Nhật ký du lịch mùa dịch Covid-19: Về lại Phú Khánh xưa

Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch Lửa Việt Tours - 15:52, 22/02/2020

TheLEADERSau 1975, hai tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên nhập lại thành Phú Khánh. Sau 14 năm “khắc nhập” chung sống, giữa 1989, lại thình lình “khắc xuất”, ai về nhà nấy như xưa.

Bất ngờ Khánh Hòa

Dân mạng đồn “Tứ Bình Khánh Hòa” gồm Bình Ba, Bình Lập, Bình Tiên, Bình Hưng (xã Cam Lâm, thành phố Cam Ranh), được xem là “Maldives" của Việt Nam, hoang sơ và cực chất. 

Tôi đã đi Bình Ba nhưng không như mường tượng. Đảo chen chúc nhà, đường hẹp, bãi tắm bình thường. Chỉ các nhà bè hải sản là hơi lạ. Dân phượt chỉnh sửa ảnh nên lung linh. Ta không thích nhưng người khác mê, chuyện thường.

Khánh Hòa, Phú Yên: PK xưa
Đường ven biển đẹp ngỡ ngàng. Ảnh: Nguyễn Vũ Mộc Thiêng.

Bãi Bình Tiên, có thể đứng một chỗ tắm biển hai tỉnh Ninh Thuận và Khánh Hòa. Tôi thích những bãi vắng, nước trong xanh ngọc bích, nhiều khi tắm không ướt quần áo, quanh đảo Bình Hưng. Đã đời xong, chúng tôi về lại nhà bè, thưởng thức hải sản. Nghe nói đi Tứ Bình, ai cũng náo nức, mặc sẵn đồ tắm.

Tàu gỗ từ Bình Tiên chở qua nhà bè. Theo kế hoạch, cano sẽ trung chuyển khách đến các bãi tắm hoang. Do biển động, cano chỉ vài trăm mét quanh nhà bè. Khách không quen tắm giữa biển, dù mặc áo phao. Gần làng bè thì nước khó sạch. Tấp vào Bình Hưng thì bãi toàn san hô vụn. Mới 20 phút, khách đã đòi về lại nhà bè. 

Tôm hùm nghe đồn rớt giá, vẫn hơn 1,2 triệu đồng mỗi ký, loại ba con. Hải sản loại nào cũng hơi bị đắt. Trên bè cũng có mấy bàn khách từ Sài Gòn và Tây Ninh ra.

PK xưa
"Thành phố nhà bè" đang bức tử biển và vùng san hô Bình Hưng.

Khách buồn vì không được tắm. Nếu biển động sao không báo rõ để khách chọn lựa. Tốn tiền thuyền và cano, chỉ lên nhà bè ăn trưa thì lãng nhách. 

Biển Bình Hưng có nhiều san hô đẹp nhưng đang bị cả "thành phố nhà bè" xâm lấn đến tội nghiệp. Ở bãi Kính (Bình Tiên,) ngay cầu tàu, rác như “hoa của đời”, cứ nham nhở trêu ngươi. Mùa vắng khách, mấy nhân viên “cò tàu” túm tụm đánh bài. Sao không nhân dịp rỗi việc nhặt rác, làm vệ sinh cho khu vực. Du lịch kiểu này, ít ai dám trở lại.

PK xưa 1
Bến tàu bãi Kính rác nham nhở trêu ngươi.

Ngang thành phố Nha Trang, có du khách từ Mỹ về, chỉ cho cả đoàn ngọn núi dáng đẹp và quyến rũ như cô gái xỏa tóc nằm đợi người thương. Anh hào hứng kể những huyền tích lãng mạn về ngọn núi. Trước 1975, dưới chân núi là trường hạ sĩ quan Đồng Đế, nay là trường sĩ quan Thông tin, có bức tượng người lính cầm súng ở tư thế - nghỉ, cao chừng 5m.

PK xưa 2
Núi Cô Tiên ngàn năm nằm xõa tóc chung thủy đợi chờ.

Cựu học viên Đồng Đế, ai cũng thuộc lòng hai câu thơ “Anh đứng ngàn năm thao diễn - nghỉ. Em nằm xõa tóc đợi chờ ai”. Sau 1975, tượng người lính Việt Nam Cộng hòa bị đập bỏ, nhưng cô gái vẫn xõa tóc đợi chờ. “Xa quê nhớ núi Cô Tiên. Nhớ dòng sông Cái in nghiêng bóng dừa”. 

Biển Nha Trang không thể thiếu đảo. Đất Nha Trang không thể vắng sông Cái và núi Cô Tiên. Núi Cô Tiên, còn gọi là Hòn Khô, cao chừng 400m, thuộc phường Vĩnh Hòa, thành phố Nha Trang.

Nếu Tứ Bình làm du khách hơi thất vọng thì biển Ninh Hải (Ninh Hòa) như cố chiều khách để bù đắp. Trời mù gió nhưng biển vẫn đẹp nao lòng. Mùa dịch mà Some Days of Silence và Paradise Resort công suất phòng gần 50%, chưa kể khách đi về trong ngày. Chủ yếu là khách Nga, khách Việt và một ít châu Âu. Ăn tối ở Paradise, đoàn được mời ăn bánh kem sinh nhật của thành viên đoàn khác.

Khánh Hòa, Phú Yên: PK xưa 4
Bình minh ở biển Ninh Hải, Ninh Hòa.

Chợ quê Ninh Hải, cũng là bến cá nho nhỏ xinh xinh. Người dân chân chất, niềm nở. Các loại chè đồng giá ly 5.000 đồng. Tô bún cá cực chất từ 10.000 - 15.000 đồng. Mua nửa tô cũng bán. Bánh khọt, còn gọi là bánh căn 1.000 đồng/cái. Rất đẹp là hình ảnh nhân viên khu nghỉ dưỡng, sáng sớm ra bờ biển nhặt rác trước bình minh.

Khánh Hòa, Phú Yên: PK xưa 5
Nhân viên Pardise resort dọn rác bãi biển, đợi bình minh.

Ấn tượng Phú Yên

Vùng đất “Hoa vàng trên cỏ xanh” gần đây có nhiều cái mới. Bông giờ, gia vị đa năng, họ gừng, món ăn dân dãi nghèo khó của xứ nẫu năm xưa, nay là đặc sản du lịch, chỉ có vào đầu mùa mưa. Không thể ướp đá hay sấy khô để dành nên đành đợi thêm mấy tháng. Trái đỏ, gọi như vậy vì trái đỏ rực, chi chít từ gốc quanh thân, họ dâu gia, cũng chờ học trò nghỉ hè mới xuất hiện. Rựu dâu da đỏ thơm ngon nhưng phải lên Sơn Hòa mới có, vì chỉ cô Minh Nguyệt mới làm thử nghiệm độc quyền, uống chơi và đãi khách quen.

Ghềnh Đá Dĩa ở Tuy An lâu nay không phải là con một. Hiện có bảy anh em nhà Đá Dĩa. Anh hai Ghềnh, chị ba Đảo, anh tư Vực, chị năm Thác đôi và chị sáu Thác đơn song sinh, anh bảy Thung lũng, anh tám Đồi. Trừ anh tám ẩn mình trong đất vừa phát lộ khi khai thác đá ở thành phố Tuy Hòa, sáu anh em còn lại đều ở huyện Tuy An. Do không thích phố thị nên đều chọn vùng quê hẻo lánh để an cư. Đường hẹp, chỉ xe 7 chỗ và dân phượt mới tới chơi được.

PK xưa 5
Đồi Đá Dĩa ở thành phố Tuy Hòa, vừa phát lộ cuối năm 2019.

Đường vào nhà anh tám Đồi dành cho xe ben, ổ gà, ổ voi lồm chổm, cách Quốc lộ 1 chừng 6km. Mới đi được gần 1km, xe 35 chỗ phải quay lại vì hoảng. Đành tham quan tưởng tượng qua truyền thông. Trời lắc rắc như đùa, thoáng chút là tạnh. 

Thủy triều lên, ghềnh Đá Dĩa bị thu nhỏ, như cô gái ngái ngủ, không xinh đẹp như ngày thường nhưng cũng làm khách lạ mê mẩn. 

Bò vùng này sướng nhất. Tường nhà bò toàn xếp đá kỳ công, mùa hè mát rượi, mái lợp ngói hoặc tôn, oách hơn nhà người. Tôi cứ ao ước mua được vài nhà bò, tu sửa và nâng cấp thành homestay đón khách thì quá hấp dẫn.

Bên cạnh là bộ sưu tập Hồn Xưa gồm hơn 3.000 cổ vật của vùng “đất Phú, trời Yên”. Khá khen và tâm phục, sự đam mê và kỳ công của chủ nhân. Vào nhà là biết chủ, như bảo tàng mở, toàn hiện vật gốc sống động, thuyết minh chuyên nghiệp và cặn kẻ. Nhiều nhất là cối đá và hiện vật gốm. Khách ngỡ ngàng với những bộ đàn đá nguyên sơ, chưa qua chế tác và những bộ chồng chiên độc bản bằng đồng trắng. Nhà trưng bày cổ vật Tây Sơn khiêm tốn về hiện vật nhưng cũng khát quát được cả triều đại hùng mạnh.

Khánh Hòa, Phú Yên: PK xưa 7
Một góc bộ sưa tập Hồn Xưa cạnh ghềnh Đá Dĩa.

“Bảo tàng” mở cửa tự do, chỉ mong khách tham quan mua nước uống, ủng hộ và tiếp lửa cho chủ nhân. Dù được nhắc khéo, nhiều khách vẫn vô tư, vào selfie chùa rồi đi ra ngúng nguẩy. Chỉ có mấy khách lớn tuổi và người nước ngoài là chăm chú nghe thuyết minh, rồi xuýt xoa và rối rít cám ơn hướng dẫn, cám ơn chủ nhân bộ sưu tập.

Cùng tuyến đường ra Quốc lộ 1 là nhà thờ Măng Lăng, được xem là nhà thờ cổ nhất Việt Nam, nơi có tượng đài và những hình ảnh Andre Phú Yên (1925 – 1644, không rõ họ tên), Á Thánh tử đạo đầu tiên của giáo hội Công giáo Việt Nam. Cũng là nơi giáo sĩ Alexandre Des Rhodes (1591 – 1660), người có công lớn trong việc cải tiến và phát triển chữ quốc ngữ buổi sơ khai từng hoạt động. Trong hang đá nhân tạo, nơi trưng bày hình ảnh thánh Andre Phú Yên còn lưu giữ bản phục chế cuốn “Pháp giảng tám ngày”, sách tiếng Việt đầu tiên, in năm 1651 ở Rome, Italia.

Đến thị xã Sông Cầu, dù được thông báo trước là giảm 20% các dịch vụ tại trạm dừng A Stop, Quê Tôi Village Resort, Khu du lịch sinh thái Nhất Sơn Tự, mọi người vẫn ngạc nhiên vì sự niềm nở và hiếu khách của nhân viên. Cả đoàn quyết định mở tiệc chiêu đãi tối với những món ngon xứ Nẫu. 

Khánh Hòa, Phú Yên: PK xưa 8
Hồ bơi tràn ở Quê Tôi Village Resort

Tôm hùm giá rẻ hơn ở “Tứ Bình”, chưa kể được giảm 20%, chỗ ngồi lại lịch sự, ấm cúng. Các món rong biển, cá ngừ mù tạt, đèn pha đại dương, bún cá, mực, hào…chất lượng không kém cạnh nhà bè, thậm chí có món còn ngon và lạ hơn.

Ăn ngon, chỗ ở đẳng cấp, biển đẹp, nhân viên quá thân thiện, có xe đạp miễn phí rong chơi, lại được giảm giá nên đoàn quyết định cắt bớt chương trình ở Bình Định, để tận hưởng dịch vụ. Hèn gì mùa dịch Covid-19, ngày thường công suất phòng vẫn hơn 40%, cuối tuần hết phòng. Mô hình trạm dừng, lưu trú và điểm đến hiệu quả.

Gần trưa, đoàn ghé Eo Gió. Trời mù, gió mạnh, thi thoảng lất phất mưa. Đây là điểm tham quan nhộn nhịp nhất trong hành trình nhưng không thấy khách Tây. Hơn 400 khách trong buổi sáng, đa phần là khách nhóm gia đình phía Bắc hoặc quanh vùng. Trẻ con buộc phải nghỉ học, cả nhà tranh thủ vừa đi chơi, vừa tránh dịch bệnh.

Xem thêm:

Kỳ 1: Nhật ký hành trình du lịch mùa dịch Covid-19

Kỳ 2: Ba điểm kỳ thú ở Phan Thiết

Kỳ 3: Ninh Thuận: Vùng đất TNT và BCD