Nhiều địa phương 'khát' quỹ đất để thu hút đầu tư

Phạm Sơn - 11:45, 10/01/2021

TheLEADERThiếu quỹ đất để thu hút đầu tư đang là tình trạng chung của nhiều địa phương khi liên tục gửiđề án điều chỉnh bổ sung quy hoạch và chủ trương đầu tư phát triển dự án khu công nghiệp.

Nhiều địa phương 'khát' quỹ đất để thu hút đầu tư
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng thảo luận với các địa phương

Tổng kết hoạt động trong nhiệm kỳ 2016 – 2020 của ngành kế hoạch và đầu tư, nhiều địa phương đã kiến nghị Bộ Kế hoạch và đầu tư cần sớm hoàn thiện cơ chế vùng kinh tế, cơ chế phát triển quỹ đất để đáp ứng mục tiêu phát triển.

Về hoạt động kế hoạch đầu tư, ông Nguyễn Công Vinh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đề xuất Bộ Kế hoạch đầu tư cần nhanh chóng hoàn thiện cơ chế vùng kinh tế trọng điểm theo nghị quyết số 128/NQ-CP do Chính phủ ban hành, để “tạo cơ sở cho địa phương phát huy tiềm năng”.

Đồng quan điểm với đại diện tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, đại diện tỉnh Quảng Nam và Bắc Giang cũng mong muốn bộ thúc đẩy tiến độ lập quy hoạch vùng trong giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050 làm khung pháp lý để thực hiện các dự án lớn, cũng như giải quyết các khó khăn về chủ trương đầu tư trong thời kỳ chuyển tiếp quy hoạch.

“Khoản 3, điều 33 Luật Đầu tư nói về việc chấp thuận chủ trương đầu tư, có yêu cầu phải phù hợp với quy hoạch vùng, nhưng quy hoạch vùng chưa có thì căn cứ vào pháp lý nào để đánh giá”, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đặt vấn đề.

Tiếp nhận ý kiến của các địa phương, ông Đinh Trọng Thắng, Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch (Bộ Kế hoạch và đầu tư) cho biết, vấn đề về thời gian chuyển tiếp quy hoạch đã được quy định tại điều 59 của Luật Quy hoạch.

Về việc triển khai quy hoạch vùng, hiện nay đã có dự thảo quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long đã cơ bản được hoàn thiện và đang chờ ý kiến thẩm định của các ban, ngành và địa phương. 

Quy hoạch các vùng khác cũng đang được triến khai xây dựng, theo quy trình sẽ có sự thống nhất, thông báo với các địa phương về khung định hướng để địa phương có cơ sở trao đổi và thảo luận.

Bên cạnh đó, ông Lê Anh Quân, Phó chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng đưa ra ý kiến về dự kiến mức vốn đầu tư trung hạn (2021 – 2025) để các địa phương hoàn thiện chiến lược trong thời gian tới.

Ông Đỗ Thành Trung, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân (Bộ Kế hoạch và đầu tư) hồi đáp, kế hoạch đầu tư công trung hạn đang được xây dựng dựa trên những quy trình để đảm bảo hiệu quả, phù hợp với chiến lược kinh tế, xã hội, dự kiến sẽ được trình Chính phủ xem xét vào tháng 7.

Cần cơ chế linh hoạt trong tạo quỹ đất

2020 là năm vô cùng thành công của tỉnh Bắc Giang, trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn đạt được mức tăng trưởng GRDP 13%, dẫn đầu toàn quốc, nhờ vào hoạt động quy hoạch theo hướng công nghiệp hiện đại, làm thay đổi căn bản hình ảnh của địa phương.

Hướng tới năm 2021 với mục tiêu tiếp tục thúc đẩy công nghiệp công nghệ cao, đổi mới sáng tạo thông qua thu hút đầu tư có chọn lọc và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang cho biết, tỉnh đang gặp phải khó khăn liên quan đến quỹ đất.

Cụ thể, quỹ đất để thu hút đầu tư của tỉnh Bắc Giang hiện đang không còn, trong khi nhu cầu của nhà đầu tư vào địa bàn tỉnh vẫn rất cao. Bắc Giang đã trình Bộ Kế hoạch và đầu tư 2 đề xuất về vấn đề mở rộng quỹ đất và mong muốn sớm được thông qua.

Thực tế, "khát" quỹ đất đang là tình trạng chung của nhiều địa phương. Thời gian vừa qua, bộ đã tiếp nhận 37 đề án điều chỉnh bổ sung quy hoạch và 37 chủ trương đầu tư phát triển dự án khu công nghiệp.

Trả lời kiến nghị trên, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và đầu tư) cho biết, phần lớn đề án của địa phương đã được bộ trình lên Thủ tướng Chính phủ.

Các đề án, chủ trương còn tồn đọng đang vướng phải một số vướng mắc do hết chỉ tiêu sử dụng đất, hết chỉ tiêu chuyển đổi đất nông nghiệp, không đáp ứng được điều kiện về tỷ lệ lấp đầy hoặc liên quan đến đất quốc phòng.

Về các đề án, chủ trương không còn chỉ tiêu đất khu công nghiệp, bà Ngọc đề nghị địa phương xem xét, tích hợp phương án phát triển khu công nghiệp vào quy hoạch tỉnh.

Ngoài ra, bà Ngọc cũng thừa nhận một số quy định đang cứng nhắc, chưa linh hoạt, đặc biệt là quy định về tỷ lệ lấp đầy khu công nghiệp phải đạt 60%.