Những cơ hội lớn để biến Việt Nam thành “Trung tâm đồ nội thất thế giới”

Kim Yến - 11:35, 11/12/2018

Ngành gỗ vừa xuất khẩu 9 tỷ USD, tính đến cuối năm đạt 9,6 tỷ USD, tăng 16% so với 2017. Bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung và hai hiệp định EVFTA/CP TPP là những làn gió mới khiến cho cục diện đảo chiều, thị trường trị giá hơn 450 tỉ USD của thế giới đang rộng mở cho ngành gỗ Việt Nam xác lập vị thế mới.

Những cơ hội lớn để biến Việt Nam thành “Trung tâm đồ nội thất thế giới”
Hội nghị “Định hướng, giải pháp phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu"

Ngày 8/8, tại TP. HCM, chủ trì hội nghị “Định hướng, giải pháp phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đặt ra mục tiêu cụ thể cho ngành gỗ là kim ngạch xuất khẩu đến 2025 phải đạt 20 tỉ USD, cao hơn kế hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là 15 tỉ đến 2025.

Thực ra, khát vọng đó không chỉ xuất phát từ người đứng đầu chính phủ, mà chính các doanh nghiệp ngành gỗ xuất khẩu đã tự đặt ra cho mình, cùng nhau vận động, nỗ lực tự thay đổi mình, tác động vào chính sách.

Hội thảo chuyên sâu của ngành gỗ với chủ đề “Cơ hội từ thương mại Mỹ - Trung giữa hai làn hiệp định EVFTA/CPTPP và sự hình thành Trung tâm đồ nội thất thế giới tại Việt Nam” do HAWA tổ chức ngày 12/12 với sự đối thoại thẳng thắn giữa nhà quản lý và hơn 300 doanh nghiệp trong ngành gỗ đã thể hiện quyết tâm cao của các thành phần kinh tế trong cuộc đua khốc liệt này.

Những cơ hội lớn để biến Việt Nam thành “Trung tâm đồ nội thất thế giới”
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh (bên phải)

Thứ trưởng Bộ Công Thương, ông Trần Quốc Khánh khẳng định, xung đột thương mại Mỹ - Trung sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ nhưng đó mới chỉ là một phần trong những biến chuyển của kinh tế - thương mại trong thời gian tới. Bởi nếu cả hai hiệp định EVFTA và CPTPP đồng thời được đưa vào thực thi trong năm 2019, sẽ có tác động tương đối lớn tới sự phát triển của ngành gỗ xuất khẩu Việt Nam. 

Theo ông Trần Quốc Khánh, sản phẩm gỗ "Made in Vietnam" sẽ được tiếp cận thị trường EU, một trong những thị trường chủ chốt, và các thị trường mới như Canada, Mexico với mức thuế ưu đãi hơn các đối thủ cạnh tranh. 

"Với chất lượng đã được khẳng định, mức thuế ưu đãi này sẽ giúp ngành gỗ Việt Nam có được nhiều đơn hàng hơn. Nếu ngành gỗ quyết tâm nói không với gỗ bất hợp pháp, thực hiện nghiêm túc hiệp định FLEGT vừa ký với EU, đồng hành cùng người tiêu dùng trong chiến dịch bảo vệ môi trường và hướng tới phát triển bền vững, cơ hội thị trường sẽ còn lớn hơn nữa", ông Khánh nhận định.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Công thương cũng lưu ý, nếu chỉ nghĩ Việt Nam là nơi chống lẩn tránh của hàng hóa Trung Quốc sang Mỹ thì cơ hội này không nhiều. Mỹ đã từng có điều tra cùng với Bộ Công thương để phát hiện trường hợp lẩn tránh, đòi hỏi cơ quan quản lý hết sức chú ý chống lại hành vi này. Người tiêu dùng châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản hết sức quan tâm đến phát triển rừng. Do đó, Việt Nam cần thực thi nghiêm hiệp định về xuất xứ nguồn gỗ. 

"Hãy nghiêm túc thực hiện ý kiến của chính phủ, kiên quyết nói không với gỗ bất hợp pháp, xây dựng ngành gỗ có trách nhiệm với cộng đồng. Có những điều tưởng như cơ hội như cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, nhưng đầy rủi ro. Có hiệp định tưởng như bình thường như EVFTA/CP TPP, nhưng đầy cơ hội. Nói không với lẩn tránh, nói không với gỗ bất hợp pháp, thì không cần phải chú ý quá nhiều đến sự ảnh hưởng từ các hiệp định”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhấn mạnh.

Bên cạnh thu hút đầu tư, EVFTA/ CPTPP cũng sẽ giúp các doanh nghiệp sản xuất thay đổi định hướng cơ cấu thị trường xuất khẩu trong thời gian tới. EVFTA/ CPTPP sẽ mở đường cho sản phẩm Việt Nam hiện diện sâu vào những thị trường tham gia hiệp định như Canada, Australia, New Zeland, Nhật, Singapore, Mexico, Chile...

Những cơ hội lớn để biến Việt Nam thành “Trung tâm đồ nội thất thế giới” 1
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Hà Công Tuấn nhận xét, nội lực công nghiệp đồ gỗ và nội thất Việt Nam hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu của thị trường thế giới. Với làn sóng đầu tư công nghệ, thiết bị tự động hóa, trang bị quy trình quản lý bằng công nghệ thông tin kết hợp đầu tư cho công tác thiết kế, thương hiệu, đào tạo quản trị... thời gian qua, lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp chế biến gỗ đã được cải thiện rõ rệt. Việt Nam sẽ nỗ lực trong 7 - 8 năm nữa trở thành quốc gia đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu đồ gỗ nội thất, chỉ sau Trung Quốc.

Cũng theo ông Hà Công Tuấn, ngành gỗ Trung Quốc vốn không còn được Chính phủ chủ trương ưu ái phát triển, lại vướng những rào cản thương mại từ thị trường Mỹ leo thang, quốc gia đứng đầu xuất khẩu sản phẩm gỗ thế giới đang đánh mất dần lợi thế vào tay Việt Nam.

“Tôi rất vui khi thấy ngành công nghiệp chế biến gỗ hướng về xuất khẩu phát triển bền vững suốt 20 năm qua, giờ này đạt 9 tỷ USD Mỹ, cuối năm khoảng 9,5 tỷ USD, vượt cả kỳ vọng Thủ tướng. Ngành gỗ xuất khẩu Việt Nam hiện đứng đầu các nước trong khu vực, thứ hai châu Á và thứ năm trên thế giới; không sử dụng một tấc gỗ nào từ rừng tự nhiên, về cơ bản là gỗ an toàn pháp luật, bảo đảm môi trường, tìm kiếm nguồn nguyên liệu có chứng chỉ là cách chúng ta gia tăng giá trị và uy tín", ông Tuấn chia sẻ.

Ngày 16/11/2017, Quốc hội đã thông qua Luật Nông nghiệp, và chỉ còn vài ngày nữa sẽ có hiệu lực. Luật đã có sự thay đổi cơ bản, tạo môi trường cho chuỗi liên kết từ người trồng rừng, người khai thác, chế biến và sản xuất gỗ, liên kết giữa 4 nhà: nhà nông, nhà ngân hàng, khai thác và xuất khẩu, trong đó doanh nhân là chủ chốt trong bốn nhà này.

Lần đầu tiên Nhà nước có quy định sẽ hình thành bộ máy kiểm soát nguồn gốc của gỗ. Phát triển nhưng không đánh đổi thất thoát tài nguyên rừng bằng mọi giá, đóng cửa khai thác rừng tự nhiên.

Hiệp hội HAWA có 440 hội viên là chủ của những doanh nghiệp lớn ở Bình Dương và TP. HCM. Hiệp hội sẽ tiếp tục tuyên truyền vận động cho sự hình thành Trung tâm đồ nội thất thế giới tại Việt Nam.

"Chúng tôi xin cam kết các Bộ, ngành Trung ương quyết tâm đồng hành cao hơn cùng các doanh nghiệp trong ngành, lắng nghe ý kiến phản biện”, ông Hà Công Tuấn nói.

Ông Tim Liston – Phó tổng lãnh sự quán Mỹ tại Việt Nam cho biết, xu hướng đáng chú ý nhất hiện nay là việc dịch chuyển sản xuất của các doanh nghiệp chế biến gỗ Trung Quốc sang Việt Nam, mua lại nhà máy, công xưởng... để có thể tận dụng lợi thế "Made in Vietnam.

"Chỉ cần nắm được các nguyên tắc khi làm ăn tại thị trường Mỹ, doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp chế biến gỗ nói riêng chắn chắn sẽ có nhiều lợi thế bởi ngoài vị trí địa lý tương đồng, Việt Nam còn có thế mạnh đến từ các hiệp định thương mại của khu vực", Phó tổng lãnh sự quán Mỹ tại Việt Nam khẳng định, song cũng cảnh báo vấn đề "rửa" xuất xứ hàng hóa có thể gây ảnh hưởng không tốt cho hình ảnh của Việt Nam.

Làm thế nào để biến giấc mơ “World Furniture Center” thành hiện thực?

Những cơ hội lớn để biến Việt Nam thành “Trung tâm đồ nội thất thế giới” 2
Ông Nguyễn Quốc Khanh - Chủ tịch HAWA

Tham dự chương trình, hầu hết các doanh nghiệp trong ngành đều thể hiện quyết tâm chinh phục thế giới. Ông Nguyễn Quốc Khanh - Chủ tịch HAWA và Chủ tịch AA Corp, đơn vị từng thành công trong thị trường ngách là các dự án 4 đến 5 sao cho biết, với ngành gỗ, sẽ có thay đổi mạnh mẽ, bắt đầu từ sự dịch chuyển sản xuất từ các nước đến Việt Nam. 

"Nhiều cơ hội về thị trường đầu tư tài chính, thương mại, thiết kế, nguyên liệu, thiết bị, marketing… được hội tụ về Việt Nam. Những lực đẩy từ nhu cầu thế giới sẽ sớm đòi hỏi ngành chế biến gỗ Việt Nam phải phát triển hơn nữa để đáp ứng nhu cầu mới của thế giới.

Trả lời câu hỏi của ông Lý Quý Trung - CEO chuỗi Nhà Xinh và tập đoàn nội thất AKA, về việc tăng hàm lượng chất xám trong sản phẩm đồ gỗ Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cho biết, "chúng ta đang đi từng bước để hướng tới điều này, đầu tư rừng trồng, nâng cao giá trị gia tăng, phát triển công nghệ hỗ trợ; cao hơn nữa là đầu tư Trung tâm thiết kế, làm sao giá trị đồ gỗ cao hơn".

"Đây là quá trình đầu tư lâu dài, vượt khỏi tầm của bộ Công Thương, cần có sự tham gia của ngành giáo dục - đào tạo, để cung cấp đầu vào cho các trung tâm thiết kế", ông Khánh nói thêm.

Những cơ hội lớn để biến Việt Nam thành “Trung tâm đồ nội thất thế giới” 3
Chuyên gia kinh tế và Chủ tịch GIBC - ông Phạm Phú Ngọc Trai

Trao đổi về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Phạm Phú Ngọc Trai, Chủ tịch Công ty Tư vấn kinh doanh hội nhập toàn cầu (GIBC) cho biết,  tổng giá trị trong chuỗi sản xuất đồ gỗ trên thế giới là khoảng 140 tỷ USD trong khi giá trị hàng hóa tiêu dùng của người sử dụng tới hơn 450 tỷ USD, bao gồm giá trị của thương mại, thiết kế, phân phối, thương hiệu. 

"Nếu chúng ta định hướng lại câu chuyện của ngành chế biến gỗ theo con số 450 tỷ USD, tham gia cả khâu thiết kế, thương hiệu, thương mại, phân phối... thì rõ ràng, giá trị mà Việt Nam nhận được so với hiện tại sẽ là rất lớn", ông Trai nhận định.

Hướng đến mốc phát triển mới này, ông Phạm Phú Ngọc Trai cho rằng, Việt Nam nên tận dụng các lợi thế hội tụ hiện nay để sớm hình thành một Trung tâm đồ nội thất thế giới tại Việt Nam.

“Để trở thành trung tâm đồ nội thất quốc tế, đó phải là trung tâm thiết kế quốc tế, trung tâm triển lãm nội thất quốc tế, trung tâm thương hiệu quốc tế, trung tâm phân phối thương mại quốc tế và công nghiệp phụ trợ. Tuy nhiên, chúng ta còn hạn chế rất nhiều. Trung Quốc có hàng triệu mét vuông triển lãm giới thiệu các mặt hàng mới, có cả một công nghệ triển lãm quốc tế thu hút thế giới. Còn Việt Nam manh mún, nhất là TP. HCM. Tất cả doanh nghiệp Việt Nam đều có thể tận dụng chương trình này để có hành động giới thiệu ra thế giới, đặc biệt là các dịch vụ cho ngành gỗ", ông Trai phân tích.

Theo chuyên gia kinh tế đến từ GIBC, từ tầm nhìn muốn trở thành số 1 thế giới về đồ gỗ, cần biến nó thành chương trình hành động cụ thể, có chiến lược để tiếp nhận nó. Toàn ngành không được chủ quan, cơ bản đứng vững trên đôi chân của mình bằng chương trình hành động và chiến lược thực thi.