Bức tranh khác về ngành ngân hàng qua báo cáo tỷ lệ an toàn vốn

Dũng Phạm - 10:48, 08/11/2023

TheLEADERTheo tính toán của các công ty chứng khoán, với các kế hoạch phát hành tăng vốn cổ phần, các ngân hàng có thể cải thiện tỷ lệ CAR thêm từ 1% - 3%, đồng thời cải thiện hạn mức tăng trưởng tín dụng.

Hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) đã và đang có thay đổi tích cực đáp ứng các chuẩn mực quốc tế với mục tiêu chính nhằm giảm thiểu rủi ro mang tính hệ thống, tối ưu hóa hiệu quả hoạt động và thu hút thêm nguồn vốn để mở rộng cho vay đầu tư, kinh doanh.

Trong đó, cải thiện tỷ lệ an toàn vốn (CAR) là một trong những tiêu chí quan trọng khi đánh giá khả năng hoạt động an toàn và quản trị rủi ro của các ngân hàng, bao gồm các đánh giá tương quan về vốn tự có và các tài sản rủi ro.

Thêm nữa, tỷ lệ CAR được xác định như là 1 trong 3 trụ cột chính của Hiệp ước Basel mà các ngân hàng đang hướng đến, bên cạnh “quy trình kiểm tra” và “các nguyên tắc thị trường”. 

Ủy ban Basel khuyến nghị các ngân hàng cần duy trì tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu ở mức 8%, tương đương với tỷ lệ an toàn vốn theo Thông tư số 41 được NHNN ban hành.

Theo số liệu từ các báo cáo an toàn vốn trong 2 quý gần nhất, một số ngân hàng đã ghi nhận tỷ lệ CAR ở mức vượt xa so yêu cầu tối thiểu 8% như Techcombank (15%), VPBank (19%), TPBank (11%), VIB (11,8%) và MSB (12,6%)...

Trong khi đó, nhóm các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước như BIDV, Vietinbank, Vietcombank có tỷ lệ CAR ở mức thấp hơn, lần lượt là 9,34%; 8,94% và 9,95%.

Dù tỷ lệ CAR cao hơn so với mức quy định của Thông tư 41, “bộ đệm” vốn của các ngân hàng vẫn đang cải thiện chậm và ở mức thấp so với bình quân các thị trường trong khu vực như Indonesia là 22,6%; Philippines là 17,2%; Singapore là 17,1%; Thái Lan 19,6%; Malaysia 18,5% (theo số liệu năm 2022). Điều này trở thành rào cản cho ngành ngân hàng hoàn thiện các tiêu chuẩn của Basel III, với một số quy chuẩn khắt khe hơn trong đánh giá chất lượng vốn tự có.

Để nâng cao tỷ lệ CAR, các ngân hàng thương mại cần gia tăng “Vốn tự có” hoặc giảm thiểu giá trị các tài sản có rủi ro, bao gồm các rủi ro về tín dụng, hoạt động và thị trường.

Bức tranh khác về ngành ngân hàng qua báo cáo tỷ lệ an toàn vốn
Ngành ngân hàng sẽ phải đối mặt với bài toán chất lượng tài sản trong thời gian tới. Ảnh: Hoàng Anh

Thời gian qua, hoạt động tăng vốn đã diễn ra khá tích cực trong hệ thống ngân hàng. Theo đó, tính tới tháng 10, nhiều ngân hàng đã chủ động tăng vốn qua các đợt chi trả cổ tức, phát hành cổ phiếu. Theo thống kê, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản chấp thuận tăng vốn điều lệ cho gần 21 ngân hàng và 6 công ty tài chính.

Theo tính toán của các công ty chứng khoán, với các kế hoạch phát hành tăng vốn cổ phần, các ngân hàng có thể cải thiện tỷ lệ CAR thêm từ 1% - 3%, đồng thời cải thiện hạn mức tăng trưởng tín dụng.

Tiêu biểu là trường hợp của VPBank khi tăng vốn lên gần 140.000 tỷ đồng, đứng thứ 2 toàn hệ thống sau thương vụ bán vốn cho đối tác chiến lược SMBC, tỷ lệ CAR của ngân hàng này được Moody's đánh giá cán mốc gần 19%.

Bên cạnh đó, các ngân hàng như Agribank, TPBank hay LPBank cũng ghi nhận mức tăng vốn điều lệ mạnh mẽ lần lượt khoảng 50%, 40% và 65% trong đợt tăng vốn hồi đầu năm nay, giúp cải thiện đáng kể “bộ đệm” về vốn trong quản trị rủi ro.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, tăng vốn điều lệ mới chỉ là “điều kiện cần” để đáp ứng các yêu cầu về tỷ lệ an toàn vốn. Theo đó, ngoài cải thiện cấu phần “Vốn tự có”, Basel III cũng tăng đáng kể yêu cầu về vốn để đối phó với các tài sản rủi ro (Risk-Weighted Assets – RWA)

Cụ thể, các ngân hàng cần rà soát, tính toán kỹ các mức về rủi ro tín dụng (bao gồm rủi ro tín dụng và rủi ro tín dụng đối tác), rủi ro thị trường và rủi ro hoạt động, nâng cao tính nhạy cảm về rủi ro và khả năng so sánh rủi ro.

Trên thực tế, với việc hoạt động tín dụng chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu hoạt động kinh doanh của các ngân hàng thương mại, giá trị tài sản có tính theo rủi ro tín dụng cũng chiếm tỷ trọng chủ yếu và tập trung nhiều nguồn lực quản trị của các ngân hàng.

Như tại Techcombank, tài sản rủi ro tín dụng là hơn 706.000 tỷ đồng so với tài sản rủi ro tín dụng đối tác chỉ gần 4.500 tỷ đồng, tài sản rủi ro hoạt động hơn 88.000 tỷ đồng và tài sản rủi ro thị trường chỉ gần 12.300 tỷ đồng.

Tương tự tại TPBank hay VPBank, tài sản rủi ro tín dụng đạt lần lượt là 185.500 tỷ đồng và 643.000 tỷ, vượt xa so với các tài sản rủi ro khác.

Sở hữu mức dư nợ đứng đầu hệ thống, các ông lớn như Vietcombank, Vietinbank, hay BIDV cũng có mức tài sản rủi ro tín dụng vượt xa nhóm các ngân hàng tư nhân và cũng chiếm trọng số lớn trong rổ tài sản tính rủi ro, lần lượt đạt các mức 1,3 triệu tỷ đồng, 1,56 triệu tỷ đồng và 1,55 triệu tỷ đồng.

Hiện nay, những rủi ro trên thị trường ngày một gia tăng khiến "bộ đệm" vốn của các ngân hàng "mỏng" hơn và càng làm cho hoạt động hệ thống dễ bị tổn thương trước các cú sốc bất lợi từ môi trường kinh doanh.

Theo số liệu mới nhất vừa được NHNN công bố, tỷ lệ nợ xấu từ 2% hồi đầu năm tăng vọt lên 3,56% đến cuối tháng 7 với số dư nợ xấu của toàn hệ thống là hơn 440.000 tỷ đồng. Nếu loại trừ 5 ngân hàng đang thuộc diện kiểm soát đặc biệt thì tỷ lệ nợ xấu nội bảng của các nhà băng vẫn ở mức cao 1,92%.

Như vậy, các ngân hàng sẽ phải đối mặt với bài toán chất lượng tài sản trong thời gian tới, trong đó áp lực nợ xấu và tăng trích lập dự phòng sẽ tương đối lớn.

Dù vậy, những động thái gia cố cho "bộ đệm vốn" dày dặn hơn được triển khai trong thời gian vừa qua cũng hỗ trợ các ngân hàng “chống đỡ” được những rủi ro tiềm tàng có thể xảy ra. Ðây cũng là bài học đã được rút ra bởi rất nhiều cuộc khủng hoảng tài chính trên thế giới.