Sửa quy định niêm yết cổ phiếu cứu Vietnam Airlines

Việt Hưng - 07:35, 03/01/2024

TheLEADERDự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 155/2020/NĐ-CP quy định một số điều của Luật Chứng khoán được xem là cơ sở pháp lý mở đường cho trường hợp duy trì niêm yết đặc biệt là Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines).

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 155/2020/NĐ-CP quy định thi hành một số điều của Luật Chứng khoán.

Cụ thể, dự thảo tập trung vào việc bổ sung khoản 7 Điều 120 như sau: " Trường hợp đặc biệt cần duy trì niêm yết do Chính phủ xem xét, quyết định".

Nếu dự thảo này được thông qua, đây được xem là cơ sở pháp lý mở đường cho trường hợp duy trì niêm yết đặc biệt là Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines).

Sau khi công bố báo cáo tài chính năm 2022 được kiểm toán và tổ chức thành công đại hội cổ đông thường niên, cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines đã được HOSE đưa ra khỏi diện cảnh báo.

Nhưng hơn 2 tỷ cổ phiếu HVN vẫn đang đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết khi vi phạm cả ba điều kiện, gồm kết quả sản xuất kinh doanh bị thua lỗ trong ba năm liên tục, tổng số lỗ luỹ kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp, vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét.

Sẽ có trường hợp cổ phiếu đặc biệt được Chính phủ duy trì niêm
Hơn 2 tỷ cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines vẫn đang đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết

Chia sẻ về rủi ro hủy niêm yết, ban lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết việc âm vốn chủ và thua lỗ ba năm liên tiếp là tình huống đặc biệt khi ảnh hưởng bởi đại dịch.

Đây là tình huống khách quan, doanh nghiệp tin rằng cơ quan nhà nước sẽ nghiên cứu và đánh giá yếu tố này thận trọng và kỳ vọng cổ phiếu HVN vẫn tiếp tục niêm yết trên HOSE. Năm 2024, Vietnam Airlines dự kiến có thể thoát lỗ.

Vietnam Airlines đang tiến hành các giải pháp đồng bộ về tái cơ cấu trong đó tập trung vào các giải pháp tự thân để khắc phục hệ quả của Covid-19. Còn dòng tiền cân đối để đảm bảo hoạt động kinh doanh năm 2023 và 2024 là tự thân Vietnam Airlines thông qua các giải pháp điều hành, cắt giảm chi phí, quản trị nội bộ.

Ban lãnh đạo chia sẻ, cần một thời gian không dài để đưa Vietnam Airlines có lãi, cũng cần một thời gian không quá dài để vốn chủ sở hữu dương và khi đó cổ phiếu có thể đáp ứng yêu cầu của HOSE.

Liên quan tới hoạt động kinh doanh gần đây, báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2023 của Vietnam Airlines được kiểm toán bởi Công ty TNHH KPMG đã đưa ra những lưu ý về khả năng hoạt động liên tục của Vietnam Airlines.

Cụ thể, theo báo cáo kiểm toán, kết thúc nửa đầu năm 2023, Vietnam Airlines lỗ sau thuế 1.386 tỷ đồng, tăng nhẹ so với báo cáo tự lập trước đó. Đến hết 30/6, nợ ngắn hạn của hãng cùng các công ty con vượt quá tài sản ngắn hạn hơn 42.800 tỷ đồng.

Các khoản phải trả đã quá hạn của doanh nghiệp này trên 14.780 tỷ, vốn chủ sở hữu âm hơn 12.500 tỷ đồng.

Vì vậy, KPMG lưu ý khả năng hoạt động liên tục của Vietnam Airlines và các công ty con. Hiện hãng hàng không này cũng đang tìm phương án để thoái vốn khỏi một số đơn vị thành viên.

Vietnam Airlines cũng đã mở ra những đường bay mới và tận dụng cơ hội gia tăng thị phần khi một số hãng máy bay bắt đầu giảm số lượng tàu bay của mình.

Bên cạnh đó, công ty vẫn định hướng sẽ phát triển mạnh các đường bay quốc tế bằng việc mở thêm một loạt các đường bay quốc tế mới, tăng tần suất các đường bay hiện có trong năm 2024.

Về công tác tái cơ cấu tài sản, doanh nghiệp này đang triển khai việc bán một số tàu bay cũ, cho thuê lại máy bay, động cơ để cải thiện dòng tiền.