VCFO 'hiến kế' cho Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua đại dịch Covid-19

Trần Anh - 08:00, 27/04/2020

TheLEADERCâu lạc bộ Giám đốc tài chính Việt Nam (VFCO) thuộc Hội Các nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam (VACD) vừa gửi tới Chính phủ đề xuất các giải pháp giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19.

Cụ thể, về chính sách thuế, VCFO đề xuất cho phép giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) tối thiểu 50% đối với những ngành nghề bị ảnh hưởng nhiều. Đồng thời, cho phép gia hạn nộp thuế TNDN cho cả quý 3, 4 của năm 2020 và quý 1,2 của năm 2021 như đã quy định cho quý 1,2 năm 2020 trong nghị định 41/2020 của Chính phủ.

Theo VCFO, đại dịch dự kiến sẽ có ảnh hưởng nhiều đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021, doanh nghiệp nhiều khả năng lỗ trong giai đoạn này. Do đó, ngoài chính sách chuyển lỗ đang áp dụng hiện nay, Chính phủ cân nhắc cho phép doanh nghiệp được lựa chọn áp dụng:

Chính sách chuyển lỗ ngược về các năm trước, theo đó lỗ ròng trong năm của doanh nghiệp (ví dụ 2020, 2021) sẽ được cấn trừ vào thu nhập tính thuế của các năm trước đó. Như vậy, doanh nghiệp sẽ được hoàn số thuế nộp thừa năm trước đó.

Hiện một số nước trên thế giới gần đây đã áp dụng riêng trong gói các giải pháp ứng phó đại dịch như Singapore (3 năm), Séc (2 năm), Na Uy (2 năm), Ba Lan (1 năm), Mỹ (5 năm).

So với chính sách chuyển lỗ hiện có, việc áp dụng chính sách này sẽ có tác dụng hỗ trợ ngay và kịp thời khắc phục tình trạng thiếu nguồn tiền của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Chính phủ có thể và/hoặc cho phép kéo dài thời gian chuyển lỗ hơn 5 năm tiếp theo đối với các khoản lỗ phát sinh trong thời gian ảnh hưởng bởi đại dịch. Hiện nay Trung Quốc cho phép kéo dài thời gian chuyển lỗ này từ 5 – 8 năm.

Câu lạc bộ Giám đốc tài chính Việt Nam cũng kiến nghị sửa đổi bổ sung Nghị định 20 năm 2017 về quản lý thuế đối với có giao dịch liên kết. Nghị định sửa đổi dự kiến sẽ áp dụng cho việc quyết toán thuế TNDN năm 2019 nhưng đến nay vẫn chưa được ban hành.

Đối với thuế giá trị gia tăng (GTGT), để hỗ trợ dòng tiền cho doanh nghiệp trong bối cảnh không thu được doanh thu đồng thời lại không được hoàn thuế, VCFO đề nghị cơ chế cho phép những doanh nghiệp xuất khẩu có thời hạn thanh toán theo hợp đồng rơi vào giai đoạn bị ảnh hưởng bởi đại dịch sẽ không phải thỏa mãn điều kiện phải có chứng từ thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ thì mới được hoàn thuế GTGT đầu vào cho hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu.

Trên thực tế, chính sách này không mới khi trong khủng hoảng kinh tế năm 2008, Chính phủ đã có Nghị định 30 cho phép tạm hoàn 90% số thuế GTGT đầu vào đối với hàng hóa thực xuất khẩu trong trường hợp doanh nghiệp chưa có chứng từ thanh toán qua ngân hàng và hoàn tiếp 10% khi có chứng từ thanh toán.

Đối với thuế thu nhập cá nhân (TNCN), VCFO đề nghị cho miễn hoặc giảm thuế TNCN phải nộp cho cả năm 2020 hoặc tối thiểu là giai đoạn 6 tháng cuối năm 2020 đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công, thu nhập từ kinh doanh, từ đầu tư vốn, chuyển nhượng vốn, chứng khoán, thương mại,…

Không tính vào thu nhập chịu thuế TNCN đối với các khoản trợ cấp, hỗ trợ mà người lao động có hoàn cảnh khó khăn, bị ngưng việc, tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, không có thu nhập nhận được từ Chính phủ cũng như người sử dụng lao động. Ngoài ra, cho phép tính trừ thuế TNCN các khoản đóng góp của cá nhân nhằm ủng hộ dịch Covid-19.

VCFO dẫn chứng, trong quá khứ, trước những tác động mạnh mẽ của các cuộc suy thoái tới nền kinh tế và cuộc sống người dân, Chính phủ đã đưa ra các quyết định sáng suốt kịp thời liên quan đến thuế TNCN nhằm hỗ trợ người lao động, kích cầu nền kinh tế.

Chẳng hạn, năm 2008, Quốc hội đã nhất trí miễn toàn bộ thuế TNCN từ tháng 1/2009 đến tháng 6/2009 đã giãn cho các đối tượng, đồng thời tiếp tục miễn thuế TNCN từ 1/7/2009 đến hết năm 2009 đối với thu nhập từ đầu tư vốn, chuyển nhượng vốn, từ bản quyền, nhượng quyền thương mại.

Năm 2012, khi sản xuất gặp nhiều khó khăn, Quốc hội cũng đã nhất trí miễn thuế TNCN từ 1/7/2012 đến hết ngày 31/12/2012 đối với cá nhân có thu nhập tính thuế từ tiền lương và từ kinh doanh đến mức phải chịu thuế thu nhập cá nhân ở bậc 1 của biểu thuế lũy tiến từng phần.

Với hoạt động kê khai, quyết toán sắc thuế nói chung, VCFO đề xuất cho phép các doanh nghiệp thuộc diện miễn, giảm, giãn nộp thuế được tự động thực hiện các ưu đãi và đồng thời thông báo đến Cơ quan thuế. Cơ quan thuế sẽ tiến hành kiểm tra/hậu kiểm, doanh nghiệp nào sai sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật. Tránh tình trạng xin – cho, xem xét thẩm định kéo dài.

Ngoài ra, cho phép các nhóm công ty/tập đoàn được lựa chọn quyết toán thuế chung của cả tập đoàn hoặc quyết toán thuế riêng từng đơn vị hạch toán độc lập theo đăng ký với cơ quan thuế.

Về chính sách tiền tệ, các chương trình hỗ trợ lãi suất là một trong những giải pháp kích thích kinh tế tối ưu với chi phí thấp, phù hợp với điều kiện của Việt Nam, có tác động tích cực giúp nhiều doanh nghiệp và hộ sản xuát kinh doanh giảm chi phí vay vốn, giảm giá thành sản phẩm, duy trì và mở rộng sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, ngăn chặn suy giảm kinh tế.

Năm 2009, Chính phủ đã thực hiện gõi hỗ trợ lãi suất cho vay ngắn hạn, hỗ trợ 4% cho các khoản vay vốn lưu động của các doanh nghiệp không phân biệt thành phần kinh tế với thời gian hỗ trợ khong quá 8 tháng và trước ngày 31/12/2009.

Tiếp đó, ngày 4/4/2009, Chính phủ còn ban hành Quyết định 443 hỗ trợ lãi suất với mức 4% cho các khoản vay vốn trung và dài hạn để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh với thời hạn hỗ trợ không quá 24 tháng và trước 31/12/2011 bao gồm 9 ngành, lĩnh vực thuộc nông nghiệp và công nghiệp.

Khi gói hỗ trợ trên hết hiệu lực vào cuối năm 2009, Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định số 2072 quy định việc thực hiện gói hỗ trợ lãi suất 2% đối với các khoản vay trung và dài hạn để thực hiện đầu tư mới phát triển sản xuất và kinh doanh. Thời gian hỗ trợ lãi suất tối đa là 24 tháng, kể từ khi giải ngân khoản vay trong năm 2010.

Do vậy, theo VCFO, nên cho phép gói hỗ trợ lãi suất tương tự như đợt khủng hoảng tài chính 2008 – 2009 với các khoản vay trung, dài hạn, với mức hỗ trợ lãi suất tiền vay ít nhất là 4%/năm, tính trên số tiền vay và thời hạn cho vay thực tế, thời hạn hỗ trợ lãi suất tối đa là 24 tháng kể tư khi giải ngân khoản vay từ tháng 3/2020 trở đi.

Thêm vào đó, Chính phủ nên xem xét có chính sách cho vay lãi suất thấp 0% đối với khoản vay của doanh nghiệp để trả lương cho người lao động và đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Đồng thời có chính sách tăng cường giải ngân từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) và Ngân hàng chính sách xã hội và các ngân hàng thương mại khác tại Việt Nam về cho vay lãi suất thấp đối với doanh nghiệp.

Đối với lĩnh vực hải quan, VCFO đề xuất hạn chế hoặc không tiến hành kiểm tra sau thông quan trong giai đoạn bị ảnh hưởng bởi dịch để doanh nghiệp có thể tập trung thời gian và nguồn lực khôi phục, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh.

Không áp dụng phạt hành chính trong trường hợp người khai hải quan, người nộp thuế tự phát hiện sai sót trong việc khai hải quan và tự điều chỉnh tờ khai nhưng chậm hơn 60 ngày kể từ ngày thông quan.

Điều chỉnh thuế suất nhập khẩu từ 30 – 50% đối với nhóm hàng nhập khẩu của ngành sản xuất bị ảnh hưởng bởi đại dịch như sản xuất sản phẩm điện tử, dệt may, sản xuất trang phục, ô tô và xe có động cơ,… Chính phủ cũng đã từng cho phép giảm thuế suất nhập khẩu một số loại nguyên liệu đầu vào của sản xuất trong khủng hoảng 2008.

Ngoài ra, VCFO còn đề xuất nhiều chính sách hỗ trợ khác như tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính để thu hút mạnh mẽ đầu tư nước ngoài; nới room cho nhà đầu tư ngoại hay các chính sách cho phép giãn/hoãn thời hạn nộp các loại bảo hiểm cho tất cả các doanh nghiệp nhỏ và vừa và cho người lao động ít nhất đến cuối năm 2020.

Toàn văn kiến nghị của Câu lạc bộ Giám đốc tài chính Việt Nam (VFCO).