Tổng tài sản các ngân hàng nhóm 2 đã thay đổi thế nào trong 7 năm qua

Minh An - 15:00, 21/08/2017

TheLEADERNhóm 13 ngân hàng TMCP đã có nhiều xáo trộn về tổng tài sản sau các hoạt động tái cấu trúc và các thương vụ M&A.

Đúng 5 năm trước, ngày 21/8/2012, ông Nguyễn Đức Kiên, người có ảnh hưởng lớn đến ngân hàng ACB khi đó, bị bắt tạm giam. Kể từ đó, ngành ngân hàng Việt Nam đã có nhiều thay đổi lớn.

Một đề án Cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011-2015 đã được thực hiện trong giai đoạn này với nhiều vụ sáp nhập, hợp nhất giữa các ngân hàng. Cùng với đó, nhiều vi phạm diễn ra ở các ngân hàng đã bị phát hiện và xử lý. Điều này làm cho quy mô và chất lượng tài sản tại nhiều ngân hàng thay đổi trong những năm qua.

Xem xét dữ liệu của một nhóm 13 ngân hàng TMCP ở nhóm 2 (nhóm 1 gồm Agribank, BIDV, Vietcombank và Vietinbank) cho thấy, các vụ sáp nhập đã giúp SCB và Sacombank vượt trội về quy mô tài sản so với các ngân hàng còn lại.

Nhóm 5 ngân hàng MB, ACB, SHB, VPBank và Techcombank có điểm xuất phát khác nhau nhưng hiện đang có tổng tài sản khá gần nhau, từ 250 đến 280 nghìn tỷ đồng, tính đến giữa năm 2017.

HDBank là ngân hàng nổi bật trong số các ngân hàng còn lại với quy mô tài sản gần 170 nghìn tỷ đồng. Vào cuối năm 2013, ngân hàng này đã tiếp quản một ngân hàng quy mô nhỏ khác là ngân hàng Đại Á.

Eximbank và Maritime Bank đều chưa tìm lại được quy mô tài sản đã từng có của các ngân hàng này trong quá khứ. Còn VIB gần như không tăng trưởng tài sản trong nhiều năm qua.

Tính từ năm 2012, tổng tài sản của nhóm các ngân hàng này đã tăng 84% lên 2,8 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 30% tổng tài sản của hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam.