Phó tổng giám đốc Vinasun Tạ Long Hỷ: 'Không có chuyện 8.000 tài xế nghỉ việc'

Giản Phúc - 07:05, 30/08/2017

TheLEADERTrao đổi với TheLEADER, ông Tạ Long Hỷ, Phó tổng giám đốc Vinasun khẳng định thông tin hơn 8.000 tài xế Vinasun nghỉ việc "Chỉ là tin đồn thất thiệt”.

Phó tổng giám đốc Vinasun Tạ Long Hỷ: 'Không có chuyện 8.000 tài xế nghỉ việc'
Ông Tạ Long Hỷ, Phó tổng giám đốc Vinasun Corp.

Theo ông Hỷ, thực tế các tài xế chỉ chuyển từ chế độ hợp đồng qua kiểu nhượng quyền. Số tài xế còn lại thấy hình thức hợp đồng còn tốt thì vẫn chạy tiếp. “Nếu số lượng lớn nhân viên như vậy nghỉ việc cùng lúc, liệu công ty còn tồn tại được không?”, ông đặt vấn đề.

Hình thức nhượng quyền được ông Hỷ gọi là chia sẻ quyền tự chủ kinh doanh với tài xế. Trước đây tài xế ăn chia doanh thu với công ty theo tỉ lệ 6/4, nhưng nếu tài xế đạt doanh thu từ 2.200.000 đồng/ngày thì được hưởng cao hơn mức 60%. Hiện tại, tài xế được khoán mỗi ngày 500.000 – 700.000 đồng, thấp hơn hình thức hợp đồng trước đây. Nếu vượt mức khoán này, tài xế được hưởng hết.

Cuối năm 2016, Vinasun có hơn 17.000 tài xế, trong đó hơn 8.000 tài xế chuyển qua hình thức nhượng quyền. Số còn lại chạy theo hình thức hợp đồng vẫn ăn chia với công ty theo tỉ lệ cũ. Tạm tính Vinasun thu khoán mỗi ngày trung bình 600.000 đồng, với hơn 8.000 tài xế và hơn 4.000 xe, Công ty sẽ thu được khoảng 2,4 tỉ đồng (mỗi xe chạy 1 ngày) và 72 tỉ đồng mỗi tháng – với riêng hình thức khoán.

Ông Hỷ cho rằng cách làm này không chỉ giúp Vinasun giảm chi phí nhân sự mà còn tiết kiệm được chi phí quản lý, điều cần thiết trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt hiện nay. Tuy vậy, tài xế chạy theo hình thức nhượng quyền vẫn được hỗ trợ các chi phí như cũ (sửa xe, bảo trì, đường bộ, phí bảo hiểm 32.000 đồng/mỗi tài xế/mỗi ngày…). 

Về phí bến bãi, ông Hỷ nói Vinasun chỉ thu “chút xíu” từ tài xế - khoảng 5.000 – 10.000 đồng/ngày. Ông cho biết, đây là cách làm có từ nhiều năm nay và nhiều hãng taxi vẫn làm thế.

Triển khai hình thức khoán nhằm giảm chi phí nhưng sâu xa hơn, là để chặn đứng đà tuột dốc doanh thu kể từ năm 2016 đến nay. Mặt khác, hình thức này giúp Vinasun tăng sức cạnh tranh với đối thủ từ tính cạnh tranh của mỗi tài xế. Hình thức này giúp tài xế tăng thu nhập nhờ chạy nhiều hơn. 

Đồng thời, tài xế có thể giảm giá cho khách, một điều hoàn toàn khác biệt so với cơ chế hợp đồng và cách làm cũ. “Khi tài xế đã vượt mức khoán rồi, cảm thấy doanh thu ấm rồi, thì họ có thể chủ động chạy giá rẻ”, ông Hỷ giải thích.

Ngoài hành động nhằm nâng cao sức cạnh tranh này, Vinasun cũng đang thực hiện kế hoạch mở rộng thị trường. Vừa qua, Công ty đã thông qua kế hoạch mua lại Công ty TNHH MTV Hai Lúa để có quyền khai thác kinh doanh Taxi Vinasun tại Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cần Thơ và An Giang. 

Công ty Hai Lúa có 79 xe taxi, thuộc sở hữu riêng của Chủ tịch Đặng Phước Thành. “Đó là hình thức thôi, thực tế Hai Lúa vẫn do Vinasun quản lý nhiều năm qua. Giao dịch lần này chỉ để hợp thức hóa về mặt pháp lý”, ông Hỷ chia sẻ.

Ngoài khu vực miền Tây Nam Bộ, theo ông Hỷ, Vinasun sẽ tiến ra các tỉnh miền Trung trong thời gian tới như Phú Yên, Quảng Ngãi, Huế…

Khi được hỏi về chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh năm 2017, ông Hỷ nói sẽ đạt được nhưng theo góc độ khác. “Tuy doanh thu và nhân sự chính thức giảm, nhưng mô hình kinh doanh đã thay đổi nên chỉ tiêu cũng khác”, ông lý giải. 

6 tháng đầu năm 2017, Vinasun đạt hơn 1.900 tỷ đồng doanh thu (giảm hơn 15% so với cùng kỳ) và trên 100 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.