Tâm nguyện của Chủ tịch Tập đoàn Giáo dục Văn Lang

Kim Thoa - 11:55, 18/11/2021

TheLEADERĐầu tư lớn cho giáo dục, y tế, văn hóa – thể thao ở tuổi 50 là cách để Tiến sỹ Nguyễn Cao Trí, Chủ tịch Tập đoàn Giáo dục Văn Lang, trả lại cho xã hội những gì mà xã hội đã cho ông trước đó.

TS. Nguyễn Cao Trí là một gương mặt quen thuộc trong giới doanh nhân TP. HCM. Ông hiện là Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Giáo dục Văn Lang; Chủ tịch Capella Holdings - tập đoàn giải trí lớn nhất TP.HCM; và là Chủ tịch Bến Thành Land - doanh nghiệp chuyên về bất động sản, hạ tầng.

Trong chuyến công tác tại châu Âu vừa qua và tham dự Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu COP26 do Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu, ông Trí là đại diện duy nhất trong khối các trường đại học phía Nam tham gia xúc tiến hợp tác giáo dục quốc tế. 

Chủ tịch Tập đoàn Giáo dục Văn Lang: ‘Văn Lang đang nỗ lực xây dựng hệ sinh thái xanh trong đào tạo’
TS. Nguyễn Cao Trí, Chủ tịch Tập đoàn Giáo dục Văn Lang

Trao đổi với TheLEADER sau chuyến đi đặc biệt này, TS. Trí đã chia sẻ những cảm nhận và các kế hoạch sắp tới của Tập đoàn Giáo dục Văn Lang.

Là doanh nghiệp phía Nam duy nhất tham dự đoàn đại biểu cấp cao lần này, điều gì gây ấn tượng nhất đối với ông?

TS. Nguyễn Cao Trí: Tại các diễn đàn quốc tế lần này, đối với tôi, Thủ tướng Chính phủ đã truyền tải nhiều thông điệp mạnh mẽ, rõ ràng, thể hiện tinh thần dân tộc Việt Nam; cam kết những vấn đề toàn cầu ở Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu COP26; đặt ra và giải quyết nhiều vấn đề cốt lõi của đất nước và các vấn đề song phương với từng quốc gia.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng luôn đặt các doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh đó và đưa ra các thông điệp thẳng thắn, thiết thực với doanh nghiệp như: cam kết kinh doanh phải có lãi; hợp tác kinh doanh phải ‘win - win’ có quyền lợi cùng chia sẻ, có rủi ro cùng gánh vác; hỗ trợ đào tạo đội ngũ nhân lực tại Việt Nam; góp phần xây dựng những chính sách, thể chế phù hợp với thông lệ quốc tế…

Mặc dù Việt Nam là một đất nước đang phát triển ở mức trung bình, còn nhiều khó khăn nhưng Chính phủ cam kết sẽ luôn đi đầu về ứng phó biến đổi khí hậu. Thủ tướng khẳng định Việt Nam sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính, với cam kết mạnh mẽ đạt mức phát thải carbon ròng bằng 0 (Zero-carbon) đến năm 2050.

Đây là một cam kết mạnh mẽ, ý nghĩa trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu hiện nay, và các trào lưu đầu tư tín dụng cũng đang hướng tới các dự án ‘xanh’ phát triển bền vững. Đặc biệt là khi Việt Nam thuộc top 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu.

Điều này cũng khẳng định Chính phủ Việt Nam sẽ trở thành một thành viên tích cực, có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế. Những thông điệp chủ động, mang tính thời sự của Thủ tướng đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ bạn bè quốc tế và đạt được nhiều kết quả ấn tượng.

Tại diễn đàn COP26, Ngân hàng Standard Chartered của Anh đã cam kết hỗ trợ dòng vốn ‘xanh’ là 300 tỷ USD, trong đó sẽ dành cho Việt Nam 8 tỷ USD vào các dự án phát triển bền vững từ nay đến năm 2030. Ngay sau đó, Ngân hàng HSBC cũng cam kết 1.000 tỷ USD cho các dự án, tín dụng ‘xanh’ toàn cầu.

Qua chuyến đi này, nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư, hợp tác MOU đã được các doanh nghiệp Việt Nam và các nước ký kết, với tổng giá trị đầu tư cam kết lên tới 30 tỷ USD.

Hiện tại ông đang tập trung đầu tư mạnh vào giáo dục. Sau khi tham gia chuyến đi và kết nối quan hệ hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp, trường học nổi tiếng ở châu Âu, ông có cảm nhận thế nào và đã đạt được những kết quả gì?

TS. Nguyễn Cao Trí: Đặc thù của giáo dục đại học là phải liên kết quốc tế sâu rộng. Hiện nay, Đại học Văn Lang đang hợp tác với trên 200 trường đại học và viện nghiên cứu nổi tiếng tại hơn 100 quốc gia, trong đó phần lớn là ở châu Âu và Mỹ.

Sau hai năm dịch bệnh khó khăn, không thể gặp gỡ trực tiếp, chuyến đi lần này Tập đoàn Giáo dục Văn Lang đã ký 8 thỏa thuận hợp tác với các trường đại học nổi tiếng tại Anh và Pháp, trong đó có Đại học Oxford, Liverpool John Moores, Edge Hill…

Tập đoàn cũng đã đạt được thỏa thuận với Nhà xuất bản Đại học Oxford, đơn vị trực thuộc Đại học Oxford, là một trong những nhà xuất bản lớn nhất thế giới với các sản phẩm giáo dục có mặt ở hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Thỏa thuận đánh dấu lần đầu tiên tại Việt Nam cho phép sử dụng thương hiệu Oxford trong hệ thống giáo dục từ cấp tiểu học đến đại học của Tập đoàn Giáo dục Văn Lang, và Văn Lang sẽ tổ chức trường quốc tế đầu tiên mang thương hiệu Oxford.

Chủ tịch Tập đoàn Giáo dục Văn Lang: ‘Văn Lang đang nỗ lực xây dựng hệ sinh thái xanh trong đào tạo’ 1
Bà Claudia Bickford-Smith, Giám đốc Dịch vụ giáo dục NXB Đại học Oxford và TS. Nguyễn Cao Trí, Chủ tịch Tập đoàn Giáo dục Văn Lang trao đổi thỏa thuận hợp tác

Việc hợp tác cũng giúp Tập đoàn Văn Lang xây dựng toàn bộ chương trình đào tạo phổ thông chuẩn quốc tế cho Trường Quốc tế Nam Mỹ - UTS, là hệ thống trường phổ thông liên cấp lớp 1 đến lớp 12 của Văn Lang tại Việt Nam và cho hệ thống đại học; thương lượng cung cấp mua bán các giáo trình đào tạo, tài liệu, phương pháp giảng dạy hiện đại nhất thế giới hiện nay.

Đó là việc làm có ý nghĩa rất lớn không chỉ đối với riêng Tập đoàn Giáo dục Văn Lang mà cả với nền giáo dục nước nhà nói chung, bởi sắp tới nhiều trẻ em Việt Nam sẽ được tiếp cận, thừa hưởng một trong những nền giáo dục lớn, hiện đại nhất thế giới.

Đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi nhiều thứ, và giáo dục là một trong những lĩnh vực chịu tác động mạnh mẽ bởi dịch bệnh. Nếu như trước đây, giáo dục truyền thống là có nguồn lực ở đâu học ở đó, thì giờ đây công nghệ đã làm thay đổi cách dạy và học của giáo viên cũng như học sinh.

Thông qua công nghệ, học sinh/sinh viên có thể tiếp cận với những nền tảng tri thức và những người thầy giỏi nhất thế giới, họ có thể học lý thuyết ở bất cứ đâu mà không cần đến trường. Điều này sẽ tạo nên một cuộc cách mạng trong giáo dục, nhưng cũng sẽ mở ra cơ hội rất lớn. Từ đó, việc xây dựng các campus (khuôn viên đào tạo) trong trường đại học cũng phải thay đổi.

Chúng ta không thể xây dựng các giảng đường lớn với trang thiết bị dạy học truyền thống, mà phải định hình cho tương lai, khi cách thức đào tạo, truyền đạt kiến thức truyền thống dần chuyển sang hình thức trực tuyến. Campus của các trường đại học sẽ phải là nơi hấp dẫn, thu hút sinh viên đến để giao tiếp, tiếp cận thực tế và tham gia các hoạt động văn hóa, xã hội, thể thao…

Chủ tịch Tập đoàn Giáo dục Văn Lang: ‘Văn Lang đang nỗ lực xây dựng hệ sinh thái xanh trong đào tạo’ 2
TS. Nguyễn Cao Trí tham quan không gian toán học kỳ thú của Trường Quốc tế Nam Mỹ UTS tại sự kiện ‘Ngày hội Toán học mở’ năm 2021

Việc hợp tác này đòi hỏi Văn Lang phải có nguồn nhân lực tiếp cận được hệ thống giáo dục quốc tế, Tập đoàn Giáo dục Văn Lang đã xây dựng đội ngũ này như thế nào?

TS. Nguyễn Cao Trí: Không chỉ trong giáo dục mà với bất kỳ lĩnh vực nào, việc hợp tác cần phải có sự tương đồng nhất định giữa các bên về trình độ, văn hóa và nhiều điều kiện khác, để đảm bảo chất lượng và sự kết nối. Đó là một quá trình không hề đơn giản, đặc biệt là hợp tác quốc tế với các định chế lớn trên thế giới.

Đại học Văn Lang với kinh nghiệm từng hợp tác với rất nhiều trường đại học và viện nghiên cứu nổi tiếng tại nhiều quốc gia thì việc hợp tác lần này cũng không quá lạ lẫm, chúng tôi đã có sự chuẩn bị nguồn lực từ trước đó rất lâu.

Đương nhiên, các đối tác quốc tế họ cũng rất nghiêm ngặt trong việc hợp tác và cần thời gian tìm hiểu, đánh giá nghiêm túc trên nhiều phương diện để đảm bảo chất lượng hợp tác theo hướng win-win.

Cụ thể như Đại học Oxford - là hệ thống đại học hàng đầu thế giới, họ rất quan tâm đến thị trường nhân lực tại Việt Nam, nhưng họ cũng phải bỏ thời gian dài tìm hiểu để thấy được thực lực của Văn Lang trước khi quyết định hợp tác.

Việt Nam có lợi thế là dân số trẻ, độ tuổi trẻ em đi học và tuyển sinh đại học lớn. Độ tuổi đi học tiểu học đến đại học ở Việt Nam khoảng 25-26 triệu học sinh/sinh viên, và mỗi năm có hàng triệu sinh viên vào đại học, trong đó có 10-15% đi du học nước ngoài.

Riêng đối với Đại học Văn Lang, mỗi năm chúng tôi tuyển sinh khoảng 10.000 sinh viên. Đó là con số rất lớn mà nhiều trường đại học trên thế giới mong muốn có được.

Ngoài việc đầu tư nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, nhân sự, cơ sở hạ tầng... hiện tại, Văn Lang đang xây dựng hệ thống trường quốc tế liên cấp lớp 1-12 (Trường Quốc tế Nam Mỹ - UTS) để có nguồn đầu vào cho cấp đại học.

Điều quan trọng là nếu có một hệ thống đào tạo hợp tác xuyên suốt từ lớp 1 đến lớp 12 thì mới tạo được nền tảng tư duy, phẩm chất đạo đức và nhiều kỹ năng khác, khi đó mới tạo ra được đội ngũ nhân tài.

Việc xây dựng hệ thống đào tạo liên cấp lớp 1-12 theo tiêu chuẩn quốc tế, sẽ tạo được hệ thống xuyên suốt với ý nghĩa là cánh tay nối dài, từ đó các định chế quốc tế họ sẽ nhìn nhận, hỗ trợ chúng ta đào tạo nguồn nhân lực đại học và sau đại học. Điều này sẽ tạo cơ hội rất lớn cho trẻ em Việt Nam.

Chính vì vậy, chúng tôi đang nỗ lực hết sức để xây dựng hệ thống đào tạo chuẩn quốc tế, với mong muốn các em có thể tiếp cận được một trong những nền giáo dục hiện nhất thế giới, mang lại lợi ích bền vững cho thế hệ tương lai của nước nhà.

Tại sao Văn Lang không chỉ phát triển hệ thống đại học mà còn mở rộng thành các đô thị đại học, điều đó có ý nghĩa gì?

TS. Nguyễn Cao Trí: Hiện tại, Tập đoàn Giáo dục Văn Lang đang xúc tiến xây dựng dự án đô thị giáo dục Hạ Long (Hạ Long Pearl University Metropolis) và các đô thị đại học khác với tiêu chuẩn ‘xanh’, theo kế hoạch đến năm 2027, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.

Tập đoàn cũng vừa ký kết hợp tác với Ngân hàng Standard Chartered (Vương quốc Anh) về việc hỗ trợ tài chính 500 triệu USD cho dự án xây dựng cơ sở đô thị giáo dục Hạ Long ở Quảng Ninh.

Bên cạnh khu phức hợp giáo dục tại TP.HCM, Hòa Lạc - Hà Nội, sự ra đời của đô thị giáo dục Hạ Long sẽ là bước tiếp theo để từng bước định hình đô thị đại học tiên tiến.

Chủ tịch Tập đoàn Giáo dục Văn Lang: ‘Văn Lang đang nỗ lực xây dựng hệ sinh thái xanh trong đào tạo’ 3
Đại diện Ngân hàng Standard Chartered và TS. Nguyễn Cao Trí tại buổi ký kết hợp tác

Campus của các trường đại học hiện nay không chỉ đóng vai trò thu hút, tăng cường trải nghiệm đa dạng cho người học, mà còn là hạt nhân để phát triển các khu đô thị xung quanh. Do đó, sự lan tỏa của các đô thị đại học là vô cùng lớn.

Bởi không có gì ‘ăn theo’ một đô thị đại học nhanh như những trường đại học có sức hút. Khu vực xung quanh trường sẽ có ký túc xá cho sinh viên, nhà cho giảng viên, nhà dân, phát triển nhiều cơ sở vật chất - hạ tầng, dịch vụ đi kèm… từ đó tạo thành một khu đô thị.

Cụ thể như Đại học Văn Lang - cơ sở 3 có diện tích trên 10ha, được xây dựng ở vị trí giữa quận Bình Thạnh và quận Gò Vấp, TP.HCM; với chi phí dự kiến sau khi hoàn thành khoảng 300 triệu USD.

Chúng tôi bắt đầu xây dựng năm 2017, khi đó giá đất xung quanh khuôn viên trường chỉ 30 triệu/m2; hai năm sau trường khánh thành thì giá đất lên đến 100 triệu đồng/m2; và hiện tại là 120-150 triệu đồng/m2.

Làm giáo dục thì không giống như kinh doanh nhà hàng - khách sạn, thu hồi vốn sau 5-10 năm, mà kết quả phải sau 20 năm. Đô thị đại học có hiệu ứng lan tỏa và lợi ích rất lớn cho xã hội, nhưng các chủ đầu tư trường đại học như chúng tôi lại gần như không hưởng được gì.

Do điều kiện của Việt Nam những năm trước đây chưa quan tâm đến và cũng không có nguồn lực để làm nên còn làm kiểu tự phát. Nhưng từ bây giờ chúng ta phải tính đến lâu dài, ngay từ đầu phải quy hoạch thành các đô thị đại học. Giống như khi làm một con đường, phải tính từ mép đường vào 200m là trồng cây hay làm quán xá, dịch vụ…

Trên thế giới đã hình thành nhiều thành phố ăn theo các trường đại học, mỗi trường đại học là một thành phố, và tất cả các dịch vụ đều ăn theo các trường đại học này. Đặc biệt là ở các nước phát triển như Anh - Pháp - Mỹ, nhiều trường đại học có sức ảnh hưởng mạnh mẽ cho cả một thành phố như: Đại học Manchester, Liverpool, Oxford, Cambridge ở Anh; hoặc Harvad, Yale, Columbia ở Mỹ…

Đại dịch Covid-19 sẽ làm thay đổi suy nghĩ của nhiều người. Các bậc phụ huynh sẽ có khuynh hướng rời nhà về gần nơi mà con cái họ theo học, vì đối với họ không có gì quý hơn con mình. Nếu đó là các trường đại học danh tiếng, con cái họ được vào học là điều không hề đơn giản, và đôi khi còn là danh dự của cả một dòng tộc.

Vì vậy, những người làm cha mẹ sẽ sẵn sàng đầu tư và về gần đó sinh sống, để có thể ở bên chăm sóc trong khoảng thời gian con họ theo học. Đây là trải nghiệm mà họ chỉ có thể có một lần duy nhất trong đời. Khi con họ tốt nghiệp, trưởng thành họ sẽ rời đi; các giảng viên, nhà khoa học, nghiên cứu sinh, phụ huynh, học sinh mới sẽ lại đến... Điều đó tạo nên sức sống của một đô thị đại học.

Nhiều người còn cho rằng động lực của Mỹ và châu Âu chính là các trường đại học. Điển hình như khu vực xung quanh Đại học Havard, Oxford là các căn hộ, biệt thự, hạ tầng - dịch vụ… với giá rất cao và luôn tăng lên không ngừng.

Đối với Văn Lang hiện nay, khi chúng tôi đầu tư cũng phải tính toán chứ không thể làm tự phát. Nếu làm ở đâu thì đất xung quanh đó cũng phải làm hết, phải quy hoạch cả một đô thị đại học thì mới tạo được danh tiếng của trường và hiệu ứng lan tỏa lớn cho cả xã hội.

Chủ tịch Tập đoàn Giáo dục Văn Lang: ‘Văn Lang đang nỗ lực xây dựng hệ sinh thái xanh trong đào tạo’ 4
Phối cảnh khu đô thị giáo dục Hạ Long tại Quảng Ninh của Tập đoàn Giáo dục Văn Lang

Vậy cơ chế của Nhà nước về đất đai hiện nay có cho phép đơn vị giáo dục tư nhân sở hữu diện tích đất rộng để xây dựng đô thị đại học, trong đó có trường đại học hay không?

TS. Nguyễn Cao Trí: Về cơ chế thì Nhà nước không cấm nhưng điều quan trọng là doanh nghiệp có làm được hay không. Như campus Đại học Văn Lang – cơ sở 3 của chúng tôi được Nhà nước giao ‘đất sạch’ từ những năm 1995-1996, nhưng mười mấy năm sau vẫn không bàn giao được vì nhiều nhà dân xây dựng ở đó.

Cuối cùng, Văn Lang phải tự bỏ tiền đền bù, nói đúng ra là chúng tôi phải tự đi mua đất. Thậm chí, chúng tôi phải mua tới 2 lần, một lần là trả cho dân, một lần trả cho Nhà nước - nộp tiền sử dụng đất.

Ở các nước trên thế giới hiện nay, họ không quan tâm là trường công hay trường tư, mà họ đầu tư cho người học, để cung cấp nguồn nhân lực tài năng cho xã hội.

Trên thực tế, Đại học Văn Lang đã đào tạo và cung cấp cho xã hội trên 46.000 kỹ sư, kiến trúc sư, bác sĩ… Các trường đại học công lập cũng cung cấp nhân lực cho xã hội nhưng lại được Nhà nước giao đất, giao cơ sở vật chất, trả lương từ ngân sách; còn Văn Lang thì không.

Xét về khía cạnh kinh tế có thể thấy điều đó là không công bằng. Bởi mặt bằng đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực cho xã hội giữa trường công lập và trường tư là như nhau, nhưng một bên được bao cấp, vốn bằng không; còn một bên vốn đầu tư xây dựng, chi phí vận hành… phải tự bỏ ra, đó là điều rất bất hợp lý.

Thời gian vừa qua, một số cán bộ, lãnh đạo ngành y và giáo dục bị vướng vào vòng lao lý. Một số chuyên gia cho rằng có nguyên nhân từ định chế đào tạo và đề bạt cán bộ. Ông nhận định thế nào về vấn đề này?

TS. Nguyễn Cao Trí: Điều đó là đúng. Nhưng là do ‘lỗi’ từ hệ thống, và cũng bắt nguồn từ giáo dục đào tạo, trong đó có các trường đại học.

Ở nhiều nước trên thế giới, họ đào tạo các ngành như: quản trị bệnh viện, quản trị nhà hàng - khách sạn, quản trị nhà máy thủy điện, quản trị công trường hoặc công trình giao thông… Vì kỹ thuật chuyên môn và quản trị là hoàn toàn khác nhau. Một cầu thủ đá bóng giỏi chưa chắc đã là một huấn luyện viên giỏi.

Nhưng ở Việt Nam lại có khuynh hướng nhập hai vị trí này thành một. Các bác sĩ giỏi chuyên môn, có bác sĩ là ‘đôi tay vàng’ khi được đưa lên làm quản lý bệnh viện thì dễ thất bại, bởi họ không được đào tạo về quản trị bệnh viện, khi đầu vào sai thì đầu ra sẽ sai.

Ngay như hai trường đại học y hàng đầu Việt Nam là Trường Đại học Y Hà Nội và Trường Đại học Y dược TP.HCM cũng chỉ dạy chuyên môn chứ chưa có ngành quản trị bệnh viện.

Muốn làm được điều này, chúng ta lại phải quay lại vai trò của trường đại học. Trường đại học giống như một xã hội thu nhỏ và nó phát triển tự thân một cách tự nhiên, biết rõ nhu cầu cần ngành gì để mở ra.

Trên thực tế, quản trị bệnh viện là một ngành phức tạp và rất cần thiết để quản lý, vận hành bệnh viện; và nó phải được hình thành từ trong trường đại học với những trải nghiệm liên ngành từ các ngành: quản trị, kinh tế và kỹ thuật bệnh viện. Đại học y chỉ dạy chuyên môn, không dạy quản trị bệnh viện, đó là một khuyết điểm.

Nhưng muốn đào tạo được các ngành thiết yếu như quản trị bệnh viện thì trường phải đa ngành, có nghề, có môi trường cho sinh viên thực tập. Điều này thì chỉ các trường tư nhân, đa ngành như Văn Lang mới làm được.

Không chỉ bệnh viện, quản trị các trường đại học cũng vậy, trước đây các giảng viên giỏi là giáo sư, tiến sĩ khi lên làm quản lý cũng dễ thất bại vì quản trị trường đại học là lĩnh vực hoàn toàn khác với chuyên môn giảng dạy. Vì vậy, đầu tư ngay từ đầu cho giáo dục đào tạo là việc vô cùng cần thiết.

Tại hệ thống giáo dục của Văn Lang, chúng tôi rất chú trọng trong việc đào tạo cả về kỹ năng lẫn phẩm chất con người, từ ý thức, đạo đức lối sống đến nghề nghiệp chuyên môn. Đó là thách thức lớn và là cả một quá trình lâu dài mà phải xuất phát từ việc đào tạo, xây dựng nền tảng, hình mẫu và văn hóa riêng ngay từ cấp tiểu học cho đến đại học.

Hiện nay, Nhà nước cũng đã cho phép các trường đơn ngành chuyển thành đa ngành để giải quyết vấn đề trên và đang dần có sự chuyển biến.

Chủ tịch Tập đoàn Giáo dục Văn Lang: ‘Văn Lang đang nỗ lực xây dựng hệ sinh thái xanh trong đào tạo’ 5
Mặt trước campus rộng hơn 10ha của Đại học Văn Lang – cơ sở 3 tại đường Đặng Thùy Trâm, phường 13, quận Bình Thạnh, TP.HCM

Ở tuổi ngũ tuần, có nhiều trải nghiệm trong kinh doanh, vừa là tuổi tạo sự bứt phá, ông hiện là chủ của một số doanh nghiệp lớn với khối tài sản không nhỏ. Nhưng gần đây ông tập trung đầu tư cho giáo dục, ông có thể chia sẻ thêm về tâm nguyện và những kế hoạch cá nhân trong thời gian tới?

TS. Nguyễn Cao Trí: Hiện tại, tôi đang hoạt động trong 3 lĩnh vực là nhà hàng - khách sạn - giải trí, bất động sản - hạ tầng, và giáo dục. Nhưng tâm huyết và thời gian của tôi vẫn tập trung nhất cho ngành giáo dục.

Thế hệ chúng tôi, tạm gọi là thế hệ làm kinh doanh F2, từng lăn lộn thương trường, trải qua nhiều khó khăn thử thách, góp nhặt được số vốn nhất định. Nhưng đại dịch đã làm thay đổi và đảo lộn nhiều trật tự vốn có, khiến nhiều bạn bè cũng như bản thân tôi đôi khi phải lắng đọng suy nghĩ và đặt câu hỏi:”Tiền nhiều để làm gì?”. Bởi có những thời điểm, tiền dù nhiều bao nhiêu cũng không thể tiêu xài.

Nhiều người phấn đấu làm việc để khi 70 tuổi có 1 tỷ USD, thì sẽ làm gì? Tôi nghĩ, thay vì chờ đến lúc 70 tuổi mới tính cho đi hay để lại, thì giờ đây tôi có tới 20 năm để chuẩn bị. 50 tuổi tôi đầu tư cho giáo dục, y tế, văn hóa – thể thao. Bởi đó là cách để tôi trả lại cho xã hội những gì mà xã hội đã cho mình trước đó. Đó cũng là lý do và tâm nguyện thôi thúc tôi đầu tư lớn vào giáo dục.

Về những kế hoạch sắp tới, Tập đoàn Giáo dục Văn Lang đang tập trung đầu tư xây dựng các campus, phát triển chất lượng đào tạo toàn diện theo tiêu chuẩn quốc tế. Chúng tôi rất chú trọng đến cả hai phương diện là rèn luyện kỹ năng học tập lẫn rèn luyện thể chất cho học sinh, sinh viên.

Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ PVF ở Hưng Yên thuộc Tập đoàn Giáo dục Văn Lang, được chuyển giao từ Tập đoàn Vingroup, là 1 trong 3 trung tâm được FIFA và AFC công nhận tiêu chuẩn 3 sao – tiêu chuẩn cao nhất về học viện bóng đá. Đây cũng là một trong số ít các trung tâm đào tạo bóng đá bài bản và quy mô, mà ở châu Á hiện chỉ có ở Hàn quốc, Qatar và Việt Nam.

Mỗi năm chúng tôi chi vài trăm tỷ đồng cho trung tâm, mà không tính đến lợi nhuận hay thu hồi vốn, vì mục đích chủ yếu là đào tạo các cầu thủ đá bóng chuyên nghiệp. Chúng tôi hi vọng việc đầu tư cho trung tâm PVF sẽ góp phần tạo ra nguồn vận động viên đỉnh cao, san sẻ phần nào chi phí đầu tư của Nhà nước; đào tạo được thế hệ bóng đá trẻ tài năng và mang lại sự thay đổi đáng kể cho nền bóng đá nước nhà trong tương lai.

Bên cạnh những chương trình đào tạo truyền thống, Tập đoàn Giáo dục Văn Lang cũng đẩy mạnh mảng đổi mới sáng tạo, bằng việc thành lập trung tâm đổi mới sáng tạo mang tầm quốc gia và mời TS. Vũ Viết Ngoạn, nguyên Tổ trưởng tổ tư vấn của Thủ tướng về phụ trách.

Cộng đồng giáo dục Văn Lang hiện nay được thúc đẩy mạnh mẽ bởi hai động cơ là thể chất, thể thao và trung tâm đổi mới sáng tạo. Với chiến lược đó, chúng tôi kỳ vọng sẽ đưa Văn Lang trở thành trường đại học thuộc top 500 thế giới trong vòng 5 năm tới.

Xin cảm ơn ông!