Uniben nhảy vào thị trường đồ uống đóng chai

Trần Anh - 09:11, 17/08/2021

TheLEADERGần đây, công ty chuyên sản xuất mì ăn liền này đã tung ra sản phẩm nước trái cây Joco sau đó là trà mật ong thương hiệu Boncha nhằm hướng vào thị trường đồ uống tiềm năng của Việt Nam.

Tháng 8/2021, Công ty Cổ phần Uniben – chủ sở hữu thương hiệu Mì 3 miền và Reeva, đã tăng vốn điều lệ lên 1.000 tỷ đồng. Trước đó, năm 2016, công ty lần đầu tăng vốn từ 400 tỷ đồng lên 900 tỷ đồng với sự xuất hiện của cổ đông nước ngoài.

Sau khi tăng vốn, cổ đông lớn nhất của Uniben là Greaton Investment nắm giữ 44,39% cổ phần, một pháp nhân đặt tại Singapore. Số cổ phần còn lại do các lãnh đạo công ty nắm giữ.

Đợt tăng vốn mới của Uniben đi cùng với hoạt động mở rộng sang lĩnh vực kinh doanh đồ uống. Năm ngoái, công ty chuyên sản xuất mì ăn liền này đã tung ra sản phẩm nước trái cây Joco. Đầu năm nay, công ty tiếp tục cho ra mắt trà mật ong thương hiệu Boncha, kết hợp giữa nguyên liệu trà xanh và mật ong.

Bên cạnh với Joco và Boncha, Uniben cho biết sẽ sớm tiếp tục trình làng thêm nhiều thương hiệu đồ uống mới. Doanh nghiệp này đánh giá, ngành hàng nước trái cây tại Việt Nam được đánh giá rất tiềm năng, doanh thu toàn thị trường trong năm 2020 vào khoảng 11.500 tỷ đồng, dự kiến đạt 13.972 tỷ đồng vào năm 2022. Mức độ hấp dẫn của thị trường khiến doanh nghiệp sản xuất mì gói quyết định nhảy vào cạnh tranh với các tên tuổi lớn.

Mặc dù vậy, dịch Covid-19 khiến tiêu thụ toàn ngành nước giải khát sụt giảm nghiêm trọng. Các sản phẩm của Uniben, vì thế, cũng chưa gây được tiếng vang sau hơn nửa năm ra mắt.

Uniben nhảy vào thị trường đồ uống đóng chai
Nhà máy Uniben Foods tại Bình Dương

Thành lập từ năm 1992 nhưng Uniben chủ yếu kinh doanh tại Nga và Đông Âu, đến năm 2004, công ty mới ra mắt thương hiệu mì 3 Miền tại Việt Nam và sau đó lần lượt là mì Reeva, nước mắm Reeva...

Trong đó, mì 3 Miền là nhãn hiệu được người tiêu dùng Việt chọn mua nhiều hàng đầu liên tục từ 2015 đến nay với trên 27,5% thị phần, theo KantarWorldPanel. Còn Reeva là thương hiệu mì, phở cao cấp xuất khẩu đến hơn 16 quốc gia trên thế giới.

Trong những năm trở lại đây, Uniben đã đầu tư gần 2.000 tỷ đồng để xây dựng thêm 2 nhà máy sản xuất lớn tại Hưng Yên và Bình Dương phục vụ cả thị trường trong nước và xuất khẩu.

Việc Uniben vẫn tìm được chỗ đứng trong bối cảnh thị trường mì ăn liền gần như đã bão hòa ở mức 5 tỷ gói/năm là một thành công lớn. Đó là dấu ấn của đội ngũ lãnh đạo công ty, những doanh nhân kinh doanh thành công trong lĩnh vực mì ăn liền tại Nga và Đông Âu với thương hiệu Mareven.

Đây là doanh nghiệp gắn liền với tên tuổi của ông ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Quốc tế (VIB). Hiện ông Vỹ là Chủ tịch HĐQT của Mareven Food Holdings, nhà sản xuất mì ăn liền lớn nhất Nga với nhãn hiệu mì nổi tiếng Rolton.

Nhiều lãnh đạo khác của VIB như ông Đỗ Xuân Hoàng, Phó chủ tịch HĐQT và ông Trần Nhất Minh, Phó tổng giám đốc cũng đang là lãnh đạo của Mareven Food Central. Đây là công ty liên doanh với Nhật Bản đầu tư vào lĩnh vực FMCG tại Nga.

Trở lại với Uniben, trong giai đoạn 2016 – 2019, doanh thu của công ty ghi nhận sự tăng trưởng từ khá mạnh, từ mức 2.200 tỷ đồng lên gần 2.900 tỷ đồng, tương đương khoảng 30% sau 4 năm nhờ việc đầu tư mở rộng thị phần.

Tuy nhiên, Uniben gần như không có lợi nhuận, chủ yếu do chi phí bán hàng quá lớn. Kết quả kinh doanh của Uniben cũng cho thấy thị trường mì trong nước đang cạnh tranh rất khốc liệt