Bộ Y tế sắp tăng mức xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm

Minh Châu - 16:03, 10/08/2017

TheLEADERBộ Y tế đang nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định số 178/2013/NĐ-CP (NĐ 178/2013) ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm theo hướng tăng mức phạt tiền bảo đảm có tính răn đe hơn.

Bộ Y tế sắp tăng mức xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm
Ảnh: Internet

Trong tờ trình, Bộ Y tế xin ý kiến của Chính phủ về 6 vấn đề sau do có nhiều ý kiến khác nhau:

Một là, tăng nặng mức phạt chính và bổ sung các hình thức xử phạt bổ sung (tước quyền sử dụng giấy, đình chỉ hoạt động có thời hạn), biên pháp khắc phục hậu quả (Buộc tiêu hủy hành hóa gây hại cho sức khỏe con người).

Hai là, hạn chế quy định hình thức xử phạt cảnh cáo, trường hợp có quy định hình thức xử phạt cảnh cáo cần quy định rõ cho từng hành vi cụ thể, tách riêng ra khỏi hình thức phạt tiền.

Ba là, quy định rõ việc công khai công bố các hành vi vi phạm và các hình thức xử phạt theo đúng điều 72 Luật Xử lý vi phạm hành chính nhưng làm rõ công bố đến đâu, công bố cho ai, công bố như thế nào, ai thực hiện công bố.

Bốn là, quy định mức phạt phù hợp trong đó bao gồm cả mức phạt theo hành vi vi phạm hoặc mức phạt theo hành vi với giá trị số lượng hàng hóa vi phạm.

Năm là, phân định thẩm quyền xử phạt của Bộ, ngành trong dự thảo Nghị định.

Sáu là, tích hợp đưa vào dự thảo Nghị định các hành vi đã quy định tại các nghị định khác có liên quan (ghi nhãn, chất lượng, quảng cáo sản phẩm).

Trong Dự thảo thay thế Nghị định 178/2013 có nhiều nội dung bổ sung hoặc thay đổi như tăng mức phạt tiền đối với hành vi trực tiếp đưa tạp chất vào thủy sản lên mức từ 3 – 5 triệu đồng, tăng gấp 10 lần so với mức cũ do mức phạt tại NĐ 178/2013 chưa phù hợp và chưa đủ sức răn đe, giáo dục.

Bổ sung thêm các mức xử phạt đối với hành vi vi phạm điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong bảo quản, kinh doanh thực phẩm thủy sản có chất bảo quản là hóa chất cấm sử dụng theo một trong các mức sau đây:

- Phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 50 triệu đồng đối với hành vi vi phạm điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong bảo quản, kinh doanh thực phẩm thủy sản (thủy, hải sản bị biến đổi về màu sắc, mùi vị;cấp đông, không có bao gói; thủy sản khô, thủy sản hấp...) có chất bảo quản là hóa chất cấm sử dụng mà sản phẩm thực phẩm vi phạm có giá trị dưới 10 triệu đồng;

- Phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với hành vi vi phạm điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong bảo quản, kinh doanh thực phẩm thủy sản (thủy, hải sản bị biến đổi về màu sắc, mùi vị; cấp đông, không có bao gói; thủy sản khô, thủy sản hấp...) có chất bảo quản là hóa chất cấm sử dụng mà sản phẩm thực phẩm vi phạm có giá trị từ 10 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Bổ sung thêm quy định chất lượng sản phẩm thực phẩm nếu vi phạm quy định về công bố tiêu chuẩn áp dụng như: 

- Phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 4 triệu đồng đối với hành vi không công bố tiêu chuẩn áp dụng theo quy định trong sản xuất hoặc nhập khẩu.

- Phạt tiền từ 6 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Sản xuất hoặc nhập khẩu sản phẩm, hàng hóa không phù hợp với tiêu chuẩn đã công bố áp dụng và nội dung của tiêu chuẩn công bố áp dụng không phù hợp với quy định của quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.

Ngoài ra, Dự thảo thay thế Nghị định 178/2013 cũng bổ sung thêm các mức xử phạt vi phạm quy định ghi nhãn về an toàn thực phẩm; vi phạm quy định khác về bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm...