Ông Trịnh Văn Quyết đã bán cổ phiếu Bamboo Airways

Trần Anh - 10:08, 09/05/2023

TheLEADERMột hợp đồng chuyển nhượng cổ phần có hiệu lực từ 10/3/2023 được xác lập bởi ông Trịnh Văn Quyết và ông Lê Thái Sâm, thành viên HĐQT của FLC.

Tập đoàn FLC vừa công bố thông tin về việc bán toàn bộ cổ phần tại Bamboo Airways. Theo đó, FLC sẽ chuyển nhượng hơn 400 triệu cổ phần tại Bamboo Airways cho ông Lê Thái Sâm, thành viên HĐQT.

Đổi lại ông Lê Thái Sâm sẽ tài trợ không hoàn lại cho FLC một khoản tiền để FLC thực hiện các nghĩa vụ tài chính đến hạn và/hoặc giải chấp các tài sản thuộc sở hữu của FLC đang được cầm cố, thế chấp.

Giao dịch được thực hiện dưới hình thức Tập đoàn FLC ủy quyền toàn bộ và không hủy ngang trong mọi trường hợp quyền cổ đông của FLC tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông Bamboo Airways cho ông Lê Thái Sâm tương ứng với toàn bộ số cổ phần thuộc sở hữu của FLC tại Bamboo Airways.

Ông Sâm tham gia Hội đồng quản trị Tập đoàn FLC từ tháng 7/2022 và được giới thiệu là người am hiểu sâu sắc về môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam và có nhiều quan hệ hợp tác với các quỹ đầu tư, các tổ chức, tập đoàn kinh tế lớn. Đến tháng 8/2022, ông Sâm tiếp tục tham gia HĐQT của Bamboo Airways.

Được biết, trước khi tiếp nhận số cổ phần trên, ông Sâm cũng đã sở hữu hàng trăm triệu cổ phiếu Bamboo Airways từ các cổ đông khác. Số cổ phần này sau đó được ông Sâm thế chấp vào ngân hàng để đảm bảo cho các khoản vay.

Dựa trên giá trị của khoản vay và số lượng cổ phần được sử dụng để đảm bảo, ước tính mỗi cổ phiếu Bamboo Airways được ngân hàng định giá 3.000 đồng (so với mệnh giá 10.000 đồng).

Đáng chú ý, ông Sâm đã ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần của ông Trịnh Văn Quyết, cổ đông lớn nhất của Bamboo Airways theo công bố của hãng hồi tháng 6/2021, nắm giữ 56%. Hợp đồng có hiệu lực từ 10/3/2023, khoảng 1 năm sau khi ông Quyết vướng vào vòng lao lý.

Chi tiết về hợp đồng chuyển nhượng như số lượng cổ phần và giá trị không được công bố. Tuy nhiên quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng này cũng được ông Sâm thế chấp vào ngân hàng để đảm bảo cho nghĩa vụ nợ.

Ít ngày trước, Ngân hàng Quốc dân (NCB) cũng thông báo về việc chuyển nhượng 203 triệu cổ phiếu, tương đương 11% vốn của Bamboo Airways. Số lượng cổ phần này có nguồn gốc là một phần tài sản thế chấp của các khoản vay tại NCB.

Trên thực tế, ngoài NCB, ông Trịnh Văn Quyết và các cổ đông khác còn dùng cổ phần Bamboo Airways để làm tài sản đảm bảo cho các khoản vay tại nhiều ngân hàng khác như Sacombank.

Hôm nay, Bamboo Airways sẽ tổ chức cuộc họp ĐHCĐ bất thường lần thứ 2 để thông qua kế hoạch tăng vốn nhằm bổ sung nguồn lực tài chính cho hoạt động kinh doanh và tái cơ cấu các khoản nợ. 

Cụ thể, hãng hàng không dự định phát hành 772 triệu cổ phần, tương ứng mệnh giá 7.720 tỷ đồng để tái cấu trúc khoản vay, hoán đổi các khoản nợ thành cổ phần theo thoả thuận của chủ nợ với công ty. Giá phát hành và tỷ lệ hoán đổi dự kiến là 10.000 đồng một cổ phần, tương đương tỷ lệ 1:1, nghĩa là 10.000 đồng nợ được hoán đổi thành 1 cổ phần phát hành thêm. HĐQT Bamboo Airways xin đại hội đồng cổ đông uỷ quyền quyết định danh sách chủ nợ và khoản nợ được hoán đổi cổ phần.

Cùng với đó, Bamboo Airways cũng muốn phát hành thêm 185 triệu cổ phần, tương ứng mệnh giá 1.850 tỷ đồng cho nhà đầu tư mới. Toàn bộ số cổ phần phát hành thêm này được ưu tiên chào bán cho cổ đông hiện hữu của công ty theo tỷ lệ sở hữu hiện có với giá phát hành dự kiến 10.000 đồng/cổ phần.

Như vậy, tổng lượng cổ phần Bamboo Airways muốn phát hành thêm khoảng 957 triệu đơn vị, tương ứng số vốn tăng 9.570 tỷ đồng. Sau phát hành, số lượng cổ phần của hãng bay này dự kiến tăng lên hơn 2,8 tỷ, tương ứng vốn điều lệ trên 28.000 tỷ đồng.