầu, vì vậy chúng tôi luôn nỗ lực hết mình để mang đến cho người dùng sự an tâm cùng những trải nghiệm an toàn nhất".

Mạng xã hội 500 triệu người dùng của Trung Quốc vừa đặt một chân vào Việt Nam
Ông Nguyễn Lâm Thanh - Giám đốc Chính sách công TikTok Việt Nam

Về cơ bản, TikTok cho phép mọi người tạo video riêng của mình thuộc mọi thể loại: khiêu vũ, nhảy tự do, trình diễn… Tác giả tự do tưởng tượng và thể hiện bản thân. Nó cũng giúp nhanh chóng, dễ dàng tạo ra các video có độ dài chỉ 15 giây để chia sẻ với bạn bè và cả thế giới.

Bên cạnh đó, TikTok tích hợp vô số hiệu ứng đặc biệt, âm nhạc và sticker bằng công nghệ AI, tạo nên sự sống động cho video thông qua việc sử dụng phần mềm nhận diện chuyển động của cơ thể. Một trong các tính năng được ưa thích nhất là hát nhép, xuất hiện trên khắp các mạng xã hội.

Phía TikTok cho hay, lợi thế lớn nhất của mạng xã hội này là được thiết kế đặc biệt để sử dụng trên điện thoại thông minh, cho phép người dùng chuyển từ video này sang video khác bằng cách vuốt nhẹ màn hình cảm ứng.

Ngoài ra, ứng dụng cũng sử dụng trí thông minh nhân tạo và phân tích dữ liệu để tìm hiểu thị hiếu của người dùng, từ đó cung cấp cho họ luồng video được cập nhật liên tục. Ví dụ khi người dùng thích video về một chú chó, họ sẽ thấy những video về chó mèo hay động vật khác hiển thị nhiều hơn.

Bytedance, công ty đứng sau thành công của TikTok thành lập năm 2012. Bytedance gây sốt trên toàn thế giới khi được định giá 75 tỷ USD, tức là vượt cả ứng dụng gọi xe Uber. Đầu tháng này, công ty gọi vốn thành công 3 tỷ USD từ nhà đầu tư công nghệ Nhật Bản SoftBank thông qua quỹ Vision Fund và một số nhà đầu tư khác.