Tổng thống Mỹ Donald Trump gặt hái được gì sau chuyến công du châu Á?

Kiều Mai - 15:47, 15/11/2017

TheLEADERNgày hôm qua (14/11), Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức kết thúc chuyến công du châu Á dài nhất trong lịch sử tổng thống nước này trong vòng 25 năm trở lại đây. Chuyến đi của ông Trump có thể coi là đạt được những thành quả đáng kể cũng như truyền tải được tư tưởng của mình.

Những hợp đồng tỷ đô được ký kết

Trong khuôn khổ chuyến công du của Tổng thống Donald Trump tới châu Á, đã có 37 hợp đồng lớn được ký kết giữa các công ty của Mỹ và Trung Quốc với tổng giá trị vượt mức 250 tỷ USD. Đây cũng là con số mà Mỹ đặt ra trong chuyến thăm lần này với những tên đáng chú ý như tập đoàn Catepillar, Boeing và Goldman Sachs,..

Tại Việt Nam, dưới sự chứng kiến của Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Mỹ Donald Trump, tổng giá trị các thỏa thuận thương mại mới giữa hai nước đạt hơn 12 tỷ USD.

Dưới sự chứng kiến của Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Mỹ Donald Trump, tổng giá trị các thỏa thuận thương mại mới giữa hai nước đạt hơn 12 tỷ USD.

Nổi bật là Hợp đồng mua và bảo dưỡng động máy bay Pratt & Whitney PW1100G-JM trị giá khoảng 1,5 tỷ USD; Thoả thuận trị giá 600 triệu đô la Mỹ và chương trình quản lý động cơ EngineWise trong 12 năm cho 10 máy bay thế hệ mới của VietJet hay Bản Ghi nhớ về Dự án Kho cảng khí đốt hóa lỏng tự nhiên Sơn Mỹ trị giá khoảng 1,3 tỷ USD.

Bên cạnh đó, trong khi Việt Nam mở cửa lại đối với mặt hàng bột bã ngô của Mỹ thì quốc gia này cũng quyết định mở cửa thị trường đối với trái vú sữa của Việt Nam. Ngoài ra, cả Mỹ và Việt Nam đều đồng ý giải quyết những vấn đề còn tồn tại trong lĩnh vực thương mại nông nghiệp cũng như cam kết thúc đẩy thương mại, đầu tư tự do và công bằng trong các lĩnh vực ưu tiên.

Vấn đề thâm hụt thương mại và chính sách “Nước Mỹ trước tiên”

Trong chuyến công du châu Á kéo dài tới 12 ngày (3 - 14/11), Tổng thống Donald Trump nhấn mạnh một cách rõ ràng hơn bao giờ hết về chính sách “Nước Mỹ trước tiên” (America first) và vấn đề thâm hụt thương mại tại Mỹ.

Tại Nhật Bản, ông Trump cho rằng thương mại giữa Mỹ với quốc gia này là không công bằng và không cởi mở. Trong khi chỉ có một vài chiếc ô tô của Mỹ được bán tại thị trường Nhật thì các nhà sản xuất Nhật Bản lại được kêu gọi xây dựng thêm nhà máy tại Mỹ.

Còn trong cuộc viếng thăm của mình tới Hàn Quốc, Tổng thống Mỹ gọi Hiệp định thương mại song phương (KORUS) là kẻ cướp đi công ăn việc làm và đe dọa rằng sẽ rút khỏi hiệp định này nếu không đồng ý với các điều khoản làm giảm thâm hụt thương mại ngày càng tăng tại Mỹ.

Phát biểu tại Bắc Kinh, ông Trump nhấn mạnh quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc là "mối quan hệ một chiều và bất công".

Tại Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC (CEO Summit) tại Đà Nẵng, Tổng thống Mỹ Donald Trump một lần nữa nhấn mạnh về vấn đề thâm hụt thương mại kinh tế của Mỹ và lên tiếng “trách móc” Tổ chức thương mại Thế giới (WTO) vì sự đối đãi không công bằng.

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC.

Bên cạnh đó, ông còn chỉ trích mạnh mẽ tình trạng lạm dụng thương mại cũng như việc phớt lờ các nguyên tắc thương mại quốc tế, gây ra sự méo mó nghiêm trọng. “Việc làm, nhà máy và nhiều ngành công nghiệp đã tuột ra khỏi nước Mỹ và chảy đến những nước khác. Rất nhiều cơ hội đầu tư vì lợi ích chung cũng đã biến mất bởi người ta không thể tin tưởng vào hệ thống hiện nay”.

Vấn đề vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, tình trạng bảo trợ công nghiệp thông qua việc chèn ép các đối thủ tư nhân của các tập đoàn nhà nước hay các hành vi cạnh tranh không lành mạnh khác cũng được ông Donald Trump nhắc đến.

Vấn đề Triều Tiên

Tuần đầu tiên đặt chân tới châu Á, Triều Tiên là vấn đề mà ông Trump đặt lên hàng đầu. Trong các cuộc làm việc với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hay Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, Tổng thống Mỹ đều nhắc tới vấn đề này và nhận được sự ủng hộ cho cách tiếp cận của nước Mỹ đối với vấn đề Triều Tiên.

Tại cuộc họp với Chủ tịch nước Tập Cận Bình tại Trung Quốc, ông Trump đã nhắc lại cam kết của nước này đối với vấn đề phi hạt nhân hóa tại Triều Tiên.

Ông Donald Trump luôn thẳng thắn khi nói về vấn đề Triều Tiên và đưa ra lời cảnh báo với nhà lãnh đạo Kim Jong Un. Phát biểu trước Quốc hội Hàn Quốc, ông Trump cho rằng rằng "những vũ khí mà các bạn đang có không giúp các bạn an toàn hơn mà ngược lại, đặt các bạn vào nguy hiểm".