Từ phiên livestream 75 tỷ đồng đến sự chuyển mình của Thế Giới Di Động

Việt Hưng - 10:32, 05/03/2024

TheLEADERRất nhiều nhãn hàng, nhà sản xuất coi livestream như một kênh quảng bá và bán hàng hiệu quả đến người tiêu dùng (tương tự mô hình TV Shopping từng phổ biến trên truyền hình truyền thống).

Thông qua một phiên livestream bán hàng kéo dài 13 giờ đồng hồ, một tài khoản TikTok tại Việt Nam đã mang về 75 tỷ đồng doanh số, đồng thời xác lập một kỷ lục mới với kênh bán hàng thương mại điện tử.

Thành công ngoài mong đợi từ phiên livestream đã phần nào cho thấy sức lan tỏa của các kênh bán hàng như TikTok Shop tại Việt Nam nói riêng, và kênh thương mại điện tử nói chung.

Năm ngoái, doanh thu của 5 sàn thương mại điện tử lớn nhất tại Việt Nam, bao gồm Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, TikTok Shop đã đạt 233.200 tỷ đồng, với 2,2 tỷ đơn vị sản phẩm được bán ra.

Doanh thu này được ghi nhận tăng 53,4% so với cùng kỳ năm 2022, và đây là mức tăng trưởng mạnh nhất trong 3 năm gần nhất, theo ghi nhận của Meric.

Dự báo trong năm nay, doanh thu và sản lượng bán ra trên các sàn thương mại điện tử tại Việt Nam sẽ tiếp tục tăng mạnh và có thể đạt 650.000 tỷ đồng.

Thậm chí, thương mại điện tử còn được kỳ vọng trở thành ngành xuất khẩu lớn thứ 5 tại Việt Nam trong 5 năm tới, với giá trị xuất khẩu dự kiến lên đến 296.3000 tỷ đồng vào năm 2027.

Từ phiên livestream 75 tỷ đồng đến sự chuyển mình của Thế Giới Di Động
Một tài khoản TikTok tại Việt Nam đã mang về 75 tỷ đồng doanh số trong một phiên livestream bán hàng - Ảnh: TikTok

Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp bán lẻ truyền thống dường như cũng không đứng ngoài cuộc. Tại buổi trao đổi với các nhà đầu tư gần đây, phía Thế Giới Di Động cho biết, doanh nghiệp sẽ dồn lực cho mảng bán lẻ trực tuyến trong năm 2024 này.

Cụ thể, Thế Giới Di Động đặt mục tiêu kênh bán hàng trực tuyến sẽ đóng góp 5-30% vào doanh thu toàn tập đoàn, tuỳ từng ngành hàng.

Để đạt được kết quả này, doanh nghiệp sẽ dần thay thế những trải nghiệm mua hàng truyền thống sang các chương trình flashsale (giảm giá chớp nhoáng) khi khách hàng mua trực tuyến, cũng như cung cấp ưu đãi trên từng danh mục sản phẩm.

Thậm chí, nhân viên của cửa hàng cũng thường xuyên gợi ý khách mua hàng trên website để hưởng các ưu đãi.

Ông Đoàn Văn Hiểu Em - CEO Thế Giới Di Động khẳng định, mảng trực tuyến sẽ có sự hậu thuẫn về giá ưu đãi từ lượng các nhà cung cấp lớn, đi kèm danh mục hàng hoá đa dạng. Nhờ đó, công ty sẽ hoàn toàn có đủ sức cạnh tranh với các đơn vị thương mại điện tử phổ biến hiện nay.

Năm ngoái, mảng kinh doanh trực tuyến đã đóng góp cho Thế Giới Di Động khoảng 17.000 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với năm 2022 - thời điểm đại dịch bùng phát thúc đẩy nhu cầu mua trực tuyến, và đóng góp 14% tổng doanh thu toàn tập đoàn.

Từ phiên livestream 75 tỷ đồng đến sự chuyển mình của Thế Giới Di Động 1
CEO Đoàn Văn Hiểu Em từng livestream bán hàng vào tháng 8/2020 - Ảnh: Việt Hưng

Định hướng đẩy mạnh mảng bán hàng trực tuyến tại Thế Giới Di Động thực chất đã được CEO Đoàn Văn Hiểu Em triển khai từ nửa cuối năm 2020.

Lãnh đạo này từng lần đầu livestream bán hàng với sản phẩm là các mẫu điện thoại thương hiệu OnePlus vào tháng 8/2020. Sau khoảng 1 giờ đồng hồ, livestream của vị CEO nhận về hơn 17.000 lượt xem, 367 đơn đặt hàng với doanh số đạt 4,7 tỷ đồng.

Tương tự, ông Nguyễn Hòa Bình - Chủ tịch Tập đoàn Nexttech cũng có buổi livestream đầu tiên bán son trên mạng xã hội vào tháng 3/2021.

Tới tháng 11/2021, cựu Chủ tịch FPT Telecom - ông Hoàng Nam Tiến cũng livestream bán hàng thu hút gần 3.500 lượt xem và gần 400 lượt chia sẻ.

Hình thức bán hàng livestream bùng nổ được cho là chất xúc tác thúc đẩy sự phát triển của thị trường thương mại điện tử Việt Nam. Báo cáo phát hành bởi Google, Temasek và Bain & Company tin rằng nền kinh tế số của Việt Nam sẽ sớm đạt tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á.

Ông Phạm Ngọc Duy Liêm - đồng sáng lập và Giám đốc phát triển GoStream cho biết, livestream trên các mạng xã hội, các sàn thương mại điện tử,…đang ngày càng phổ biến và thu hút một lượng lớn người theo dõi.

Rất nhiều nhãn hàng, nhà sản xuất coi livestream như một kênh quảng bá và bán hàng hiệu quả đến người tiêu dùng (tương tự mô hình TV Shopping từng phổ biến trên truyền hình truyền thống).