Quảng Nam và hai di sản văn hóa thế giới

Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch Lửa Việt Tours - 08:41, 25/02/2020

TheLEADERQuảng Nam là tỉnh duy nhất ở Việt Nam sở hữu 2 di sản văn hóa thế giới và tiên phong có những sản phẩm mới.

Từ thị xã Sông Cầu, Phú Yên, đoàn lướt qua Bình Định rồi nghỉ đêm ở Cẩm Thanh, khách sạn 3 sao, sang nhất Quảng Ngãi. Mùa dịch mà gần kín chỗ với 57/59 phòng có khách. Chủ yếu là khách công vụ, kể cả một số khách nước ngoài. 

Quảng Nam được dành nhiều thời gian hơn bởi là tỉnh duy nhất ở Việt Nam sở hữu 2 di sản văn hóa thế giới và tiên phong có những sản phẩm mới.

Tiếc cho Tam Thanh

Dù được khuyến cáo, nhưng nhóm khách Việt kiều cứ nằng nặc phải đi Tam Thanh, làng bích họa đầu tiên Việt Nam. Lớp bạn bè đi về quảng bá, lớp mạng xã hội với những bài viết và hình ảnh tung hô. Bản thân tôi cũng vài lần đến, đưa cả nhà và viết bài giới thiệu. Tam Thanh yên bình, thân thiện, một bên biển lãng mạn, một bên suối và đồng ruộng chân quê.

Năm 2016, làng quê đẹp càng sáng bừng bởi những tranh bích họa sống động. Du khách cả nước nhộn nhịp về Tam Thanh như trẩy hội. Người dân có thêm nguồn thu từ giữ xe, bán đồ ăn thức uống bình dân. Vui nhất là địa phương mình tự dưng nổi tiếng, được trò chuyện và làm quen với khách thập phương.

Chỉ mấy năm, Tam Thanh như cô gái quê lột xác, nhuộm tóc xanh đỏ, nhìn không ra. Không còn những quán chè, quán cơm dân dã. Mấy ngôi nhà cũ có những bức bích họa đẹp bị đập bỏ, phá dỡ, tranh biến mất. Một số bị bôi bẩn nham nhở hoặc bạc màu. Có những con đường nhỏ bị xóa sạch. Thay vào đó là những quán bida, quán nhậu, cà phê phố thị và những homestay bí rị như nhà nghỉ, có nơi lòe loẹt. Khách vắng hẳn.

Quảng Nam và hai di sản văn hóa thế giới
Bức tranh bạc màu ở Tam Thanh với dòng chữ "Hãy nói cho ta điều ước của bạn".

Không thể trách người dân. Lỗi là do quản lý và quy hoạch, hiểu sai về du lịch cộng đồng. Không có hương ước hay quy chuẩn, giá đất tăng vùn vụt, được giá là bán cho bên ngoài. Cuộc sống làng quê bị xáo trộn. Tiếc và buồn cho Tam Thanh. Rất khó để gầy dựng lại. Bích họa giờ không chỉ có làng mà cả phố. Làm sau nên nhiều nơi sáng tạo và hiệu quả hơn.

Quảng Nam và hai di sản văn hóa thế giới 1
Bức tranh này đang hấp hối và sắp lìa đời.

Mỹ Sơn vẫn bất ngờ

Nếu không có những bảng thông báo, nhắc nhở về các biện pháp phòng chống Corona và các thùng nước sát khuẩn nơi cộng cộng, chắc không ai nhớ là Covid-19 đang hoành hoành. Nhìn bãi xe là biết lượng khách. Buổi sáng hơn ngàn, chủ yếu là nước ngoài. Tôi đến cả chục lần nhưng chưa dám viết bởi Mỹ Sơn luôn ẩn chứa nhiều bí ẩn. Khách đi nhiều nơi nhưng đến Mỹ Sơn vẫn ngẩn ngơ. Mỹ Sơn kén khách, kiệm lời, ghét hời hợt, không thích những kẻ lớt phớt selfie, khoe ảnh mà chẳng hiểu gì.

Mỹ Sơn là phức hợp kiến trúc và điêu khắc đền tháp Chăm Pa thuần gạch đỏ (gạch thẻ). Mỗi đền tương ứng một đời vua và không có cửa sổ, có cả kiến trúc toàn đá, với những cột tròn La Mã, có những nét tương đồng với các di sản văn hóa thế giới như Sambor Preykuk và Angkor (Campuchia), Borobudur (Indonesia), Bagan (Myanma), Ayutthaya (Thái Lan)..., có kiến trúc người Việt ở đồng bằng Bắc bộ và đậm nhất là phong cách Ấn Đô. Tất cả được thể hiện hài hòa, tinh tế.

Quảng Nam và hai di sản văn hóa thế giới 2
Đền đá duy nhất ở Mỹ Sơn với những cột tròn La Mã.

Quần thể có nhiều hố bom lớn, nằm giữa thung lũng linh thiêng, bao quanh là rừng và núi chập chùng. Không có các hồ nước hoặc tường thành kiên cố. Dù khoa học tiến bộ nhưng gạch đỏ thế kỷ XX vẫn thua xa gạch thế kỷ VII, cả chất lượng lẫn công năng. Nhìn gạch là biết chủ nhân và thời gian. Chất liệu và kỹ thuật phủ đá những tác phẩm điêu khắc vẫn là bí ẩn, thách thức các nhà hoa học thế giới hiện đại gần trăm năm qua.

Quảng Nam và hai di sản văn hóa thế giới 3
Một trong hàng chục thần Thời gian, điêu khắc gạch.

Mỹ Sơn còn giữ được nhiều tượng thờ sinh thực khí Linga - Yoni. Yoni nào cũng có rãnh để lấy sữa và nước từ Linga chảy xuống trong các nghi thức cúng lễ. Các tượng thần đứng, chân rất dài. Tượng ngồi tổng hợp giới tính qua từng phần thân thể. Đền G1 có hàng chục mặt thần Thời gian, thể hiện đủ sắc thái. Có Thần thân người như Graruda nhưng đầu dê, sự nối kết giữa linh vật (Garuda) và đời thường (dê) trong cuộc sống. Tháp B6 có khối đá dùng chứa nước thiêng để làm lễ…

Quảng Nam và hai di sản văn hóa thế giới
Đường sim ở Mỹ Sơn.

Mùa này ở Mỹ Sơn, hoa gạo bung nở gần hết. Hoa mua chưa rộ, còn hoa sim đang chúm chím chờ. Mỗi lần đến thánh địa đều có những bất ngờ mới, lạ lùng đến khó hiểu. Tôi thích lang thang một mình, theo các đường sim, lặng im trước các đền tháp trầm mặc, lắng nghe giữa thinh không, lời thầm thì của gió, đang kể về những bí mật và dâu bể huyền tích của Mỹ Sơn.

Hội An - Ký ức và đời thường

So với Mỹ Sơn, Hội An tấp nập hơn. Mùa dịch nhưng Hội An vẫn khá đông. Vắng khách Trung Quốc nên Hội An bớt ồn ào. Vẫn nhà nhỏ, đường nhỏ, hẽm (địa phương gọi là kiệt) hẹp, be bé xinh xinh nhờ biết trang điểm và giữ được nét xưa. Bên kia bờ sông Hoài là “Hội An mới”, sầm uất như chợ đêm. Quán xá nhiều nhưng lịch sự như tính cách vốn có của Hội An.

Nhiều khách không thích việc thả đèn hoa đăng, lai Huế và làm đau sông Hoài. Có khách nói thẳng là rất lo vì ngay trong phố cổ, giữa những nhà cổ bán hàng đặc trưng, bỗng mọc lên một quán bar lập dị, ồn ào. Mấy quán bar kiểu đó nên dời qua bên kia bờ sông Hoài, nhập hộ khẩu vào Hội An mới.

Phố đêm giăng đầy đèn lồng xanh đỏ. Bỗng nhớ Chol Chnam Thmey của người Khmer tràn ngập lồng đèn ngôi sao, biểu tượng cho sự may mắn, làm thủ công. Dạo phố đêm Hội An lung linh đèn lồng, cứ ngỡ bên Tàu. Qua Siem Riep dịp tết té nước, quán xá, đường phố, cây cối đều đong đưa đèn ngôi sao, cứ tưởng đang ở Việt Nam. Người Hoa ở Siem Reap treo đèn ngôi sao. Người Việt ở Hội An treo đèn lồng.

Công viên chủ đề “Ấn tượng Hội An” đẳng cấp hơn tôi tưởng, dù chưa hoàn thiện. Chương trình “Ký ức Hội An” đang gây tranh cãi tùy góc nhìn cá nhân, nhưng phải thừa nhận là hoành tráng và độc đáo. Đặc biệt là tôn vinh áo dài - báu vật của phụ nữ Việt Nam với sự tham gia của hơn 500 diễn viên, kết hợp vũ đạo, diễn xuất, ánh sáng, âm thanh, nhạc nước… tạo nên một bức tranh nghệ thuật đa chiều.

Quảng Nam và hai di sản văn hóa thế giới 1
Kiến trúc tre độc đáo ở công viên chủ đề Ấn Tượng Hội An.

Có điều băn khoăn là thông điệp mà chương trình biểu diễn mong muốn và gởi gấm chưa được như kỳ vọng của nhà đầu tư lẫn khán giả. Diễn viên quá đông và khoảng cách quá xa, khán giả không thể thấy diễn xuất nhân vật, điểm nhấn tạo nên hiệu quả tiết mục. Có thể dùng màn ảnh lớn hai bên với những cận cảnh đặc tả. Chương trình diễn thiên về vũ đạo số đông, chưa toát lên được hồn xưa của Hội An như tên gọi.

Quảng Nam và hai di sản văn hóa thế giới 2
Một góc tiết mục hoành tráng trong show "Ký ức Hội An".

Hội An còn hấp dẫn và níu chân du khách lưu trú bằng các làng nghề vệ tinh. Làng nghề Việt Nam thì vô thiên lủng nhưng chỉ Hội An là biết tận dụng, làm du lịch hiệu quả. Việc tưởng đơn giản nhưng phải đồng bộ. Từ chính quyền đến từng hộ dân, từ các công ty lữ hành đến từng khách và các dịch vụ tương ứng, làm từng bước, kiên trì chứ không thể “đi tắt đón đầu”, áp đặt chủ quan quản lý kiểu phong trào.

Quảng Nam và hai di sản văn hóa thế giới 3
Đường có riêng cho xe đạp, chỉ có duy nhất ở Hội An

Làng rau Trà Quế bình thường, thậm chí thua xa nhiều làng rau khác nhưng ăn đứt cách làm. Đường Hai Bà Trưng nối dài từ Hội An về Trà Quế có lối đi riêng cho xe đạp du khách, điều chỉ có mấy đường ở Sài Gòn trước 1975. Hiện nay chưa nơi nào làm được. Khó nhất là làm sao để nông dân trồng rau theo chuẩn cha ông xưa, không chạy theo lợi nhuận với việc lạm dụng thuốc trừ sâu và phân hóa học.

Quảng Nam và hai di sản văn hóa thế giới 4
Đường làng rau Trà Quế giữa bát ngát xanh.

Đường làng nông thôn mới sạch đẹp. Vườn rau điệu đàng như cô gái quê quyến rũ không cần son phấn. Đất không bị phai màu vì hóa chất. Rau xanh tốt và chất lượng. Không nghe mùi thuốc trừ sâu, dù là thoang thoảng. Không thấy chai lọ rác thường thấy ở các làng rau khác. Rau sạch nên không sợ ế vì xu thế chọn lựa của du khách lẫn người tiêu dùng. Các “Cooking Class” giúp khách có những trải nghiệm lý thú, tạo thêm việc làm và người dân có thêm thu nhập.

Quảng Nam và hai di sản văn hóa thế giới 9
Một góc vườn rau Trà Quế.

Hay nhất là sự chân tình, thân thiện của nông dân. Xem du khách như người nhà, tận tình giải thích và không phiền hà khi khách vào tham quan. Làng quê lúc nào cũng rộn ràng du khách bốn phương, đa phần khách Tây và chạy xe đạp. Số khác đi bộ. Trà Quế như bức tranh đồng quê chân thực, đẹp cả hình thức lẫn nội dung. Nếu biết tận dụng, xây dựng thêm homestay đúng chuẩn quanh làng rau thì khách sẽ giành nhau đăng ký dài hạn.

Xem thêm:

Kỳ 1: Nhật ký hành trình du lịch mùa dịch Covid-19

Kỳ 2: Ba điểm kỳ thú ở Phan Thiết

Kỳ 3: Ninh Thuận: Vùng đất TNT và BCD

Kỳ 4: Nhật ký du lịch mùa dịch Covid-19: Về lại Phú Khánh xưa