Startup môi trường EQUO được Shark Việt rót vốn

Việt Hưng - 10:30, 01/06/2021

TheLEADERỞ Việt Nam, startup EQUO đã có 2 khách hàng, là chuỗi xem phim và chuỗi cửa hàng tiện lợi lớn nhất Việt Nam

Trước thực trạng rác thải nhựa ô nhiễm đang ở múc đáng báo động và là một nỗi lo toàn cầu, Marina Trần Vũ - một cô gái trẻ người Canada gốc Việt đã quyết định khởi nghiệp với EQUO - thương hiệu Việt kinh doanh các sản phẩm thân thiện với môi trường. Theo đó, cô đến Shark Tank Việt Nam mùa 4 để kêu gọi 200.000 USD cho 10% cổ phần.

Marina chia sẻ, may mắn vì du lịch khắp nơi trên thế giới, kể cả Việt Nam, cô nhận thấy có nhiều rác thải nhựa ở những nơi đó. Mong muốn làm điều gì đó cho thế hệ tương lai, Marina sáng lập EQUO – tạo ra những sản phẩm thay thế cho nhựa dùng 1 lần.

Sản phẩm của EQUO đến từ nhiều loại vật liệu khác nhau, thân thiện với môi trường và tự phân hủy như: dừa, gạo, cỏ bàng, cà phê và bã mía. EQUO cũng tạo ra nhiều sản phẩm độc đáo, chẳng hạn như bút chì sau khi dùng xong có thể trồng được, phù hợp để nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường cho trẻ nhỏ, hoặc các bộ dao, muỗng, nĩa được làm từ bã mía, phù hợp sử dụng cho các nhà hàng. “Sản phẩm của chúng tôi hướng đến việc đào tạo, nâng cao ý thức của người dùng”, Marina nói.

Trước khi đến với Shark Tank, EQUO đã có một số thành công nhất định: gọi được số vốn 15.000 USD trên Kick Starter chỉ trong 30 ngày, giải thưởng Fast Moving Company của SME 100 Asia Award 2020. “Ở Việt Nam đã có 2 khách hàng: chuỗi xem phim và cửa hàng tiện lợi lớn nhất Việt Nam”, Marina tiết lộ. Hiện các sản phẩm của EQUO đang phân phối ở 4 thị trường: Việt Nam, Mỹ, Úc, Canada.

“Tôi muốn mọi người thấy rằng Việt Nam cũng có thể dẫn đầu trong xu hướng phát triển bền vững. Vậy, ai sẵn sàng tham gia cùng chúng tôi để biến điều đó thành hiện thực?” – Marina kêu gọi các “cá mập” cùng đồng hành với mình.

Bất ngờ Shark Bình lên tiếng xin chốt deal trước ngay khi Marina vừa dứt lời. “Trong các deal về môi trường, đặc biệt là Shark Tank mùa trước, tôi đã bị đả bại dưới tay Shark Liên, một cá mập cực kỳ thân thiện với môi trường. Tôi biết chắc chắn tôi không thể thắng được deal này trước Shark Liên. Nên tôi xin rút”. Vậy nên, Shark Bình là vị “cá mập” đầu tiên từ chối đầu tư.

Startup môi trường EQUO được Shark Việt rót vốn
Marina Trần Vũ - cô gái trẻ người Canada gốc Việt khởi nghiệp với EQUO

Shark Hưng hỏi thêm Marina về kết quả kinh doanh trong thời gian qua cũng những những lợi thế kinh doanh mà startup có thể khai thác được ở Việt Nam. Nhà sáng lập EQUO cho biết, startup của mình chính thức giới thiệu sản phẩm vào tháng 12/2020, trong đó, ở Việt Nam, mới được 2 tháng. “Trong 2 tháng liên tục, doanh thu đều tăng gấp 2 lần. Tháng vừa rồi doanh thu tăng gấp 8 lần. Cho đến tháng này, chúng tôi đạt 100.000 USD doanh thu cho tổng 4 tháng”, Marina nói.

Shark Hưng chỉ ra 2 vấn đề đối với các sản phẩm bảo vệ môi trường. Thứ nhất là chất lượng sản phẩm, khó đạt được độ bền và cứng cáp như nhựa. Vấn đề chính yếu thứ hai là giá thành cao hơn nhựa thông thường rất nhiều.

Biết vấn đề này ngay từ đầu, Marina giải thích, đây là điểm mà cô nhận thấy việc đào tạo và nâng cao nhận thức thị trường là rất quan trọng. “Phải cho người tiêu dùng hiểu được rằng, có thể hiện tại chúng ta phải trả giá cao một chút cho sản phẩm thân thiện môi trường, nhưng về lâu dài, con em chúng ta sẽ không phải trả giá cho một cái ống hút nhựa mà chúng ta chỉ sử dụng có một lần”, Marina nhấn mạnh.

Marina cũng cho biết, giá hiện tại EQUO đang đưa ra thị trường là giá mà startup đang đặt ở mức tối thiểu bên nhà máy. Marina tin rằng, khi khi sản lượng sản phẩm đạt nhiều hơn, giá thành sẽ được giảm xuống khi đưa đến tay người tiêu dùng.

Nhà sáng lập EQUO cũng tiết lộ, startup đã đầu tư 350.000 USD, hiện đã có nhà phân phối tại Nhật Bản, Hàn Quốc và có đơn vị đang giúp đưa sản phẩm vào Châu Âu.”Chúng tôi cũng đang nói chuyện với một nhà phân phối tại Việt Nam. Chúng tôi muốn tập trung xây dựng thị trường mạnh nhất Việt Nam trước, sau đó lan rộng đến các quốc gia khác”, Marina nhấn mạnh.

Đã từng đầu tư vào một công ty nhựa sinh học, chính vì vậy Shark Phú là vị cá mập tiếp theo từ chối đầu tư, nhưng chia sẻ mình có thể trở thành người cung cấp nguyên liệu cho EQUO hoặc trở thành khách hàng của startup này.

Tiếp theo Shark Phú, Shark Hưng cũng từ chối đầu tư vì công việc không liên quan đến lĩnh vực này quá. Tuy nhiên Shark Hưng đánh giá rất cao ý tưởng khởi nghiệp của EQUO, cũng như khát vọng và tình yêu mà nhà sáng lập dành cho Việt Nam. Chính vì vậy Shark Hưng mong EQUO có thể tìm được người đồng hành, giúp được nhiều trong quá trình khởi nghiệp với dự án này.

Là vị “cá mập” luôn hướng đến môi trường và thực hiện nhiều dự án vì cộng đồng và xã hội. Shark Liên rất được trông đợi sẽ đầu tư cho EQUO. Tuy nhiên, Shark Liên đã từng đầu tư vào mảng này ở một startup tương tự nên Shark cũng quyết định từ chối.

Startup môi trường EQUO được Shark Việt rót vốn 1
Trong 2 tháng liên tục, doanh thu EQUO tăng gấp 2 lần. Tháng vừa rồi doanh thu tăng gấp 8 lần

Cuộc thương thuyết với startup chỉ còn mỗi Shark Việt. Shark Việt cho biết, ông đánh giá rất cao ý tưởng của EQUO trong việc bảo vệ môi trường, về sự yêu quý và quay trở lại Việt Nam để làm việc nhưng “là doanh nhân, nếu đầu tư thì phải phân tích hiệu quả”.

Vì vậy Shark Việt muốn khai thác thêm các thông tin của startup về việc ứng dụng công nghệ vào doanh nghiệp vì theo Shark “không có công nghệ, chỉ là người đi tuyên truyền cái này tại Việt Nam thì khó có khả năng thực hiện được”.

Trái với quan điểm của Shark Việt, nhà sáng lập EQUO cho rằng đối với sản phẩm này, việc sở hữu công nghệ không mang lại sự khác biệt quá lớn nên starup tập trung vào việc xây dựng thương hiệu nhiều hơn.

Vì cô cho rằng, đã có nhiều người làm sản phẩm thân thiện môi trường nhưng chưa thành công vì cách làm từ trước đến nay chưa hiệu quả. Thế nên, EQUO sẽ xây dựng thương hiệu, viết nên câu chuyện cho nó, nâng cao nhận thức cho mọi người. “Và vì như vậy nên sản phẩm của chúng tôi sẽ thành công” – Marina tự tin.

Shark Việt không đồng ý và cho rằng, nếu như vậy thì EQUO là doanh nghiệp xã hội, không phải doanh nghiệp kinh doanh. Shark tiếp tục hỏi thêm nhà sáng lập về công nghệ sản phẩm, nhà máy và giá vốn sản xuất, doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp,… Marina trả lời, hiện EQUO sở hữu 1 phần dây chuyền sản xuất ở Đồng Tháp.

“Hiện tại chúng tôi chưa có lợi nhuận, nhưng đến cuối năm nay dự kiến sẽ đạt được con số để có lợi nhuận là 2,5 đến 3 triệu USD. Biên lợi nhuận là từ 10% - 20%. Đây là con số sẽ đạt được vào cuối năm nay với tất cả những nhà đầu tư về hạ tầng mà chúng tôi đã làm trước đó”, Marina trao đổi với Shark Việt.

Sau khi phân tích kỹ càng những thông tin của startup, Shark Việt đồng ý đầu tư cho EQUO 200.000 USD đổi lấy 45% cổ phần. Marina đã thảo luận với đội ngũ của mình và quay trở lại đề nghị 200.000 USD cho 35% cổ phần. Shark Việt chấp nhận giảm xuống 200.000 USD lấy 40% và đã nhận được sự đồng ý của nhà sáng lập EQUO.