Thương vụ Việt Nam tại Indonesia thông tin, chính phủ nước này quyết định tăng hạn ngạch nhập khẩu gạo thêm 1,6 triệu tấn, nâng tổng hạn ngạch lên 3,6 triệu tấn trong năm 2024.
Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh canh tác gạo tại Indonesia bị thiếu hụt do thiếu nước canh tác, ảnh hưởng từ hiện tượng khí hậu El Nino. Thay vì tháng 3, tháng 4 hàng năm, thu hoạch vụ canh tác chính tại Indonesia sẽ diễn ra vào khoảng tháng 5, tháng 6, trong khi tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo sắp bắt đầu, đẩy nhu cầu tiêu thụ lương thực thực phẩm tăng cao.
Tác động từ thiếu hụt nghiêm trọng nguồn cung, giá gạo tại Indonesia cũng đang tăng mạnh. Tính đến nay, Indonesia đã trải qua 8 tháng thâm hụt gạo liên tục, bắt buộc chính phủ nước này phải đưa ra các phương án bình ổn giá.
Trước đó, chính phủ Indonesia đã tăng hạn ngạch nhập khẩu gạo lên 2 triệu tấn trong năm 2024. Trong đợt mở thầu mua gạo đầu tiên với tổng khối lượng 500 nghìn tấn gạo, doanh nghiệp Việt Nam, bao gồm Tập đoàn Lộc Trời, Vinafood 1&2, XNK Kiên Giang và Lương thực Phát Tài đã trúng thầu 300 nghìn tấn.
Sẽ có thêm nhiều đợt mở thầu mua gạo từ phía Indonesia trong thời gian tới, do đó, Thương vụ Việt Nam tại Indonesia khuyến cáo doanh nghiệp chủ động theo dõi sát thông tin thị trường để tranh thủ cơ hội xuất khẩu gạo sang Indonesia.
Năm 2023, xuất khẩu gạo cũng hưởng lợi lớn từ sự thiếu hụt nguồn cung của Indonesia. Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, Indonesia vươn lên trở thành nhà nhập khẩu gạo lớn thứ hai của Việt Nam với sản lượng hơn 1,1 triệu tấn, kim ngạch hơn 640 triệu USD, tăng gần 880% về lượng và gần 1.000% về giá trị so với năm 2022.
Xuất khẩu gạo Việt Nam năm 2024 dự kiến tiếp tục được hưởng lợi nhờ sự thiếu hụt nguồn cung ở không chỉ Indonesia mà còn nhiều quốc gia khác, bao gồm cả các đối thủ là cường quốc xuất khẩu gạo.
Bên cạnh đó, 2024 cũng là năm đầu tiên triển khai đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao và phát thải thấp gắn với phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”.
Các địa phương đang phối hợp với doanh nghiệp tham gia tích cực vào đề án, hứa hẹn cho ra đời nhiều sản phẩm lúa gạo chất lượng cao, phát thải thấp, giúp gạo Việt chen chân chiếm lĩnh các thị trường tiên tiến trên thế giới.
Theo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, dự kiến sản lượng lúa của Việt Nam trong năm 2024 đạt 43 triệu tấn, trong đó khoảng 8 triệu tấn dành cho xuất khẩu. Xuất khẩu lúa gạo đặt mục tiêu cán mốc 5 tỷ USD trong năm 2024.
Tuy nhiên, doanh nghiệp và người nông dân vẫn cần phải đề phòng những “cơn gió ngược” khi nguyên liệu, vật tư đầu vào cho sản xuất lúa giữ ở mức cao trong bối cảnh bất ổn chuỗi cung ứng toàn cầu.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp lúa gạo vẫn đang loay hoay với bài toán dù giá bán tăng nhưng lợi nhuận có xu hướng giảm do giá thu mua cũng tăng cao.
Mặt khác, tình trạng thiếu vốn nhập hàng để xuất khẩu khi lúa gạo vào vụ thu hoạch vẫn là vấn đề nan giải, đòi hỏi sự đồng hành tích cực hơn từ phía các tổ chức tín dụng.
Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 được kỳ vọng sẽ giải quyết vấn đề phân mảnh, nhỏ lẻ, tự phát của ngành lúa gạo, hướng đến chuyên nghiệp, minh bạch, bền vững và có trách nhiệm.
Quy trình canh tác lúa gạo tại Việt Nam tạo ra ít khí thải hơn so với các đối thủ cạnh tranh, là nền tảng rất quan trọng có thể được tận dụng để xây dựng thương hiệu ngành lúa gạo cho đất nước.
Thiếu vắng Ấn Độ trong cuộc đua xuất khẩu gạo ra thế giới, 40% ‘miếng bánh’ để lại cho các quốc gia xuất khẩu gạo khác. Cơ hội là quá rõ. Tuy nhiên, việc Việt Nam tận dụng thời cơ để mở rộng thị phần, đẩy mạnh xuất khẩu lại không hề dễ dàng.
Trong thời đại công nghệ số, trải nghiệm số là yếu tố then chốt giúp doanh nghiệp tạo dựng nền tảng vững chắc, chinh phục khách hàng và kiến tạo tương lai vững mạnh.
Luật Địa chất và khoáng sản sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua đã bổ sung nhiều quy định quan trọng nhằm siết chặt quản lý cấp phép thăm dò và khai thác khoáng sản.